Nghị định 20/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ 10/4 áp mức phí trước bạ xe bán tải mà khách hàng phải đóng lần đầu bằng 60% mức thu xe con. Điều này khiến giá lăn bánh dòng xe bán tải tăng thêm hàng chục triệu so với trước đó.

Câu hỏi đặt ra, mức tăng này ảnh hưởng thế nào đến quyết định mua xe bán tải của khách Việt? Thậm chí với giá trị sở hữu tăng có khiến họ chuyển hướng sang dòng xe đa dụng gầm cao, gần nhất về tầm giá là SUV cỡ C?

“Tôi không nghĩ phí trước bạ xe bán tải tăng là lý do chính khiến khách hàng ngay lập tức quay lưng, chuyển sang dòng SUV”, giám đốc Marketing một hãng xe Nhật tại Việt Nam, nói. “Giữa xe bán tải và SUV thực tế có công năng sử dụng không thể thay thế cho nhau”.

Theo vị giám đốc, lo ngại về một chính sách mới ban hành, đặc biệt làm giá xe hay chi phí sở hữu tăng là tâm lý bình thường của khách hàng, kiểu phản ứng tự nhiên. Nhưng ở khía cạnh kinh doanh thuần tuý, nếu mục đích mua xe được xác định chính xác ngay từ đầu thì quyết định đưa ra là không khó. 

Một chiếc SUV không thể thay xe bán tải chở những kiện hàng cồng kềnh. Ngược lại xe bán tải khó cho người ngồi cảm giác thoải mái như ở trên một chiếc SUV, ghế sau ở đa số mẫu xe không ngả được là một ví dụ. Sự khác biệt về công năng có thể nhận thấy ngay từ đầu. 

{keywords}
Một chiếc xe SUV không thể thay thế xe bán tải nếu khách mua thực sự có nhu cầu chở hàng hóa

Điều boăn khoăn lựa chọn xe bán tải hay SUV có thể đến từ trang bị, không kể ngoại hình khác nhau. Nhiều tính năng vốn trước đó chỉ hiện diện trên xe con như kiểm soát hành trình, điều khiển bằng giọng nói, hỗ trợ đỗ xe, chìa khoá thông minh, nay cũng có trên xe bán tải. Một mẫu Ford Ranger bản Wildtrak cao cấp nhất có thể so kè trang bị với Honda CR-V, Mazda CX-5 ở phân khúc Crossover/SUV đô thị tại Việt Nam.

Anh Hoàng Việt, tư vấn bán hàng lâu năm đại lý Ford, TP HCM, cho rằng, trang bị giữa xe bán tải và SUV hiện xích lại gần nhau là lý do khiến một số khách hàng phân vân lựa chọn. “Nếu người mua không đặt nặng vấn đề chở hàng hoá, việc chi thêm tiền để sở hữu thiết kế mềm mại, nhiều tiện nghi của dòng SUV, gián tiếp bỏ qua lựa chọn xe bán tải khi phí trước bạ tăng là có thể”.

Nhận định trên thêm cơ sở nếu biết rằng, đa số người Việt coi xe hơi là một thứ tài sản thay vì phương tiện, thiên hướng sử dụng cho gia đình hơn cá nhân. Nhưng với những người có nhu cầu thực sự thì khác. “Vì dù sao xe bán tải là để kiêm chở hàng, thứ mà SUV khó so bì”, Việt nói thêm.

Chưa có thống kê cụ thể nào tại Việt Nam về lượng người mua xe bán tải với mục đích không dùng để chở hàng mà chủ yếu chở người, hay nói cách khác sử dụng như xe con.

“Trên thực tế, số khách hàng kiểu này không phải ít. Nhiều người mua bán tải nhưng nhu cầu và cách sử dụng thì không khác gì xe sedan, thậm chí, đi làm hàng ngày. Lý do duy nhất họ mua bán tải thay SUV là vì khoản phí trước bạ trước đây chỉ 2%, giá rẻ hơn hẳn SUV",một chuyên gia trong ngành nhận định.

"Do vậy, khi phí trước bạ xe bán tải tăng thì có lẽ, đây là nhóm người mua có thể sẽ thay đổi lựa chọn của mình", vị này nhìn nhận.

Tại nước láng giềng Thái Lan, chính phủ có chính sách hỗ trợ người dân mua xe bán tải dùng cho mục đích kinh doanh. Nhóm tiểu thương ở các vùng quê là đối tượng khách hàng chủ yếu, nơi họ dùng bán tải để chở hàng hoá, nông sản. Mục đích sử dụng xe bán tải vì thế được định hướng ngay từ đầu.

Điều này không giống ở Việt Nam khi không ít người Việt mua xe bán tải để “chơi” thay vì cần chở hàng. Nếu mất thêm phí tiền phí trước bạ, họ có thể cân nhắc chuyển sang SUV thay vì xe bán tải. 

{keywords}
Xe bán tải hút khách vì phí trước bạ quá rẻ trong khi tiện ích, vẻ đẹp không kém gì xe SUV

Về khoảng cách giá thì sao? Phí trước bạ xe bán tải từ 10/4 tại TP HCM, Hà Nội tăng thêm khoảng 3 lần, tương đương chi phí lăn bánh dòng xe này tăng cao nhất gần 50 triệu. Với số tiền phải chi thêm, xe bán tải liệu có mất khách?

Lấy ví dụ ở danh mục sản phẩm hãng Mazda, mẫu bán tải BT-50 giá cao nhất 679 triệu, để sở hữu CX-5 bản thấp nhất, khách phải chi thêm 220 triệu. Với dải sản phẩm của Mitsubishi, bản cao cấp nhất bán tải Triton giá 818 triệu đồng, để sở hữu Outlander bản thấp nhất, khách chỉ cần chi thêm khoảng gần 5 triệu.

Nhưng ở Nissan, tương tự Mazda khi khách phải chi thêm số tiền lớn, khoảng hơn 160 triệu nếu muốn “bỏ” bán tải Navara (815 triệu) lên X-Trail (976 triệu). Ở nhiều hãng xe khác, mức chênh lệch giá giữa hai sản phẩm không đều, SUV thường có giá cao hơn.

Phí trước bạ xe bán tải tăng có thể ảnh hưởng đến số ít khách hàng không đặt nặng vấn đề chở hàng, chọn SUV để sử dụng cùng gia đình. Trong khi những người có nhu cầu thực sự, lựa chọn xe nào phụ thuộc vào mục đích sử dụng thay vì chênh lệch vài chục đến vài trăm triệu. Chưa kể với những người thích thiết kế khoẻ khoắn, tính năng thiên về offroad của xe bán tải, việc chọn SUV để “chơi” là một khái niệm khó “ép phê”. 

Ngày 10/4 tới là thời điểm Nghị định 20/2019 chính thức có hiệu lực. Thị trường xe bán tải gần như phản ứng ngay lập tức, bắt đầu từ đầu tháng 3 khi thông tin tăng phí trước bạ xuất hiện.

Nhiều khách Việt hiện tìm cách mua xe bán tải, hi vọng được giao trước 10/4 để né đóng thêm phí trước bạ. Dẫu vậy, nguồn cung ít tồn tại chủ yếu ở các dòng xe hút hàng như Ford Ranger, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, đang khiến nỗ lực của không ít khách Việt rơi vào bế tắc. Nguyên nhân đến từ vướng mắc khâu thông quan xe về đại lý hoặc nguồn cung từ nhà máy sản xuất ở nước ngoài.

Về phía các đại lý, tận dụng mong muốn mua xe né phí của khách, các chương trình khuyến mãi như tặng phụ kiện hoặc giảm trực tiếp vào giá xe đang được áp dụng. Mức giảm hàng chục triệu diễn ra đối với các sản phẩm như Isuzu D-Max, Chevrolet Colorado, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton.

Thị trường xe bán tải Việt Nam tăng trưởng đều đặn từ 2012 đến 2017 với lượng trung bình khoảng 16.300 xe/năm. 2018 là năm sụt giảm lượng lớn doanh số tiêu thụ, khoảng 25% so với 2017. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của Nghị định 116 khiến các hãng chật vật đưa xe về bán (xe bán tải đều nhập khẩu Thái Lan). 

Nguyễn Trí

Ồ ạt giảm giá sốc, các hãng xe bán tải cạnh tranh khốc liệt

Ồ ạt giảm giá sốc, các hãng xe bán tải cạnh tranh khốc liệt

 Chỉ còn 15 ngày nữa đến thời điểm lệ phí trước bạ xe bán tải tăng, các hãng xe vẫn tiếp tục đua nhau tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu.