Ngay từ đầu tháng 10, bước sang quý IV, khách hàng nhận thấy thời gian không còn nhiều và quy định giảm 50% phí trước bạ sắp hết hạn nên mọi người tranh thủ chốt mua xe trước khi năm 2020 khép lại. Đó là nguyên nhân chính khiến hiện nay một số mẫu xe lắp ráp trong nước thuộc các thương hiệu như Toyota, Kia, Hyundai, Mercedes… đang trong tình trạng hiếm hàng.

Nếu như vài tháng trước, người có nhu cầu mua xe hỏi nhau khi nào thì hãng giảm giá nhiều nhất, thì một tháng qua, câu cửa miệng chuyển thành "bao giờ nhận được xe. Nhiều người than vãn chuyện đù đã cọc xe nhưng đến nay sau khoảng thời gian “chờ dài cổ” vẫn chưa thấy đại lý gọi.  

{keywords}
Gần Tết nhiều dòng xe thuộc thương hiệu Mercedes khan hiếm hàng. 

Đặt mua chiếc Mercedes GLC 200 từ giữa tháng 10 nhưng đến nay anh Nguyễn Đình Tiến ở TP HCM vẫn chưa được nhận xe.

Anh Tiến cho biết: "Như chiếc GLC 200 tôi mua kịp hưởng giảm thuế thì sẽ giảm được khoảng hơn 87 triệu đồng. Tôi quyết mua xe sớm hơn một tí để phòng đợi lâu, ban đầu sale đại lý hẹn mình 2 tuần sau nhận xe nhưng rồi không biết vì lý do gì lại hẹn đi hẹn lại.

Dù đã chấp nhận đổi từ đổi màu đỏ sang màu trắng rồi và đổi cả phiên bản chỉ để mong muốn được nhận xe trong 2020, trước khi mức giảm lệ phí trước bạ 50% hết hiệu lực. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được xe”.

Anh Trần Văn Độ ở Hà Nội cũng cho biết, anh đặt mua xe Vinfast Fadil nhưng đợi hơn 1 tháng nay vẫn chưa được đại lý chốt lịch hẹn giao xe. "Tôi vẫn còn hy vọng vì đại lý hứa sẽ giao xe trước 25/12 chứ đợt này thấy nhiều nơi đã ngừng nhận đơn đặt hàng giao xe trong năm nay", anh Độ chia sẻ.

{keywords}
Nhiều đại lý xe Vinfast cũng ngừng nhận đơn đặt hàng giao xe Fadil trong năm 2020. 

Không riêng gì Mercedes, Vinfast, hiện nay nhiều khách hàng có ý định mua Kia Seltos để chạy phí trước bạ cũng phải ngậm ngùi khi một số các showroom Kia đã ngừng nhận đặt cọc Seltos do không kịp trả xe trong năm 2020.

Phản hồi về tình trạng một số mẫu xe hiếm hàng, các hãng lắp ráp cho biết họ đang cố gắng sản xuất để kịp trả đơn cho khách hàng trước khi năm 2020 kết thúc. Nhưng thực tế sản xuất không thể đẩy nhanh ngay lập tức giữa tháng này với tháng khác, bên cạnh đó do đại dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất và cung ứng linh kiện trên toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này gây ra nhiều khó khăn, thách thức từ khâu đặt hàng, nhập khẩu linh kiện cho đến quá trình vận chuyển về Việt Nam để tiến hành sản xuất.

Tính đến nay giảm trước bạ được đánh giá là một trong những chính sách đòn bẩy và khá hiệu quả giúp thị trường xe ô tô tăng trưởng trở lại từ hai quý cuối năm 2020. Số tiền giảm thực tế rất đáng kể mà khách hàng hưởng lợi như xe phân khúc phổ thông tầm giá 400-600 triệu, khách có thể tiết kiệm 10-30 triệu, xe sang 1- 4 tỷ khách được ưu đãi tới 50- 200 triệu đồng. Mức giảm hấp dẫn kích thích sức mua trở lại của người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu.

Trước đó, gần cuối tháng 11, Bộ Tài chính đã có công văn số 14246/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giảm phí với một số đối tượng chịu ảnh hưởng, song kiến nghị không kéo dài thời gian giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước sau ngày 31/12/2020.

Chi Bảo

Sắp Tết, nhiều mẫu ô tô khan hàng, tăng giá

Sắp Tết, nhiều mẫu ô tô khan hàng, tăng giá

Thời điểm cuối năm 2020, một số mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng, khó giao xe kịp tiến độ. Chính vì thế khách muốn mua cần chốt nhanh, đặt cọc sớm để giữ chỗ, được giao hàng sớm.