Mỗi năm có khoảng 2.000-3.000 siêu xe bị bỏ rơi tại Dubai. Trong số những xe nằm dưới lớp bụi dày ở các sân bay và bãi đỗ xe khắp Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) có những mẫu thuộc danh sách xe đắt nhất thế giới, như Bugatti Veyron, Ferrari Enzo, Bentley Continental, Lamborghini Aventador.

Không khó bắt gặp những chiếc siêu xe mà nhiều người thèm muốn bị vứt lại trên đường phố hay bãi đậu xe của sân bay Dubai. Tình trạng này đã kéo dài hơn 5 năm qua ở thành phố phồn hoa nhất UAE.

Cảnh sát không còn lạ khi được thông báo về những chiếc Porsche, Mercedes, Audi, Jaguar… - còn nguyên chìa khóa trong ổ - mòn mỏi chờ những vị chủ nhân không hẹn ngày trở lại. Nhưng họ cũng không khỏi bất ngờ khi tìm thấy một chiếc Ferrari Enzo, vốn là ao ước của tín đồ chơi xe sành điệu, bị vứt chỏng chơ tại bãi đậu xe ở sân bay. Với giá không dưới 2 triệu USD/chiếc, trên toàn thế giới có chưa đầy 400 chiếc xe loại này.

Theo Gulf News, khoảng 2.000-3.000 xe trở thành vô chủ mỗi năm riêng tại Dubai. Những xe này bị chính chủ bỏ rơi và nằm phủ bụi dưới cái nóng sa mạc. Một số bị tịch thu do vi phạm luật giao thông, nhưng những chiếc khác đơn giản là bị vứt bỏ, và đôi khi nằm trơ trọi đâu đó hàng năm trời trước khi bị phát hiện ra. 

{keywords}.

Chỉ 399 chiếc Enzo được sản xuất với giá bán 660.000 USD tại Mỹ, và một trong số đó nằm phủ bụi từ vài năm qua ở Dubai

Tuy nhiên, sự thật là nhiều mẫu xe sang bị bỏ rơi do tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó giá dầu giảm là một nguyên nhân, theo Carkeys. Nhiều xe trong số đó thuộc sở hữu của người nước ngoài, những người tới các thành phố như Dubai và Abu Dhabi với tham vọng nghề nghiệp lương cao, nhưng gặp đúng thời điểm Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất rơi vào khó khăn.

Phần lớn chủ nhân của số ô tô xa xỉ nói trên đều “bỏ của chạy lấy người” vì không đủ khả năng trả nợ. Theo luật Sharia được áp dụng ở Dubai, quỵt nợ là tội hình sự và khó tránh án tù. Vì thế, số doanh nhân tại Dubai phải vào tù vì không trả được nợ ngày càng tăng trong bối cảnh UAE đang phải vật lộn với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu giảm sốc.

Báo The Sun dẫn lời một người Anh ở Dubai giải thích khủng hoảng tài chính là lý do đằng sau việc các siêu xe bị vứt bỏ ở sân bay. Người này nói thêm: “Nếu phải đối mặt với hóa đơn khổng lồ thì nguy cơ cảnh ngộ khó khăn tài chính của bạn sẽ bị phơi bày. Việc bán xe có thể giúp thanh toán hóa đơn nhưng điều này đòi hỏi thời gian. Vì vậy, bỏ trốn là phương án dễ hơn nhiều”. 

Trung bình 2.500 người rời khỏi UAE hằng tháng và bỏ lại những khoản nợ chưa trả, trong đó có 8% là người nước ngoài. Đất nước giàu dầu mỏ này lại không có luật phá sản nên nhiều người thường tìm cách bỏ trốn để tránh tù tội.

Trường hợp chủ của chiếc Enzo là một ví dụ. Người đàn ông này là một công dân Anh và không chỉ từ bỏ siêu xe, mà toàn bộ cuộc sống ở Dubai sau một khoảng thời gian nợ nần để chạy trốn trước nguy cơ bị ngồi tù. 

Theo bộ luật Hồi giáo Sharia, không trả nợ được coi là một tội hình sự. Mặt khác, UAE không có Luật Phá sản nên sẽ không có sự bảo hộ đối với những ai không may rơi vào tình trạng nợ nần. Không thiếu trường hợp các chủ xe bỏ lại xế cưng ở sân bay khi tìm cách trốn nợ ra nước ngoài, và chìa khóa xe vẫn nằm nguyên trong ổ. Khi phát hiện ra những chiếc xe này, cảnh sát sẽ phát thông báo tìm chủ xe. Sau 15 ngày nếu chủ xe không xuất hiện, xe sẽ bị tịch thu.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)