Đọc bài “Có nên cho bạn mượn xe đi Tết?”, tôi dường như thấy lại chính hình ảnh của mình cách đây 5 năm.

Tôi lập gia đình từ năm 2009 và hai vợ chồng sống cùng bố mẹ ở một con ngõ nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội). Chính vì nơi ở đi lại chật hẹp nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua ô tô, nhưng cũng “dắt túi” một tấm bằng lái B2 từ hồi mới ra trường.

Mọi chuyện thay đổi khi nhà có thêm hai đứa trẻ ra đời, mỗi lần di chuyển xa cả 4 con người trên một chiếc xe máy thật là vất vả.

Trong lần về quê vợ ở Hòa Bình, tôi chợt nhớ đến cậu bạn thân cấp 3 mới mua ô tô. Tôi đánh tiếng mượn xe 2 ngày và nhận được cái gật đầu của bạn.

Cảm giác chở vợ con trên chiếc xe mới cóng còn vương mùi xuất xưởng thật thú vị, lại được dịp nở mặt mày khi xe lăn bánh vào nhà bố vợ trong ánh mắt dò xét của những người hàng xóm. Thế rồi mỗi dịp giỗ chạp, nghỉ hè, trước khi lên đường khoảng một tuần tôi đều hỏi bạn trước về kế hoạch mượn xe. Tất nhiên bạn tôi vẫn đồng ý, còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm trong lòng.

Thế nhưng, trong lần đỗ xe để vào nhà ông cậu ở quê, do cổng hơi hẹp nên tôi đã để đầu chiếc Kia Cerato quệt một đường dài, không chỉ xước sâu mà còn vỡ đèn sương mù.

{keywords}
Do bất cẩn làm hỏng đầu xe mượn của bạn, tôi khá lo lắng. (ảnh minh họa)

Tôi khá lo lắng nhưng cũng gọi điện cho bạn và nói sẽ chịu mọi chi phí sửa chữa. Bạn tôi nói rằng đã có bảo hiểm nên cũng không vấn đề gì.

Dù vậy khi trả xe, tôi thấy bạn nhìn vết va chạm rất lâu kèm nét mặt kém vui. Sau lần đó, phải một thời gian sau tôi bí quá cũng đành hỏi mượn xe tiếp nhưng bạn tôi trả lời xe đã có kế hoạch hẹn tôi đợt khác. Tôi muối mặt tự nhủ có lẽ đây nên là lần cuối mình hỏi mượn cậu ấy xe.

Dịp Tết năm kia, tôi may mắn mượn được chiếc Kia Morning Van của người anh bên vợ do gia đình họ đi du lịch dài ngày. Vì vậy, tôi lên được hẳn nhiều kế hoạch di chuyển trước và sau Tết. Có xe, bố mẹ tôi cũng nhắn nhủ sắp xếp chở ông bà về quê ở Hà Tĩnh trước kỳ nghỉ để dọn lại nhà thờ.

Vì quãng đường di chuyển khá xa, xe lại không thể chở 5 người, tôi nghĩ ngay đến anh bạn đồng nghiệp ở cơ quan cũ đang có chiếc xe 7 chỗ. Vì anh em lúc làm với nhau rất hợp và thân thiết, tôi tự nhủ mình nhờ anh ấy đổi xe trong 2 ngày chắc sẽ được chấp nhận. Thế nhưng khá bất ngờ, tôi vừa mở lời qua điện thoại, anh bạn tôi nói luôn, xe không rảnh ngày nào, mong thông cảm.

Tôi hơi bất ngờ trước lời từ chối và có cảm giác hụt hẫng nhưng chợt nghĩ lại quãng thời gian đã qua, dường như mình đã không nhận thấy cảm xúc của người khác cũng như lòng tự trọng bản thân bị bỏ qua vì lợi ích trước mắt.

Tôi quyết định thuê xe có lái đưa bố mẹ về quê. Ra Tết khoảng một tháng sau đó, tôi đã gom tiền tích lũy và chọn mua một chiếc ô tô cũ 7 chỗ giá khoảng 250 triệu đồng.

Từ khi có xe, tôi cảm thấy cuộc sống thay đổi hẳn, cuối tuần nếu không có việc đi xa, cả nhà cùng vi vu đi trung tâm thương mại hoặc ra ngoại thành chơi.

Quan trọng nhất là mọi kế hoạch di chuyển đều không bị phụ thuộc vào cái gật đầu của người khác, nó thật nhẹ nhõm. Qua đó tôi cũng thấm được cảm giác phải cho người khác mượn xe của mình khi không thoải mái, và cũng biết ơn những người bạn đã năm lần bảy lượt cho tôi mượn xe trong quá khứ.

Độc giả Trần Tiến Linh (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội)

Bạn có trải nghiệm gì về việc đi mượn xe? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Cho mượn xe - "ngàn lẻ một" câu chuyện nóng nhất năm qua

Cho mượn xe - "ngàn lẻ một" câu chuyện nóng nhất năm qua

Ô tô là tài sản sau nhiều năm làm việc, tích cóp mới có được. Nhiều người yêu quý, nâng niu chiếc xe như “vợ hai”, thế nên ai đấy mượn, tuy trong lòng không muốn nhưng vẫn phải “cắn răng” đưa chìa khoá vì ngại.