LTS: Hiện nay, hình ảnh những cụ ông, cụ bà trên dưới 70 tuổi điều khiển xe máy lưu thông trên đường khá phổ biến. Tuy nhiên, với độ tuổi này, liệu các cụ già lái xe có an toàn? Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn "Người già lái xe" nhằm tìm ra giải pháp hữu ích để những bậc cao niên được tham gia giao thông một cách an toàn.

Trân trọng mời bạn đọc tham gia với bài viết góc nhìn về vấn đề này, gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!

Không hiếm gặp người già đi xe ra đường

Đại đa số, các bậc cao niên ở Việt Nam chủ yếu sử dụng xe máy để di chuyển với cự ly gần, phục vụ những công việc thường nhật như đi chơi, đi chợ, đưa đón cháu đến trường,…Với lý do này, theo quan sát của phóng viên, tại Hà Nội, đầu giờ cao điểm sáng và chiều là khoảng thời gian mà người cao tuổi đi xe ra đường nhiều nhất.

{keywords}
Đầu giờ cao điểm sáng và chiều là khoảng thời gian mà người cao tuổi đi xe ra đường nhiều nhất. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Số ít khác, dù tuổi đã cao nhưng các ông bà, các cụ có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thì vẫn phải lái xe máy chật vật mưu sinh hàng ngày như làm xe ôm, làm nghề tự do, rong ruổi trên các tuyến phố để bán hàng hoặc rao sửa chữa đồ gia dụng, nhặt nhạnh những "nhôm đồng, dép hỏng, vỏ chai" đem bán...

Với các gia đình có điều kiện, các bậc ông, bà vẫn lái xe ô tô hàng ngày cho nhu cầu cá nhân, công việc, hoặc về quê.

Tuy nhiên, đọng lại sau đó là những nỗi lo của con cháu.

Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Đình Nam (37 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do hai vợ chồng đi làm về rất muộn nên các công việc nhà như đi chợ, nấu cơm tối, đưa đón 2 con đi học phải nhờ cậy vào ông bà nội đều đã trên 70 tuổi. Bà thường đi chợ bằng xe đạp điện, còn ông đưa đón các cháu bằng xe máy.

"Hôm nào ông cũng phải "2 cuốc" đón 2 cháu học ở cách nhà khoảng gần 3 km. Khoảng cách không quá xa nhưng phải băng qua đường lớn khá đông đúc và nguy hiểm. Tôi rất lo cho mấy ông cháu, tuy vậy, ngoài việc dặn ông đi cẩn thận thì vợ chồng tôi cũng không thể làm gì khác được", anh Nam chia sẻ.

Không may mắn như gia đình anh Nam, chị Nguyễn Thu Huyền (Cát Linh, Hà Nội) kể: "Bố mẹ chồng tôi đã gần 70 tuổi, vẫn có sở thích tự đi xe máy lên thăm con cháu mặc dù các con đã cấp cho thẻ taxi riêng. Trong khi đó, ông từ hồi về hưu đã chậm chạp hơn trước nhiều. Đúng một chiều mưa phùn, gió lạnh, ông lại "nổi hứng" phóng xe đến trường cháu đón cháu nội. Trong quá trình sang đường, ông bị một chiếc ô tô đâm phải, gãy chân. Đến giờ, chân vẫn chưa đi lại bình thường được".

Ông Trần Thế Sơn (71 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) từng phục vụ trong quân đội và là người lái xe rất cẩn thận. Từ khi nghỉ hưu vào năm 2010 đến nay, ông Sơn thường xuyên tự lái ô tô để đi chơi, câu cá hay cùng cả gia đình về quê ở Thái Bình. Trung bình mỗi tháng, ông lái xe không dưới 1.000 km. 

Ông Sơn chia sẻ: "Tôi lái xe ô tô đã hơn 30 năm nay nên không ngại đi xe đường dài. Các xe đời mới hiện nay lái rất nhàn và an toàn. Tuy nhiên lại rất sợ đi trong nội đô giờ cao điểm vì đường đông, đòi hỏi lái ô tô phải nhanh tay, nhanh mắt và rất tập trung".

{keywords}
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc người cao tuổi có nên tự điều khiển ô tô, xe máy ra đường hay không. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Đau đáu những nỗi lo

Theo các chuyên gia về giao thông, đa số người lớn tuổi có thái độ rất cẩn trọng khi lái xe ra đường, đồng thời có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ khá tốt. So với những người trẻ, người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm, việc đi lại cũng chậm rãi, thong thả hơn.

Tuy vậy, những người cao tuổi cũng có nhiều hạn chế khi phải cùng tham gia giao thông một cách "bình đẳng" với các phương tiện khác.

"Các cụ trên dưới 70 tuổi đều thuộc "tuýp người cũ", hay cho mình là đúng. Việc cập nhật pháp luật, quy định mới về giao thông đường bộ đôi khi còn thiếu dẫn đến sự lóng ngóng trên đường. Nhiều cụ rất chủ quan, đi xe theo thói quen chứ không phải theo tình huống, rất mất an toàn,...", một chuyên gia nhận định.

Và trở ngại lớn nhất đối với người cao tuổi khi lái xe chính là sức khoẻ. Theo nhiều nghiên cứu, khi ở độ tuổi trên 60, khả năng cơ bản của người già (gồm thể lực và trí lực) có xu hướng giảm sút nhanh, nhất là các bộ phận như mắt, thần kinh, cơ xương khớp,... Chưa kể, người già còn hay mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiền đình, huyết áp,... ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt nói chung và khả năng lái xe nói riêng.

Khi đã "mắt mờ chân chậm" sẽ dẫn tới thiếu quan sát, không xử lý kịp các tình huống bất ngờ khiến va chạm dễ xảy ra hơn. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp từ lỗi hành vi của những người điều khiển phương tiện lớn tuổi.

Ngày 13/3 vừa qua, như VietNamNet đã đưa tin, một cụ già 76 tuổi điều khiển ô tô con vượt khá ẩu vào đúng điểm mù xe container khiến chiếc xe này bị xoay ngang và hư hỏng nặng. Rất may không có thương vong xảy ra. Cụ ông này tuy đã vượt sai nhưng sau đó vẫn được lái xe container bồi thường 10 triệu để sửa chữa xe.

 

Vụ va chạm vừa xảy ra vào ngày 13/3 trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. (Nguồn video: Phúc Lươn)

Những sự việc tương tự khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi, người cao tuổi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông có an toàn và "bình đẳng" với các phương tiện khác? 

Hơn ai hết, chính những người cao tuổi và các con, cháu cần tự đánh giá, nhận thức về sức khoẻ của bản thân, qua đó có sự thận trọng khi trực tiếp lái xe ra đường để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

 

Tình huống cụ ông xuống "trả đũa" ô tô của cụ già đi xe máy sau khi va chạm giao thông trên đường. (Nguồn: Mạng xã hội giao thông)

Theo Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tuổi, sức khỏe của người lái xe:
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Như vậy, ngoài ô tô khách trên 30 chỗ ngồi thì Luật Giao thông đường bộ không quy định “cận trên” về tuổi đối với lái xe. Với người cao tuổi, nếu vẫn có GPLX đúng quy định, đồng thời đủ tiêu chuẩn về sức khoẻ thì vẫn có thể lái xe.

Hoàng Hiệp

Cụ già 76 tuổi lái Toyota Vios tạt đầu container, được đền 10 triệu

Cụ già 76 tuổi lái Toyota Vios tạt đầu container, được đền 10 triệu

Một cụ già 76 tuổi lái chiếc Toyota Vios trên cao tốc Hà Nội- Bắc Giang đã thiếu cẩn trọng khi tạt đầu xe container. Hậu quả, xe bị tông xoay ngang và hư hỏng.