Việc chọn những hộ nghèo được xây nhà không hề đơn giản. Mặc dù đã qua địa phương xác minh, song với tinh thần trách nhiệm, các anh chị vẫn cố gắng vượt qua những chặng đường dài để tiến hành kiểm tra một lần nữa.

Không chỉ xuất phát từ tòa soạn, mọi người từ văn phòng đại diện các tỉnh cũng phân công nhau về khắp các địa phương. Có những địa phương được chọn nằm ở vùng sâu vùng xa, sát biên giới, đi lại vô cùng khó khăn. Quãng đường có khi đến hàng trăm cây số, nhưng nghĩ đến niềm vui của hộ gia đình được nhận nhà, ánh mắt lấp lánh của trẻ nhỏ, mọi người như được tiếp thêm sức mạnh. 

{keywords}
Ngôi nhà ở Yên Bái được hoàn thành đầu tiên

Yên Bái là nơi được chọn sớm và cũng là nơi giải ngân sớm nhất. Sở Lao Động-Thương binh xã hội tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo xuống huyện và xã. Nhờ sự chỉ đạo sát sao mà công trình được khởi công và hoàn thành nhanh nhất, chỉ sau hơn 1 tháng.

Ngôi nhà ở Đắk Lắk gây bất ngờ lớn khi có quy mô khá hoàng tráng, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 bếp rộng khoảng 80m2. Địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, trực tiếp thuê thợ và chỉ đạo xây nhà. Công trình hoàn thành sau hơn 1 tháng xây dựng.

Tuyên Quang lại có cái khó riêng. Trong 6 căn nhà mà Báo xây dựng đợt đầu thì chỉ có 5 căn được doanh nghiệp tài trợ 70 triệu đồng, còn lại 1 căn được 50 triệu. Căn 50 triệu đồng, doanh nghiệp quả quyết làm được nên báo định để doanh nghiệp tự làm và nhiệm vụ của báo chỉ là giới thiệu những hoàn cảnh cần được hỗ trợ xây nhà. Song liên hệ mãi doanh nghiệp cũng không có kế hoạch. Những người có trách nhiệm quyết định chọn 1 địa phương xây 2 căn cùng lúc và gộp số tiền 70 và 50 lại cùng xây dựng 2 căn nhà. Chính vì vậy, 2 ngôi nhà của Tuyên Quang đã không thể đúng tiến độ.

Để được khởi công xây dựng một căn nhà cũng không hề đơn giản, trải qua rất nhiều công đoạn. Đây là tiền của doanh nghiệp bỏ ra nên mọi thủ tục đều phải tiến hành phù hợp với qui định của ngành Tài chính- Kế toán. Từ việc tiêu chí chọn hộ nghèo để được hỗ trợ đến các mẫu thiết kế để xây đều phải làm đúng. Mà mỗi vùng miền lại có nét văn hóa riêng không thể lấy mẫu nhà của vùng núi phía Bắc để thực hiện cho phía Nam và cũng không thể lấy mẫu của người Thái thay cho người Mông, người Mường…Rồi chuyện chuyển tiền giải ngân... nghĩa là để chuẩn bị khởi công phải qua một quá trình dài, mà thời gian lại gấp nên anh em ở địa bàn cũng như những người có trách nhiệm ở Tòa soạn đều phải “vất chân lên cổ” để chạy đua với thời gian.

Ngày khánh thành đúng là ngày vui của các gia đình được nhận nhà. Có đại diện của chính quyền Huyện xã, có nơi tỉnh cũng cử đại diện. Các gia đình ai nấy đều phấn khởi, nét mặt và nụ cười rạng rỡ. Căn nhà là tài sản vô giá của người nghèo, làm lụng quanh năm ngày tháng cũng chỉ đủ ăn thì lấy đâu ra giành dụm để xây nhà nên mọi người đều vui mừng khôn xiết. 

{keywords}
Ngôi nhà ở Quảng Trị 

 Gia đình chị Hợi (ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2018, căn nhà từng bị đổ sập một phần, dột nát, hỏng, chị thường xuyên phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm.

Bản thân chị đau ốm liên miên, chỉ trông vào 2 sào ruộng và vài cân hến bắt được mỗi ngày để sống. Khi bệnh tái phát cũng là lúc chị phải cầm bát đi vay gạo khắp xóm. Bởi vậy, việc sửa chữa nhà là điều quá xa vời đối với người phụ nữ này.

Chị Hợi không cầm được nước mắt, xúc động nói lời cảm ơn đến Báo VietNamNet, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ gia đình chị. 

{keywords}
Ngôi nhà ở Mường Lát- Thanh Hóa

Trong buổi khánh thành ngôi nhà ở Mường Lát, Thanh Hóa, chủ nhân ngôi nhà đã thật sự xúc động: “Nhà tôi giờ đến lo bữa ăn trong ngày còn khó. Hai vợ chồng già yếu rồi không đi làm được nữa. Ngôi nhà hư hỏng, mùa mưa nước rột chảy lênh láng khắp nhà, đồ đạc ướt hết. Mùa động, gió lùa qua phên cửa lạnh buốt. Muốn dựng lại cái nhà mà không có tiền”, ông Vư chia sẻ.

Ông Vư vui mừng nói: “Chưa bao giờ nghĩ tôi lại được ở trong ngôi nhà mới khang trang thế này. Giờ được ở mà ngỡ như mơ. Có nhà mới gia đình tôi phải ăn tết thật to”.

Chủ tịch UBND xã Mường Lý Lê Duy Hải chia sẻ, Mường Lý là xã nghèo nhất của huyện Mường Lát, cuộc sống người dân nơi đây còn khó khăn. Để xây được một cái nhà kiên cố như thế này đó là tài sản cả đời của họ. Thay mặt chính quyền địa phương, chúng tôi cám ơn báo VietNamNet đã quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Ở Yên Bái, Quảng trị, hay DakLak không những người được nhận nhà vui mừng mà ngay những người đại diện cho chính quyền địa phương cũng rất phấn khởi. Xóa đi một hộ thiếu nhà, một hộ nghèo khó là mục tiêu phấn đấu của địa phương, của toàn xã hội.

Ở Mỹ Bằng, Tân Yên, Tuyên Quang có những tổ chức thiện nguyện tự phát. Họ tập hợp nhau lại đi quyên góp ủng những người ốm đau, người già cả, quyên góp tiền để xây nhà. Anh Dương, phó chủ tịch xã tâm sự: Bản thân tôi cũng nằm trong nhóm thiện nguyện. Chúng tôi đã vận động xây dựng được 1 ngôi nhà cho người nghèo. Vừa qua, báo VietNamNet có viết 1 trường hợp bị tai nạn vỡ hộp sọ tại địa phương, chúng tôi cũng đã vận động các cá nhân tổ chức quyên tiền ủng hộ. Số tiền gần 100 triệu, trong đó có số tiền của Bạn đọc VietNamNet ủng hộ là tài sản lớn đối với cháu Nghiệp, người bị tai nạn ở địa phương.

Những ngôi nhà đầu tiên của chương trình 500 nhà đã đem lại niềm vui cho người nghèo, cho những mảnh đời còn khó khăn. Nụ cười đã trở lại, cuộc sống đã sang trang. Mùa xuân này, bà con được nhận nhà thêm ấm lòng đón xuân trong ngôi nhà mới. Những cành đào như tươi hơn, thắm hơn trong những "Ngôi nhà mơ ước".

Một mùa Xuân thật đầm ấm và hạnh phúc đang đến rất gần.

Kim Yến

Người nghèo Thanh Hóa có nhà đón Tết

Người nghèo Thanh Hóa có nhà đón Tết

Đại diện báo VietNamNet cùng chính quyền địa phương đã trao ngôi nhà cho hộ gia đình nghèo Thào Seo Vư.