Ít ai biết người tạo dựng thương hiệu sữa tắm bùn Thành Kim là Nguyễn Văn Mười Hai, nhân vật từng là “đại gia số một” ở TP HCM cuối thập niên 80, ông chủ nước hoa Thanh Hương.

Lâm vào vòng lao lý suốt 17 năm trời, khi ra tù, máu kinh doanh vẫn còn trong huyết quản, ông lại tái khởi nghiệp một lần nữa ở tuổi 50, khi thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Ngày vào tù tóc còn xanh, giờ đầu đã bạc trắng

- Quyết định tái khởi nghiệp ở tuổi 50 với ông có quá mạo hiểm, khi ông lại chọn nước hoa, mỹ phẩm, lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt với các nhãn hiệu nước ngoài?

- Sản phẩm làm đẹp là sở trường của tôi. Nhưng thực ra tôi không có tiền, vốn liếng là của những người chủ trẻ, tôi chỉ đứng sau trong vai trò nhà tư vấn, giúp về công thức, sản xuất… Tôi thấy nhu cầu làm đẹp của xã hội bây giờ khác lắm, phải đi vào xu thế thiên nhiên như bùn khoáng, dầu thực vật, dầu ô liu, nha đam…

Slogan của tôi là “Hãy mang spa cao cấp về nhà của bạn”. Muốn tắm bùn, thay vì phải đi ra Mũi Né, Nha Trang mất thời gian, tốn tiền, còn tắm ở spa thì mắc tiền lắm.

Tôi nảy ra ý tưởng “bê” nguyên mỏ bùn này về nơi không có bùn. Hợp tác với mỏ bùn ngoài Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, tôi lấy bùn non ở độ sâu mấy trăm mét, có khoáng chất rất tốt.

{keywords}

Một tấm ảnh của phóng viên Philip Jones Griffiths chụp ông Nguyễn Văn Mười Hai năm 1988, không lâu trước khi vào vòng lao lý. Khi đó, ông là lãnh đạo của nhà máy nước hoa Thanh Hương, đang cùng các nhân viên hào hứng khoe thành quả của mình.

Nhưng nếu tắm bùn hàng ngày thì da sẽ bị bào mòn, hoại tử, vì độ PH là 8,4, trong khi da mặt của mình là 5,5, nên một tuần chỉ tắm một lần thôi, đặc biệt là không nên đưa lên mặt, lên tóc thì tóc sẽ rụng.

Tôi phải hạ độ PH xuống trung tính, bảo đảm độ an toàn, có bọt, có hương thơm, có thể tắm một ngày vài lần. Sản phẩm từ bùn khoáng thiên nhiên khoảng 30 dòng hàng, bên cạnh đó còn hơn 120 mã hàng khác lấy tên TKC, tức Công ty Thành Kim.

- Sản phẩm của ông nhắm đến phân khúc nào của thị trường? Khó khăn nhất với ông là gì?

- Vừa lớp trẻ, trung niên và người lớn tuổi. Sản phẩm sữa rửa mặt bùn khoáng Thành Kim cạnh tranh trực tiếp với nhãn hàng Nivea của Thái Lan. Họ bỏ tiền quảng cáo dữ lắm.

Mình không có chi phí quảng cáo nhiều, nhưng có cả một “đại dương xanh”, cái gì không ai làm hoặc ít người làm thì mình làm. Ngoài kỹ thuật của riêng mình, tôi phải xin nhượng lại công thức của Pháp, châu Âu.... Tôi cũng học hỏi thêm các nhà khoa học ở các trường đại học y, dược để tạo ra dòng sản phẩm mới.

Nhưng tới đây, khi TPP được ký kết, thuế suất bằng không, chắc cũng khó khăn dữ lắm. Chúng ta đang kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, đưa hàng về nông thôn… đó cũng là chiến lược mà chúng tôi hướng tới.

Hàng hóa sử dụng cho nông thôn chiếm 70%, chúng ta cũng phải có sản phẩm dành cho phân khúc bình dân, như phụ nữ nông thôn và các khu công nghiệp chứ. Tôi chủ trương đưa hàng về tận tay cho người tiêu dùng, để giảm thiếu tối đa giá thành sản phẩm, có lợi cho khách hàng.

- Làm thế nào ông có thể hội nhập với môi trường kinh doanh khi mọi thứ đều quá khác so với cách đây 20 năm, chưa kể còn cái nhìn phán xét của một số người?

- Ngày vào tù tóc còn xanh, giờ đầu đã bạc trắng, quan sát xã hội mọi thứ đều biến đổi, gần như cuộc thay da đổi thịt. Vào quán karaoke thấy chữ chạy chạy, máy di động bấm bấm, vi tính nữa…, trời ơi lạ quá!

Tôi rất mặc cảm, cộng với hai bàn tay trắng, không biết làm sao để sống? Cũng nhờ gia đình và bạn bè động viên, đặc biệt là luật sư Nguyễn Đăng Trừng và các anh bên báo chí đến viết bài, nên cái nhìn của xã hội đối với tôi đã cởi mở hơn, tôi cũng tự tin hơn.

Thế rồi tôi quyết định theo học lớp CEO của trường PACE, rất may là không tốn tiền vì được nhà trường tài trợ. Học xong tôi thấy mình hội nhập dễ dàng hơn, nhờ những kiến thức quản trị hoàn toàn mới. Tôi quyết định khởi nghiệp lại…

Tôi đã tự tử nhiều lần

- Nghe nói trong tù, ông đã từng muốn tìm đến cái chết?

- Hồi mới vô trại, tôi tuyệt vọng lắm. Ý chí của một người thanh niên khó có thể nào vượt qua cú sốc ấy. Lúc tòa chưa xử, tôi cảm nhận mình sẽ bị ở tù, tự nhiên nản. Sau khi xử rồi thì nản thiệt luôn. Mình không còn động cơ gì để sống cả.

Tôi đã tự tử nhiều lần, nhưng không được. Nhưng khi nhìn thấy hình và nét chữ của con gái: “Bố ráng cải tạo tốt để mau về với tụi con. Con rất cần bố”, đêm nằm vắt tay lên trán, mới ngộ ra cuộc đời vẫn còn người cần đến mình.

{keywords}

Nguyễn Văn Mười Hai của thời hiện tại.

Lúc ấy con gái tôi mới 6 tuổi, còn con trai 7 tuổi. Do bà xã cũng bị đi tù, nên các con tôi phải trôi dạt khắp các nơi, sống nhờ sự cưu mang của bà con, bè bạn. Hồi ấy ai cũng nghèo nên chẳng ở đâu được lâu, phải chuyển hết trường này đến trường khác.

Sau đó bà xã tôi được ra tù, phải làm lụng vất vả để nuôi con, nuôi chồng. Lúc đó áp lực xã hội còn nặng nề lắm. Các cháu không liên quan gì hết nhưng cũng bị tổn thương rất lớn, đó là nỗi đau lớn nhất của tôi.

Tôi nghĩ mình phải sống! Ban đầu phải đi đập đá cực lắm. Nhìn thấy vợ ở dưới chân núi mà rơi lệ, chỉ nói được một câu bâng quơ: “Cố gắng nhé...”. Vì trong tù người ta cấm giao tiếp. Sau đó mới được chuyển qua làm thủ thư, thi đua, giúp cho cán bộ tổ chức các phong trào thi đua, thể thao, văn hóa..., rồi được giao chức chủ tịch hội đồng tự quản phạm nhân…

Tôi được ân xá sau 17 năm nhờ cải tạo tiến bộ. Cơ chế của Nhà nước với các tội phạm rất nhân văn, đầu vào là tội nhân, đầu ra là công dân tiến bộ, điều đó được viết thành giáo trình đàng hoàng. Những người cùng vào tù thời đó với tôi là Liên Khui Thìn, Đàm Mạnh Thắng… sau này họ đều được trở về xã hội và tiếp tục kinh doanh. 

Một thời từng là “đại gia số một”, đi đâu cũng có đoàn vệ sĩ hộ tống hú còi… ông có bỏ được tiền ra “ngoài” không?

- Ban đầu người ta cũng nghi ngờ như thế, nhưng sau khi xác minh thì thấy tôi không tích lũy được gì. Vì hồi đó vàng là tiền, nhưng đất đai thì nhiều… sau đó cũng bị tịch thu để phát mãi hết.

Hồi đó tôi làm việc như trâu, ngày đến 18 tiếng đồng hồ, ăn ngày có một cữ thôi. Gia đình tôi gốc là cách mạng, nhà mười mấy người con, mới 7 tuổi đã phải đi làm lụng. Rồi sau đó buôn bán quần jean ở chợ Tân Định… Tuổi thơ của tôi không bao giờ được mặc đồ mới, 10 năm đi làm thuê sau đó mới lên làm chủ. Thời ăn bo bo quá khổ, nên tôi quyết chí làm giàu, cố gắng học hành, rèn luyện… Không có khát vọng, sống không nổi đâu. Tôi nghĩ tập ba này là hay hơn cả

- Ông muốn truyền điều gì cho hai đứa con mình?

- Chắc truyền không nổi đâu. Khi tôi ra tù các cháu đã lớn hết rồi. Các cháu giờ đã có công ty riêng, có bản lĩnh riêng của nó. Cuộc sống quá khó khăn đã khiến cho các con trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi đã nghiệm ra điều đó.

Con gái tôi sắp trở thành luật sư, còn con trai tôi muốn có cuộc sống bình thường như mọi người…Tôi cũng đã có cháu ngoại. May mắn nhất của tôi là có được người vợ hiền lành, chung thủy, chịu khó, biết chăm lo cho chồng con. Nhờ hậu phương tốt nên mình mới có thời gian tập trung cho công việc.

- Có điều gì ông muốn chia sẻ với các doanh nhân hiện nay không?

- Khi hàng rào thuế quan bị xóa bỏ, các doanh nghiệp Việt sẽ khó khăn dữ lắm. Đây là rào cản lớn nhất, nếu sản xuất kinh doanh bài bản thì sẽ… chết từ từ, nhưng nếu không bài bản thì sẽ chết ngay lập tức.

Nên áp dụng chiến lược "đại dương xanh", hãy làm cái gì chưa ai làm, ít người làm. Doanh nhân phải sở hữu được hai báu vật của tạo hóa, như lời đức Phật dạy, đó là sức khỏe và trí tuệ. Muốn có trí tuệ phải học suốt đời, còn sức khỏe thì phải rèn luyện hàng ngày. Cuộc đời tôi trải qua ba tập, từ nghèo khó đến thành đạt, rồi vô tù, và mới đây bắt đầu khởi nghiệp. Tôi nghĩ tập ba này là hay hơn cả. Nhiều người nói tại sao đến tuổi này không dừng lại, vẫn tiếp tục chấp nhận thách thức, dù đời doanh nhân đầy bất trắc? Tôi nghĩ máu doanh nhân luôn đầy ắp trong tôi. Các cụ thường nói, người nào làm nhiều thì khuyết điểm nhiều, người nào làm ít thì khuyết điểm ít, nhưng không làm thì thà… chết cho rồi. Chính khát vọng cho tôi sức khỏe để phụng sự cho cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho mọi người cũng là một cách để phụng sự.

(Theo Diễn đàn Đầu tư)