PB (Promotion Boy) không chỉ đơn thuần là giới thiệu quảng cáo tại các cửa hàng, khách sạn, nó còn len lách vào các ngõ nghách của chốn “ăn chơi” như quán nhậu, quán bar hay vũ trường.

Cũng "hot" không kém nghề PG, nghề PB cũng đem lại thu nhập khủng cho những nam sinh đắt show. Thế nhưng đằng sau sự "hào nhoáng" bên ngoài ấy lại là những đắng cay, tủi hờn.

Nhiều cơ hội hấp dẫn

Nghề PB (tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Promotion Boy) dùng để chỉ những chàng trai hoạt náo viên quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Đây là nghề khá “hot” tại Việt Nam bởi mức lương khá hậu hĩnh. Nhưng nghề PB không phải ai muốn cũng làm được, bởi nó là “thế giới” của những “trai tài, gái sắc”. Đội ngũ đông đảo nhất có lẽ là lực lượng nam sinh viên. Thông thường, những sinh viên theo ngành marketting, truyền thông, báo chí, ngoại thương hay lựa chọn những nghề này bởi dễ phát huy sở trường giao tiếp của mình.

Gọi là nghề nghiệp nhưng nó mang tích chất làm thêm theo thời vụ hơn. Thường thì làm vào các dịp lễ tết, mùa hè, chạy “ăn” theo sự kiện khi nhu cầu tiêu dùng, đi lại vui chơi giải trí của người dân tăng lên. Nghề làm theo ca, tự do, có thể linh động thời gian, không gò bó... Chính vì lẽ đó mà rất nhiều sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng thường hay lựa chọn PB với mức lương được tính theo giờ khá cao so với các công việc làm thêm khác như gia sư, café, phụ hồ, tạp vụ,...

{keywords}

Nghề PB lựa chọn những nam thanh niên trẻ, đẹp và có ngoại hình cân đối.

Thủ tục đơn giản nhưng khâu phỏng vấn, lựa chọn khá khắt khe mới có thể có cơ hội lọt vào mắt những nhà tuyển dụng để trở thành PB. Đó là, phải là người có ngoại hình lý tưởng, nam thường yêu cầu cao 1m70 trở lên, có tài ăn nói, nhanh nhẹn và nắm bắt thông tin nhanh, có nhiều tài lẻ như hát, múa, nhảy, MC... Đa số các bạn sinh viên làm thêm là nhóm đối tượng học tại các trường có liên quan đến ngành nghệ thuật hoặc khoa học nhân văn.

Văn Đồng, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã có kinh nghiệm nhiều năm làm PB chia sẻ: “Làm được 3 năm, rồi mình biết nghề này không những thu nhập khá mà học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói chuyện giúp mình hoạt bát, tự tin hơn. Đây là tiền đề, nền tảng cho công việc sau này”.

Thông thường, sau một chương trình quảng cáo sản phẩm hay đi làm lễ tân tại các hội nghị, số tiền nhận được thường khoảng 100.000 -300.000 đồng/ca. Ngoài ra, một số công ty quảng cáo sản phẩm như rượu bia thì thường tuyển chọn PB khắt khe hơn nhưng tiền lương thì “khủng”, có khi gần chục triệu đồng/tháng. “Nghề này chủ yếu là đứng làm mẫu cho khách hàng. Gương mặt điển trai, vóc dáng vạm vỡ, nụ cười thân thiện, kèm theo đó PB cũng phải biết hài hước, có tài diễn xuất…” – Nguyễn Phong, từng học Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng chia sẻ về những đặc thù cơ bản của nghề này.

Ứng viên làm PB phải cao to, có sức khỏe, tinh thần chịu đựng vì đứng trong thời gian dài, thường là những chương trình roadshow (trình diễn, diễu hành trên đường phố) các bạn PB phải chở bạn gái là PG, hoặc mang những bộ đồ hình thù con vật phù hợp với thương hiệu sản phẩm nhảy múa giữa nắng để thu hút mọi người. Đôi khi PB thường phải mang đồ đồng phục “sexy” theo đúng thiết kế của nhà quảng cáo mà không được mặc các trang phục khác như áo khoác hay đội mũ chính. Nhiều khi có những chương trình làm trúng thời tiết lạnh giá, mặc dù lạnh đến run người nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng, mà miệng cũng phải luôn luôn tươi cười phục vụ khách hàng.

Mỗi chương trình đều có một bộ phận giám sát riêng, họ thường là những người luôn “phục kích” sau lưng để bắt lỗi các PB mỗi khi bạn làm sai nguyên tắc của chương trình.Vì thế, cũng không ít trường hợp PB bị giảm tiền lương hoặc bị đuổi việc trực tiếp cũng vì nguyên nhân này. Ngoài những điều kiện cần phải có của một PB thì các nhà tuyển dụng thường yêu cầu cao về ý thức làm việc cầu toàn, đoàn kết, biết lắng nghe và đôi khi sẵn sàng đi làm ở tỉnh khác khi có hợp đồng tổ chức chương trình.

{keywords}

Những PB diện những bộ quần áo đẹp, nổi bật.

 

Góc khuất nghề PB

Hầu hết những người trong nghề này là sinh viên, đội ngũ có thời gian rảnh và chủ động được. Và trong tương lai, trước sức mạnh của truyền thông đại chúng, PB là một nghề cần thiết và sẽ còn phát triển hơn nữa. Nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn chỉ được coi là một nghề làm thêm có tính thời vụ bởi PB cũng có “hạn sử dụng”, nó chỉ phù hợp khi các bạn còn trẻ, năng động mà thôi. Nhiều bạn sinh viên vì ham kiếm tiền xao nhãng việc học dẫn đến ra trường chậm hoặc dừng học để chạy theo công việc. Nhiều bạn nghỉ học nhiều bị đình chỉ thi, còn việc phải học lại, thi lại là chuyện diễn ra như “cơm bữa” của cánh sinh viên.

Do độ cạnh tranh cao và cũng để có việc làm quanh năm nên các PB thường cùng một thời gian ứng tuyển làm cộng tác viên nhiều chương trình dẫn đến ôm đồm, “bể xô” vì thế tình trạng “bắt con bỏ chợ” thường xuyên xảy ra tại các chương trình. Mỗi lần như thế, vô tình các bạn sinh viên lại tự hủy hoại cơ hội việc làm của mình sau này bởi các ông bầu nhận sự kiện sẽ “liệt” họ vào “danh sách đen”.

Một số chương trình liên tỉnh được làm ở nhiều nơi, ngoài một số PB có thể đi làm được các tỉnh khác, các công ty sẽ tuyển thêm nhiều PB lập thành các đội tại các tỉnh lẻ khác để thực hiện chương trình của mình, tiền lương sẽ được thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Các bạn sinh viên “chân ướt chân ráo” vào nghề đi làm chương trình nhưng không ký hợp đồng rõ ràng nên một số bạn không nắm rõ địa chỉ công ty cũng như quy trình và cả người đã thuê mình làm việc nên chuyện bị “quỵt” lương cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

PB không chỉ đơn thuần là giới thiệu quảng cáo tại các cửa hàng, khách sạn, nó còn len lách vào các ngõ nghách của chốn “ăn chơi” như quán nhậu, quán bar hay vũ trường. Công việc đơn giản là đứng mời khách dùng thử sản phẩm tại những nơi khách hàng có nhu cầu, kể cả những nơi nhạy cảm. Vì tính chất công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều với khách hàng và làm việc thời gian khác nhau nên không ít người coi đây là công việc không lành mạnh, giống như các vũ nữ làm việc tại các quán bar hoặc vũ trường.

Vất vả, cực nhọc nhất nhưng cũng có thu nhập “khủng” nhất phải kể đến những PB trong các quán bar, vũ trường về đêm. Người đến “vãn cảnh” chủ yếu là những “cô chiêu, cậu ấm”, trong đó số lượng người trong thế giới thứ 3 cũng khá nhiều. Chuyện nhân viên PB bị gạ tình không còn xa lạ, thậm chí nhiều nhân viên PB phải nhập vai là người cùng giới để chiều chuộng khách. “Môi trường làm việc nhiều cám dỗ, thậm chí là tệ nạn, nếu bạn không phải là người có bản lĩnh sẽ rất dễ đánh mất mình”- một PB chia sẻ.

(Theo báo Pháp luật)