Hành khách đi máy bay đã quá quen với việc thiếu không gian, đặc biệt là hạng phổ thông; thế nhưng, các hãng hàng không thì vẫn muốn đưa thêm nhiều hành khách lên máy bay hơn nữa.

Tăng ghế, mỗi máy bay mang về 1 triệu euro/năm

Và để đáp ứng nhu cầu này, Boeing và Airbus - hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đang nỗ lực đưa ra những mẫu máy bay mới, định hình lại cabin truyền thống... bằng cách lắp thêm ghế ngồi. Cả chiếc Boeing 737 MAX (dự kiến hoạt động năm 2017) và Airbus A320neo (ra mắt cuối năm 2016) sẽ đưa càng nhiều người lên cabin máy bay hơn, đặc biệt là đối với các tuyến bay chặng ngắn.

Tháng 3/2015, Airbus đã nhận được sự cho phép từ Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) để thêm 15 ghế lên chiếc A320neo, nâng khả năng vận chuyển từ 180 khách lên 195 khách. Chật chội hơn là chiếc Boeing 737 MAX có thể lên tới 200 ghế.

Hãng hàng không Ryanair của Ireland đã đặt hàng 100 mẫu máy bay mới của Boeing hồi tháng 12/2014. Tuy nhiên, phải kèm điều kiện nâng từ 189 ghế lên 200 ghế cho chiếc 737 MAX. Boeing đã đồng ý bằng việc tạo ra phiên bản đặc biệt là 737 MAX 200 (con số 200 là đề cập đến số ghế ngồi), và ký biên bản bàn giao vào năm 2019.

{keywords}

Sự thoải mái của hành khách sẽ không còn khi các hãng nhồi thêm ghế

Giám đốc điều hành Ryanair, Michaek O’Leary khi công bố hợp đồng này hồi cuối năm ngoái nói: “Việc có tới 200 ghế ngồi là điểm khác biệt với các hãng hàng không khác. Nó tạo ra cho chúng tôi cơ hội tăng trưởng rất mạnh mẽ không chỉ ở châu Âu, mà cả ở các thị trường mới. Nó có thể sẽ mang lại sự đổi mới trong cuộc chiến cạnh tranh giá cả tại châu Âu trong 10 năm tới”. Ông O’Leary cũng cho biết, chiếc 737 MAX 200 có thể sẽ mang về thêm 1 triệu euro doanh thu mỗi năm.

Chiếc Boeing 737 MAX 200 của hãng Ryanair dự kiến sẽ có toilet nhỏ hơn, một mặt tường của toilet đang được cân nhắc là sẽ sát vào mặt sau của một hàng ghế. Kích thước phòng bếp cũng sẽ được thu nhỏ lại. Ngoài ra, lối đi giữa các hàng ghế cũng sẽ bị thu hẹp từ 30 inch xuống còn 29 inch. Với chiếc A320neo, khoảng cách này thậm chí chỉ còn 27 inch. Việc tăng thêm ghế ngồi trên chiếc Boeing 737 MAX đồng nghĩa với việc sẽ phải có thêm một cửa thoát hiểm và hai cửa đối với chiếc 737 MAX 200 của Ryanair.

Bớt dịch vụ

Ông Michael O’Leary cũng tiết lộ rằng, điểm nổi bật của chiếc Boeing 737 MAX là sử dụng loại ghế ngồi “mỏng”. Tuy nhiên, các hành khách của Ryanair có thể sẽ không mấy hài lòng với điều này, bởi theo một cuộc khảo sát của Business Traveller, ghế ngồi của Ryanair được xếp vào loại “chật” nhất trong số 32 hãng hàng không lớn, chỉ có 16 inch (40,6cm). Chỉ số này ở ghế ngồi hạng phổ thông của Bristish Airway là 18 inch (45,7cm) và của Virgin Atlantic (Mỹ) là 19 inch (48,2cm). Thậm chí độ rộng ghế ngồi của easyJet, đối thủ giá rẻ của Ryanair, là 17,5 inch (44,4cm). Điểm cộng cho chiếc Boeing MAX 200 là bộ gối ngủ được gắn vào mặt sau của hàng ghế trước, giúp hành khách hạng phổ thông có giấc ngủ thoải mái hơn.

Đằng sau sự cải tiến thế hệ máy bay chở khách lớn là sự đối địch của hai “ông lớn” Airbus và Boeing. Airbus nói rằng, việc thêm hai cửa trên chiếc Boeing 737 MAX 200 sẽ làm tăng trọng lượng của máy bay, và vì thế sẽ làm giảm hiệu suất nhiên liệu. Việc đưa thêm nhiều người lên máy bay sẽ đồng nghĩa với việc giảm đáng kể chất lượng dịch vụ bay. “Việc tận dụng mọi không gian để lắp thêm ghế ngồi sẽ khiến hãng hàng không này phải bỏ bớt ba chiếc xe phục vụ đồ ăn, đồ uống và bán hàng miễn thuế trên máy bay, trong khi bình thường phải có 8 chiếc”, người phát ngôn Airbus Mary Anne Greczyn cho biết.

Trong khi đó, Ray Corner, Giám đốc điều hành Boeing lên tiếng bảo vệ sản phẩm của mình. “Chiếc Boeing 737 MAX 200 hoàn toàn phù hợp với Ryanair. Việc tăng thêm ghế ngồi sẽ cải thiện được nhiều vấn đề như lượng khí thải sẽ thấp hơn 20% (sử dụng ít chuyến bay hơn) và tăng doanh thu”.

Mặc dù chưa thể đánh giá được độ hài lòng của các hành khách với hai loại máy bay mới này, nhưng rất nhiều hãng đã đặt mua. Airbus đã nhận được hơn 2 nghìn đơn đặt hàng cho A320neo; còn Boeing đã nhận 2.500 đơn hàng cho loại 737 MAX 200.

(Theo báo Giao thông)