- Sau thời kỳ khủng hoảng, việc một doanh nghiệp dịch vụ BĐS ngoại vào Việt Nam thời điểm này được cho là khôn ngoan nhưng không ít doanh nghiệp trong ngành cho rằng khó có nhiều cơ hội khi thị phần ngày càng cạnh tranh quyết liệt.

Thuê tên nước ngoài làm thương hiệu

Keller Williams là công ty về dịch vụ bất động sản lần đầu tiên bước chân vào Việt Nam. Một cái tên khá mới mẻ nếu không nói là xa lạ đối với thị trường BĐS Việt Nam. Theo giới thiệu, công ty này có trụ sở tại Mỹ, thành lập vào năm 1983 với trên 112.000 đại lý môi giới bất động sản, trên 700 văn phòng giao dịch tại khắp các châu lục.

Năm 2014, số lượng giao dịch của Keller Williams tăng 16% đạt 700.000 giao dịch, với tổng giá trị tăng 17% đạt 185 tỷ USD, doanh thu phí tăng 16% đạt 5 tỷ USD. Còn trên website Keller Williams Việt Nam đang giới thiệu một số sản phẩm BĐS như Azura Đà Nẵng, Norman Estates hay Hyndai Hillstate,...

Tuy nhiên, Keller Williams có trụ sở tại Mỹ không thâm nhập trực tiếp vào thị trường Việt Nam mà thông qua Công ty dịch vụ BĐS Trường Phúc với việc nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Keller Williams Commercial. Đây là một hình thức mà khá nhiều tên tuổi BĐS lớn như Knight Frank, Coldwell Banker, Colliers áp dụng.

Đánh giá về hình thức này, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, nhượng quyền ở Việt Nam tại một số tên tuổi lớn trước đây đã vào Việt Nam hầu hết vẫn chỉ mang tính hình thức theo kiểu "mượn tên Tây cho sang" còn hầu hết các hoạt động đều do đơn vị trong nước thực hiện. Ông dẫn chứng một đơn vị BĐS có tiếng ở Mỹ được nhượng quyền cho một doanh nghiệp tại HN.

Doanh nghiệp này vẫn thuê 2 chuyên gia người nước ngoài để làm đại diện cho thương hiệu, cũng một phần là cho oai còn tất cả các hoạt động đều do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Để làm đẹp đội hình, doanh nghiệp trong nước còn thuê cả một phòng ở toà nhà hạng A để cho giám đốc nước ngoài làm việc.

Tuy nhiên, thị trường BĐS thời điểm đó gặp khó khăn, các hoạt động kinh doanh giảm sút, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nội không đủ tài chính để tiếp tục thuê người nước ngoài cũng như trụ sở hoành tráng. Thương hiệu này cũng từ đó mất dần trên thị trường.

{keywords}

Việc một doanh nghiệp dịch vụ BĐS ngoại vào Việt Nam thời điểm này được cho là khôn ngoan

Dù không tiết lộ về mức giá nhượng quyền thương hiệu nhưng việc bỏ tiền ra đầu tư thương hiệu quốc tế đã khiến doanh nghiệp nội điêu đứng. Các báo cáo BĐS của thương hiệu này cũng ngừng cung cấp ra thị trường.

Cơ hội nào cho người mới tới?

Rất dễ nhận thấy, các nhà tư vấn BĐS ngoại một thời chiếm lĩnh thị trường, bởi bất cứ đơn vị nào vào Việt Nam cũng có "hồ sơ" cực kỳ hoành tráng, đúng lúc thị trường BĐS Việt lại "sính" ngoại và chuộng cao cấp. Hơn nữa, các công ty nội chưa có kinh nghiệm chủ yếu làm môi giới.

Thực tế đã cho thấy, không phải bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào khi đến với thị trường Việt Nam cũng có được sự thành công. Đến thì rất rầm rộ nhưng sự ra đi của các công ty này lại khá lặng lẽ, thậm chí có công ty phá sản vì tiêu tốn hàng triệu đô la. Các nhân sự cấp cao từ các công ty này cũng lần lượt ra đi, chuyển sang những tập đoàn, công ty lớn trong nước.

Đơn cử như Coldwell Banker, một thương hiệu bất động sản vốn gắn chặt với tên tuổi của ông Edward Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Việt, chủ đầu tư Dự án Tricon Tower.

Trao đổi với báo chí, ông Chi Edward, Tổng giám đốc của Coldwell Banker Việt Nam, nói với phóng viên rằng Tập đoàn Realogy đã chuyển giao quyền khai thác độc quyền thượng hiệu Coldwell Banker tại Việt Nam cho Công ty Minh Việt theo hợp đồng có thời hạn 25 năm được ký giữa 2 bên sau hơn 3 tháng đàm phán.

Ông Chi không cho biết cụ thể giá trị hợp đồng sử dụng thương hiệu, nhưng ông nói Minh Việt đầu tư hơn 20 tỉ đồng cho phát triển thương hiệu này. Điều này có nghĩa là Công ty Minh Việt được phép nhượng quyền sử dụng thương hiệu này cho các nhà phát triển dự án tại thị trường Việt Nam.

Sau khi đặt chân vào Việt Nam, thương hiệu này cũng đã có sàn BĐS và có vài báo cáo thị trường. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cùng với sự biến mất của ông Chi Edward, người đại diện Coldwell Banker Việt Nam, thương hiệu đến từ Mỹ gần như không còn trên thị trường.

Một vài thương hiệu đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn như Knight Frank, Colliers, Cushman & Wakefield đã đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Trong khi đó, năm 2012, công ty trách nhiệm hữu hạn CB Richard Ellis Việt Nam cho biết Tập đoàn CBRE đã chính thức mua lại này sau gần 10 năm hoạt động độc lập theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Hiện, CBRE đang tập trung ở mảng dịch vụ tiếp thị, tư vấn và quản lý BĐS.

Còn Savills đang duy trì mảng phân phối độc quyền dự án, dịch vụ thương mại, quản lý, tư vấn. Đơn vị này có thâm niên 20 năm tại Việt Nam. Chesterton Petty là thương hiệu vào Việt Nam từ 1995, tiền thân của Savills Việt Nam hiện nay.

Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, sân chơi của các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài hiện nay là bình đẳng. Cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn khi các doanh nghiệp nội bắt đầu tham gia các mảng khác của thị trường ngoài môi giới, tiếp thị,...

Còn các doanh nghiệp ngoại dù có tên tuổi lớn ở nước sở tại nếu không hiểu được thị trường trong nước thì khó có thể trụ vững. Đặc biệt là thách thức đối với những người tới sau là rất lớn.

Duy Anh