Hội nhập kinh tế toàn cầu là xu hướng tất yếu của các nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam. Khi Việt Nam mở cửa thị trường và gia nhập vào các tổ chức kinh tế lớn, những ngành sản xuất, dịch vụ trong nước sẽ phải đối mặt với một áp lực cạnh tranh rất lớn.

Các tập đoàn, công ty tư bản nước ngoài với khả năng áp đảo về vốn, công nghệ hiện đại và bề dày kinh nghiệm quản lý kinh doanh sẽ là những đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số các ngành nghề kinh tế hiện nay, ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin được đánh giá là ngành có vai trò thiết yếu, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Ngành vừa là mũi nhọn kinh tế trong quá trình hội nhập, vừa giúp nâng cao dân trí người dân, đồng thời cũng là ngành góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội. Do vậy, ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin cần phải có những chuyển biến tích cực, đẩy mạnh mở rộng, đa dạng hóa loại hình nhằm phát triển phù hợp với nền kinh tế hội nhập toàn cầu.

Ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin tăng trưởng tốt trong giai đoạn vừa qua

Theo thống kê của Vietnam Report từ Bảng xếp hạng FAST500 - 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015, có khoảng hơn 3% số doanh nghiệp thuộc ngành Viễn thông - tin học - công nghệ thông tin, tăng trưởng doanh thu kép CAGR trung bình giai đoạn 2010 - 2013 đạt trên 25%.

{keywords}

Hình 1: Tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành viễn thông-công nghệ thông tin lọt vào BXH FAST500 năm 2015 qua các năm từ 2010 đến 2013 (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Vietnam Report

Hình 1 mô tả tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp ngành Viễn thông - tin học - công nghệ thông tin nói trên, cho thấy sự tăng trưởng doanh thu đều của nhóm doanh nghiệp này trong giai đoạn 4 năm từ 2010 đến 2013.

Ngoài ra, thống kê về hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu - ROE trong 2 năm 2012, 2013 của các doanh nghiệp FAST500 cũng chỉ ra rằng, viễn thông - tin học - công nghệ thông tin luôn là 1 trong 5 ngành có khả năng sinh lời tốt nhất, với hệ số ROE lần lượt là 0,35 và 0,28.

{keywords}

Hình 2: Top 5 ngành có hệ số ROE năm 2012 và 2013 cao nhất của Bảng xếp hạng FAST500 trong 2 năm công bố gần đây. Nguồn: Vietnam Report

Có thể thấy, viễn thông - tin học - công nghệ thông tin luôn là "mảnh đất hứa" của Việt Nam. Theo đánh giá gần đây của GS. Yoon Jiwoong, Trường đại học Kyunghee - Hàn Quốc, ngành viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với các quốc gia có cùng trình độ và có tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa trong tương lai.

Dự báo xu hướng phát triển ngành Viễn thông - tin học - công nghệ thông tin

Năm 2014 là năm doanh nghiệp viễn thông - tin học - công nghệ thông tin để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Mặc dù trong điều kiện kinh tế có những bước phục hồi nhưng còn khó khăn, cạnh tranh trên thị trường khốc liệt, ảnh hưởng từ OTT... nhưng những doanh nghiệp viễn thông - tin học - công nghệ thông tin vẫn duy trì được thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp đều làm ăn có lãi, tăng trưởng cả về doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách... Theo nhiều chuyên gia dự báo, ngành viễn thông - tin học - công nghệ thông tin năm 2015 sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt cũng như những xu hướng mới, buộc cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thích nghi để đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Thị trường ngành viễn thông hiện nay bao gồm nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, trong đó có hai loại dịch vụ viễn thông chính là dịch vụ viễn thông di động và dịch vụ Internet. Trong giai đoạn vừa qua, do có sự cạnh tranh cao giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mà thị trường và khách hàng đã có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đưa giá dịch vụ viễn thông di động, Internet băng rộng về mức tương đương và thấp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đối với thị trường viễn thông, các cuộc đua về giá cước, cạnh tranh trong các sản phẩm dịch vụ gia tăng của các nhà mạng lớn đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các nhà cung cấp trong nước và với các nhà cung cấp nước ngoài. Mức độ cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam được dự báo còn khốc liệt hơn khi thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa và trên thị trường xuất hiện thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới theo lộ trình cam kết gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, đào tạo nhân sự cho lĩnh vực tin học - công nghệ thông tin sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn đang rất thiếu nhân sự, trong khi nhiều sinh viên công nghệ ra trường đang trong tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc ở các ngành nghề khác. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao cho các công ty công nghệ thông tin, cần nâng cao chất lượng đào tạo từ cấp Cao đẳng, Đại học, đồng thời khuyến khích nhân sự tiếp cận thường xuyên với công nghệ mới, phát huy tính sáng tạo và chủ động trong công việc./.

Buổi Lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Fast500) năm 2015 dự kiến sẽ được Vietnam Report và VietnamNet tổ chức vào ngày 22/4/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Vietnam Report