- Xét về địa lý, Tây Bắc khá xa so với Hà Nội, nhưng trên thực tế Tây Bắc gần gũi với đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất hàng ngày đối với miền xuôi. Nước và điện cho sinh hoạt, cho sản xuất ở Bắc Bộ cũng lấy từ Tây Bắc.

Hàng loạt các ngân hàng và doanh nghiệp đang tính toán dồn một lượng tiền đầu tư lớn vào khu vực Tây Bắc để đón đầu một xu hướng phát triển tất yếu của một địa bàn đầy tiềm năng về nông, lâm nghiệp và du lịch cũng như kinh tế cửa khẩu này.

Sáng 4/4, tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2015” , ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh, NHNN đang tích cực chuyển vốn lên vùng Tây Bắc. Đây một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Theo Thống đốc, tính tới cuối 2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt hơn 113 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cuối 2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 17,6%). Tổng dư nợ cho vay đạt hơn 149 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1%, cao hơn mức tăng chung cả nước (cả nước 14,16%). Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn chiếm 40,7% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng.

{keywords} 

Trong năm 2015, các ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại vùng Tây Bắc, với số tiền cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh như thủy điện, khai khoáng, công nghệ chế biến, vận tải, nông sản…

Theo Thống đốc Bình, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của khu vực để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: đầu tư cho vay phát triển kinh tế khu vực gắn với triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân.

“Chúng ta cần có một cách nhìn mới, tầm nhìn mới đối với khu vực Tây Bắc. Xét về địa lý, Tây Bắc khá xa so với Hà Nội, nhưng trên thực tế Tây Bắc gần gũi với đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất hàng ngày đối với miền xuôi.

“Nước và điện cho sinh hoạt, cho sản xuất ở Bắc Bộ cũng lấy từ Tây Bắc. Tây Bắc rất gần gũi và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Chúng ta phải đặt tầm nhìn mới đối với khu vực này để nâng cao phát triển kinh tế, xã hội, ổn định bền vững cho cả vùng phía Bắc”, ông Bình chia sẻ.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang, các ngân hàng thương mại đã ký kết 14 hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ số vốn vay lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Đến cuối tháng 12/2014, các ngân hàng giải ngân theo tiến độ của các dự án với số tiền là 5.000 tỷ đồng.

{keywords} 

Trong đó: riêng dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu đã được các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đồng tài trợ với số tiền cho vay lên đến 14.500 tỷ đồng, số tiền giải ngân theo tiến độ đến nay là 2.672 tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sản xuất kinh doanh, đang phát huy hiệu quả và đã bắt đầu trả nợ ngân hàng như dự án thủy điện Sơn La, dự án Sản xuất Axit phốtphoric trích ly tại tỉnh Lào Cai, dự án Thủy Điện Tà Cọ tại Sơn La góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực.

Trong năm 2014, NHNN đã chọn 03 doanh nghiệp tiêu biểu của khu vực là Công ty TNHH chè Phong Hải ở tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên và Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương ở tỉnh Tuyên Quang tham gia chương trình với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay là 318,5 tỷ đồng.

NHNN cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Sau hơn 8 tháng triển khai chương trình, ngành ngân hàng đã cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực tổ chức được 41 hội nghị kết nối với 2.201 doanh nghiệp được các ngân hàng ký cam kết cho vay với số tiền lên đến 20.893 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đến nay đã giải ngân được hơn 15.408 tỷ đồng.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho trên 466 nghìn hộ thoát nghèo; trên 1,7 triệu lao động được tạo việc làm mới; hỗ trợ hơn 260 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được trên 552 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn… Đây được coi là nguồn vốn thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc.

Ngoài ra, trong năm 2014, ngành Ngân hàng đã cam kết dành 381 tỷ đồng để thực hiện an sinh xã hội đối với các tỉnh trong khu vực. Các khoản tài trợ được tập trung chủ yếu vào phát triển y tế, giáo dục, xóa nhà tạm cho người nghèo, làm đường giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học …

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đầu tư tín dụng nói riêng cũng như hoạt động ngân hàng nói chung tại khu vực Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn do: cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực; tỷ lệ hộ nghèo cao; diện tích rộng, dân cư thưa thớt…

Để Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ ưu tiên đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; phối hợp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo sự gắn kết giữa các khu vực; tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay; phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực, các Bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài (ODA, FDI…)

Lê Hà