2015 là năm bế mạc của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng”. Sau 4 năm thực hiện, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên hậu cơ cấu sẽ là giai đoạn đầy thách thức với các ngân hàng thương mại Việt Nam.

9 ngân hàng yếu kém – “ngày ấy và bây giờ”

Cuối năm 2011, sau một loạt những vấn đề nổi cộm của ngành Ngân hàng thì việc rà soát và “điểm mặt chỉ tên” những nhà băng hoạt động yếu kém trong “chuỗi mắt xích” hệ thống ngân hàng đã được thực thi. SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank là 9 cái tên bị liệt vào “danh sách đen” cần xử lý.

SCB, Đệ Nhất, và Tín Nghĩa đã “nổ phát súng khai cuộc” hợp thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB với quy mô tổng tài sản khoảng 150,000 tỷ đồng. Tienphongbank dựa vào nguồn vốn của cổ đông chiến lược DOJI để tự tái cơ cấu. Habubank - một ngân hàng thương mại cổ phần đời đầu của Hà Nội đã phải quyết định về “sống chung” với SHB vào cuối tháng 8 năm 2012.

Cuối tháng 9 năm 2013, sự xuất hiện của Ngân hàng Đại Chúng PVcomBank với tổng quy mô tài sản hơn 100,000 tỷ đồng và mức vốn điều lệ 9,000 tỷ đồng là sản phẩm của “cuộc hôn nhân” giữa Western Bank và PVFC. Navibank đã quyết định tự tái cơ cấu bằng chính nguồn lực của mình.

Trustbank với sự trợ giúp của Tập đoàn Thiên Thanh đã tự tái cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam. Đến đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại toàn bộ cổ phần và chuyển đổi Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam thành Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu.

PG Bank là cái tên cuối cùng còn xót lại tính đến thời điểm năm 2013. Đầu năm 2015, theo dự tính PG Bank sẽ về với VietinBank.

2015 – xử lý nốt “hàng tồn kho”

Năm 2014 kết thúc lặng lẽ khi không có sự kiện nào nổi bật trong làn sóng sáp nhập của hệ thống ngân hàng. Vì thế những “tàn dư” còn sót lại trong công cuộc tái cơ cấu sẽ tạo ra áp lực rất lớn trong năm 2015 này.

Southern Bank và Sacombank sẽ là hai nhà băng đầu tiên mở màn cho năm nay. Tiếp theo là thương vụ Ngân hàng Mê Kông (MDB) về với Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). PG Bank về với Vietinbank cũng là một cuộc “kết hôn” đáng mong chờ. “Ông lớn” Vietcombank cũng đã quyết định lựa chọn Saigonbank.

Một “cặp đôi” khác cũng đang trong giai đoạn “tìm hiểu” nhau là Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng An Bình. Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửa Long (MHB) là cái tên đang trong “tầm ngắm” của BIDV, và Ngân hàng TMCP Nam Á thì sẽ có khả năng “bén duyên” với Eximbank.

Ngành ngân hàng qua “lăng kính” FAST500

{keywords}

Hình 1: Số lượng NH lọt BXH FAST500 và chỉ số CAGR của các NH lọt BXH FAST500 (2011-2015). (Đơn vị: %). Nguồn: Vietnam Report

Thống kê của Vietnam Report qua Bảng xếp hạng FAST500 đã vẽ ra một bức tranh về tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng trong giai đoạn từ 2006 đến 2013. Nhìn vào hình 1 có thể thấy giai đoạn 2006 đến 2009 là “thời hoàng kim” của ngành ngân hàng khi CAGR của ngành đạt mức cao nhất 77.1%.

Những giai đoạn tiếp theo của ngành chứng kiến sự giảm sút của chỉ số CAGR đặc biệt là giai đoạn 2010-2013 chỉ còn 24.20%, giảm gần 3 lần so với giai đoạn có mức CAGR cao nhất. Đây chính là giai đoạn các ngân hàng thực hiện việc tái cơ cấu nên sự giảm sút này là một điều dễ hiểu.

Xét về số lượng ngân hàng lọt BXH trong 5 năm công bố thì giai đoạn 2009 đến 2012 lại là giai đoạn nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất với số lượng ngân hàng chiếm khoảng 5% bảng xếp hạng. Giai đoạn 2007 đến 2010 chỉ có khoảng 1.8% số doanh nghiệp trong bảng là ngân hàng, đây là số lượng ít nhất kể từ khi công bố BXH đến nay.

Hậu tái cơ cấu – những áp lực vô hình

Giải quyết triệt để nợ xấu

Sự ra đời của VAMC năm 2013 được ví như một “điểm sáng” trên nền “bức tranh nợ xấu u ám” của ngành ngân hàng Việt Nam. Nhưng những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo cũng như sự hạn chế về thẩm quyền khiến cho VAMC không thể giải quyết triệt để vấn đề này.

Những khó khăn trong cơ chế thanh lý, phát mãi tài sản đảm bảo khiến các ngân hàng thương mại và VAMC rơi vào thế “bí”, tổn thất rất nhiều do sự sụt giảm giá trị của tài sản đảm bảo cũng như các chi phí phát sinh khác.

Các quy trình định giá lại tài sản, tranh chấp, kiện tụng và sự trì trệ trong thi hành án chính là những “nút thắt” cần sự “tháo gỡ” các cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo ra hướng đi “thoáng đãng hơn” giúp các ngân hàng có thêm phương án chủ động giải quyết nợ xấu cho mình và VAMC vừa có thêm “sức mạnh” xử lý những khoản nợ cũ, vừa giảm nhẹ gánh nặng nợ trong tương lai.

Gia tăng vốn điều lệ

Vốn luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng của ngành ngân hàng, đặc biệt là khi kinh tế Việt Nam ngày càng “chạm” gần hơn tới các quy chuẩn Quốc tế.

Đa số các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay chỉ áp dụng theo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Ngân hàng nhà nước, nhưng để vươn ra thị trường Quốc tế các ngân hàng Việt Nam buộc phải áp dụng những tiêu chuẩn giống như các Ngân hàng trên Thế giới, và phổ biến nhất hiện nay là Hiệp ước Basel.

Một số các ngân hàng trên Thế giới hiện nay bắt đầu nghiên cứu áp dụng Basel III, thì ở Việt Nam số ngân hàng áp dụng Basel II vẫn còn rất ít. Bởi nếu áp dụng theo Quy chuẩn của Basel II thì tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng phải dự trữ sẽ lớn hơn con số hiện nay rất nhiều.

Trong khi đó Ngân hàng nhà nước lại đang yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng số vốn điều lệ của mình lên mức 10,000 tỷ đồng vào năm 2015, thì đây hẳn là một áp lực không hề nhỏ và các ngân hàng cũng không mấy thích thú.

Một khó khăn nữa đặt ra khi áp dụng Basel II đó là việc trích lập các tỷ lệ khác nhau theo mức độ rủi ro cho từng danh mục đầu tư. Các ngân hàng hiện nay vẫn rất lúng túng khi chưa có hướng dẫn rõ ràng của Ngân hàng nhà nước trong việc phân loại mức độ rủi ro của các danh mục đầu tư. Hơn nữa sự khác nhau trong quy định về mức độ rủi ro giữa những danh mục đầu tư ở Việt Nam và Thế giới cũng gây ra những mâu thuẫn trong việc thực hiện quy định này.

Tăng trưởng tín dụng

Gia tăng lợi nhuận là một mục tiêu mà các ngân hàng luôn hướng tới. Tuy nhiên trong giai đoạn hậu tái cơ cấu để đạt được mục tiêu này không hề dễ. Sau sáp nhập, các ngân hàng sẽ trở thành những tổ chức mới với những thay đổi đáng kể về cơ cấu tổ, bộ máy hoạt động, thậm chí là chiến lược phát triển, còn bộn bề những khâu quan trọng phải giải quyết để dần ổn định hoạt động.

Trong khi đó, các ngân hàng tư nước ngoài với những tiềm lực vốn có và hậu thuẫn vững chắc, đây sẽ là cơ hội để họ phát huy tối đa thế mạnh của mình. Các ngân hàng Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn khi vừa phải ổn định bộ máy hoạt động vừa phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Văn hoá doanh nghiệp

Người ta hay quan tâm nhiều hơn đến những chỉ tiêu tài chính mà xem nhẹ những vấn đề liên quan đến sự phù hợp của văn hoá doanh nghiệp khi thực hiện các thương vụ sáp nhập. Văn hoá được coi như những nét tính cách đặc trưng của hai cá thể riêng biệt mà không phải lúc nào cũng có thể trở nên hoà hợp.

Những khác biệt quá lớn về văn hoá sẽ khiến bộ máy mới khó làm việc hiệu quả và trơn tru. Đặc biệt hơn, văn hoá doanh nghiệp không phải là thứ có thể thay đổi một sớm một chiều. Chính vì thế để có được một cuộc sáp nhập thành công, bên cạnh việc xem xét các chỉ tiêu tài chính, việc cân nhắc sự tương đồng trong văn hoá tổ chức cũng là một điều cần thiết.

Tính đến thời điểm này, hướng đi của hệ thống các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn được coi là đúng đắn. Tuy nhiên những thách thức mà các ngân hàng sẽ phải đối mặt giai đoạn hậu tái cơ cấu thì không thể xem nhẹ. Bảng xếp hạng FAST500 trong những năm tiếp theo vẫn luôn hi vọng sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của ngành này cả về tốc độ tăng trưởng và số lượng Ngân hàng lọt Bảng xếp hạng.

Buổi Lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 dự kiến sẽ được Vietnam Report và VietNamNet tổ chức vào ngày 22/4/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Vietnam Report