Kể từ ngày 1.4.2015, người tiêu dùng Việt sẽ có cơ hội được dùng hàng Nhật với giá rẻ hơn khi 3.234 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam sẽ có thuế suất 0%.

Ngày 14 và 15.3.2015, Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2012-2015; và ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2015-2019.

Theo đó, tính đến thời điểm 1.4.2015, đối với biểu ASEAN - Nhật Bản, sẽ có 2.874 mặt hàng có thuế suất 0% (tương đương với 30% tổng biểu thuế), và 413 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm, thuế suất áp dụng sẽ theo mức thuế MFN tại thời điểm hiện hành.

{keywords}

Ảnh minh họa

Đối với biểu Việt Nam - Nhật Bản, sẽ có 3.234 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản có thuế suất 0% (tương đương với 33,8% tổng biểu thuế), và 354 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm, thuế suất áp dụng sẽ theo mức thuế MFN tại thời điểm hiện hành.

Các dòng thuế có thuế suất bằng 0% tại thời điểm 1.4.2015 tập trung vào các nhóm mặt hàng: chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược…

Như vậy, với hơn 3.000 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản có mức thuế 0% cũng đồng nghĩa với việc người Việt sẽ được sử dụng hàng hóa từ Nhật với mức rẻ hơn so với trước đây.

Bộ Tài chính cho biết, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản phải đáp ứng yêu cầu về xuất xứ theo quy định của Bộ Công thương và thuộc danh sách nước được hưởng ưu đãi quy định tại Thông tư.

Theo báo cáo sơ bộ từ Tổng cục Hải Quan vào giữa tháng 3.2015, trong tháng đầu tiên của năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 1,1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản, tăng 54,06% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản tăng ở hầu khắp các chủng loại mặt hàng, số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng dương chiếm 80,5%, trong đó nhập khẩu nhóm hàng điện tử có tốc độ tăng vượt trội,cụ thể điện thoại các loại và linh kiện tăng 549,13%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 261,88%.

Nhóm có tốc độ tăng mạnh thứ hai là dược phẩm, tăng 151,11%.

Đứng thứ ba về tốc độ tăng mạnh là nhóm ô tô nguyên chiếc, linh kiện và phụ tùng tăng lần lượt 145,43% và tăng 168,47%.

Bên cạnh đó, những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng âm gồm: hóa chất giảm 20,89%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 24,36%; dây điện và dây cáp điện giảm 20,64%…

(Theo Một thế giới)