- Thông thường, các nước luôn nỗ lực vươn lên trong chuỗi giá trị, bậc đầu tiên là cạnh tranh dựa vào yếu tố sẵn có như lao động và tài nguyên, tiếp đến là cạnh tranh dựa vào hiệu quả và bậc trên cùng là cạnh tranh dựa vào sáng tạo. Cách đây 3-4 thập niên, một số nền kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc đã theo hình mẫu này để gia nhập cộng đồng các nước công nghiệp phát triển.

Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay ở Đông Nam Á đang cạnh tranh với Việt Nam về một vị trí truyền thống trong chuỗi giá trị, đó là sản xuất thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp... Giáo sư Shlomo Maital từ Israel lại tin tưởng rằng Việt Nam có thể vượt lên trong chuỗi giá trị, bằng cách cạnh tranh ở cả ba vị trí trên, đặc biệt là cạnh tranh bằng sáng tạo trong công nghệ cao. Israel từ một quốc gia nhỏ bé, nghèo, không có tài nguyên, nhưng đã vượt lên trong chuỗi giá trị. Việt Nam cũng có thể làm như vậy?

1. Đại học khoa học và công nghệ quy mô nhỏ, đẳng cấp thế giới

Technion, Học viện Công nghệ Israel được thành lập năm 1912 (trước khi Israel trở thành quốc gia độc lập). Tuy qui mô nhỏ, nhưng đã có 3 người được giải Nobel, và có 4 người đạt giải Nobel khác đã từng giảng dạy và nghiên cứu tại trường này.

Technion đã tạo dựng một ngành công nghệ cao ở tầm cỡ thế giới thông qua các sinh viên tốt nghiệp của mình. Điều đặc biệt là cứ 4 sinh viên tốt nghiệp Technion thì có một sinh viên khởi nghiệp kinh doanh.

Việt Nam chưa có đại học đẳng cấp thế giới, nhưng hoàn toàn có thể. Với rất nhiều nhân tài về khoa học công nghệ thành danh trên thế giới - đó là yếu tố quan trọng hàng đầu, Việt Nam cần tập trung xây dựng các trường đại học, qui mô không lớn nhưng tiên tiến về các mặt: điều kiện vật chất - kỹ thuật, nội dung đào tạo - nghiên cứu, và tổ chức - quản trị. Đây phải là một chiến lược quốc gia nhất quán. Khi đó, sự xuất hiện đại học đẳng cấp thế giới là trong tầm tay.

2. Chiến lược can thiệp của chính phủ

Các công ty phần mềm Mỹ thống lĩnh thị trường thế giới, một phần nhờ các khoản đầu tư lớn của công nghiệp quốc phòng vào trường đại học và cơ sở hạ tầng. Internet đã ra đời từ dự án ARPANET của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Đại học UCLA. Đầu tư của Israel bắt đầu bùng phát khi Chính phủ lập ra Yozma, công ty Nhà nước chuyên đầu tư mạo hiểm cho công nghệ.

{keywords}

Giáo sư Shlomo Maital từ Israel tin tưởng rằng Việt Nam có thể vượt lên trong chuỗi giá trị, bằng cách cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh bằng sáng tạo trong công nghệ cao

Đó là những ví dụ điển hình về Chính phủ đầu tư chiến lược vào công nghệ để tạo ra lợi thế cho quốc gia.

Thể chế doanh nghiệp nhà nước sẽ là một thách thức cho Việt Nam trong việc tận dụng đầu tư của Nhà nước cho chiến lược phát triển lâu dài.

3. Làm cho tinh thần khởi nghiệp được phổ biến rộng khắp

Tại Israel năm 1981, anh em nhà Zisapel đã lập công ty RAD Data Communications. Chủ tịch Yehuda Zisapel đã khởi xướng mô hình để các kỹ sư có công trình sáng tạo rời RAD ra mở công ty riêng, với hỗ trợ tư vấn và nhiều khi là cả tài chính từ RAD. Kết quả là 128 công ty đã ra đời, tạo thành khối liên kết với 15.000 nhân viên và hàng tỷ đô la xuất khẩu.

Việt Nam cần lan truyền tinh thần khởi nghiệp. Hệ thống pháp luật và những chuẩn mực kinh doanh cần khuyến khích và tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Hệ thống này cũng cần tạo ra ý thức xã hội: Trân trọng khởi nghiệp trong bất cứ ngành nghề nào, dù lớn hay nhỏ, dù bình dị hay sáng tạo đầy rủi ro, nếu đem lại lợi nhuận và lợi ích xã hội.

4. Giao thương với các nước láng giềng

Vì lý do địa chính trị, Israel không thể giao thương với các nước láng giềng, ngay cả với Ai Cập là nước chung hiệp ước hòa bình. Đó là bất lợi rất lớn.

Singapore là nơi tiếp nhận đầu tư từ khắp thế giới, và đầu tư vào các nước trong khu vực, trong đó luôn trong nhóm đứng đầu về FDI vào Việt Nam.

Việt Nam nên theo đuổi một chiến lược địa chính trị giống như Singapore. Khối thị trường chung Đông Nam Á (AEC) sẽ ra đời năm 2015. Các DN Việt Nam nếu không sẵn sàng sẽ mất cơ hội kinh doanh trong khu vực, và mất luôn vị thế sân nhà vào doanh nghiệp khác trong Asean.

5. Chất lượng và hiệu quả của đầu tư nước ngoài

Rất ít quốc gia nghèo có thể đáp ứng nhu cầu vốn bằng nguồn tài chính trong nước. Thu hút đầu tư ngoài rất quan trọng, tuy nhiên loại vốn đầu tư nào cũng quan trọng không kém.

FDI tại Israel tập trung vào công nghệ cao, nhờ sự hấp dẫn của nguồn nhân lực sáng tạo.

Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI đối với cải thiện năng lực cạnh tranh. Không nên chỉ nhìn vào GDP, hoặc quá phụ thuộc vào các yếu tố sẵn có như lao động rẻ, quỹ đất, tài nguyên, điều kiện tự nhiên... 

{keywords}

Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI đối với cải thiện năng lực cạnh tranh.

6. Đặt ra chuẩn mực cao

Nhiều công ty đa quốc gia đặt ra mục tiêu cực cao (như Intel) - là mục tiêu tưởng như rất khó để đạt được.

Việt Nam cũng cần phải có mục tiêu cực cao. Ví dụ như mục tiêu mỗi năm phải tăng ba bậc trong năng lực tranh toàn cầu, bằng cách tăng cường giáo dục và công nghệ đẳng cấp thế giới, cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút FDI chất lượng cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Mỗi người Việt Nam sẽ hiểu và chia sẻ tầm nhìn này, mỗi người Việt Nam sẽ được hưởng lợi, mỗi người Việt Nam sẽ biết phải làm thế nào để đạt được các mục tiêu.

7. Tối đa giá trị gia tăng, hướng tới công nghệ và sáng tạo

Israel đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ cao, với nhiều sản phẩm thống lĩnh thị trường, đặc biệt trong công nghệ thông tin, công nghiệp quốc phòng.

Tuy nhiên Israel cũng nổi tiếng với như một quốc gia hàng đầu về nông sản, bất chấp điều kiện hết sức khắc nghiệt (thiếu đất và thiếu nước). Israel đứng số 1 thế giới về xuất khẩu trái bơ.

Một lợi thế lớn của sản xuất hàng hóa là gần thị trường. Việt Nam cần tối đa hóa cơ hội kinh doanh và giá trị gia tăng tại thị trường nội địa. Không thể chấp nhận thua trong những lĩnh vực dựa vào yếu tố sẵn có, điển hình là nông nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên quan trọng hơn hết là đầu tư để đưa công nghệ cao (như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin) vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với lợi thế địa phương.

Lời kết

Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2013 - 2014 xếp hạng Việt Nam thứ 68 về năng lực cạnh tranh, thứ 99 về sẵn sàng với công nghệ, hạng 118 về áp dụng công nghệ mới, và hạng 106 về trình độ kinh doanh...

Những con số đó nói lên rằng, Việt Nam tụt hậu đáng kể trong các lĩnh vực cần thiết để đưa nền kinh tế lên bậc phát triển cao hơn. Nếu không khai thác được tài sản vô hình và có thể tái tạo, đó là sức sáng tạo và trí tuệ, thì quốc gia phải trả giá bằng tài sản hữu hình, đó là tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị tàn phá...

Đã đến lúc Việt Nam phải vượt lên trong chuỗi giá trị. Thông qua lãnh đạo tích cực, đặt ra chuẩn mực toàn cầu, và khuyến khích khởi nghiệp, Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả cùng một lúc trên ba vị trí của chuỗi giá trị - thâm dụng lao động, sản xuất hiệu quả, và định hướng công nghệ cao.

Vẻ đẹp của chiến lược này là ở chỗ, những vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị có thể kéo lên những vị trí thấp. Vị trí cao hơn, với tài sản vô hình là trí tuệ sáng tạo và tinh thần kinh doanh cần được phát huy cao độ để đổi lấy những giá trị vật chất to lớn cho quốc gia. Đó cũng là bài học của Israel trong toàn bộ lịch sử tái lập quốc gia của mình.

Giáo sư Shlomo Maital nổi tiếng trong lĩnh vực quản trị công nghệ cao và khởi nghiệp. Ông là Giám đốc Học thuật Viện Công nghệ Technion (Israel) và có 20 năm là Giáo sư Kinh tế tại trường Quản trị kinh doanh Sloan, MIT (Mỹ).

Tiến sĩ Trần Lương Sơn