- Từ những con tàu lớn ngày đêm ra khơi, thu mua cả tỷ đồng hải sản trên biển, xã Hải Bình (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) xuất hiện ngày càng nhiều ông chủ sở hữu kho cấp đông cả ngàn tấn hải sản và những xưởng mộc chuyên đóng tàu lớn.

“Cái rốn” sấm suất ở xã đảo

Giữa khung cảnh làm ăn nhộn nhịp trên bến cá, dưới tàu thuyền đang tấp nập ra vào cảng Lạch Bạng, ông Nguyễn Quốc Tuấn - chủ tịch UBND xã Hải Bình, giọng như vỡ oang trong gió biển: "Ngư dân xã này thức cả ngày lẫn đêm bởi cảng cá. Không thức sao được khi mỗi tàu lớn mang cả trăm tấn hải sản, trị giá hàng trăm triệu, cập cảng. Tàu này nối tiếp tàu kia".

Cảng cá Lạch Bạng - bốn bề như bị thu hẹp lại bởi hàng trăm lao động tay nối tay lựa cá, mực rồi chuyển lên những dây chuyền dài hàng chục mét đưa ra xe vận chuyển; tốp xe bán tải cũng nối nhau chở gạo, rau, thịt heo, mì tôm, đá lạnh ra tàu...

Ông Tuấn cho hay: "Cảng cá rộng 10 hecta, nơi 1.500 tàu thuyền thường xuyên vào ra. Trong đó, Hải Bình 300 tàu, Hải Thanh 700 tàu và 500 tàu của ngư dân các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An,... Đây là một trong những cơ sở được đầu tư và khai thác hiệu quả nhất Bắc Trung bộ từ năm 2004 đến nay".

{keywords}

Sôi động cảng cá Lạch Bạng

Bên tốp ngư dân Quảng Ngãi đang nhễ nhại khâu vá dạ kéo giữa trưa nắng oi nồng, ngư dân Võ Hoàng Tuân (ngụ ở xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức) cho biết: "Hơn tháng trời ngoài biển, nay đến kì ‘đại tu’ nên chúng tôi dong tàu vào đây bán cá rồi vá dạ luôn. 21h đêm tàu tiếp tục trở lại ngư trường để kịp sáng mai vây lưới". Ngư trường, theo anh Tuân, được tính từ đảo Bạch Long Vĩ ra xa hơn 30 hải lí nữa.

Chuyện cả xã "thức cả ngày lẫn đêm" được ông Tuấn giải thích: "Trước năm 2005, Hải Bình có 200 tàu nhưng là tàu nhỏ, công suất 90 mã lực trở lại, đánh bắt quanh quẩn gần bờ, sản lượng mỗi năm được 1.000 tấn chỉ đủ tự cung tự cấp. Giờ xã có hơn 100 tàu công suất từ 80-100 tấn thường xuyên ra khơi, sản lượng đạt tới 70.000 tấn kéo theo sự ra đời của 30 công ty, tổ hợp dịch vụ trên bờ. Sản phẩm được chế biến, xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số nước Đông Âu; đồng thời bán khắp cả nước, thậm chí cả Trung Quốc".

Nhờ đó, mạng lưới dịch vụ cũng trở nên sôi động. Hàng chục hộ gia đình chuyển hướng kinh doanh, trở thành những xưởng cơ khí cung cấp và lắp máy cho tàu cá. Một số khác trở thành ông chủ của những kho cấp đông cả ngàn tấn hải sản mỗi năm, bên cạnh những xưởng mộc chuyên sửa chữa, nâng cấp và đóng mới tàu lớn.

Nếu dịch vụ mua bán trên biển và trên bờ thu hút gần 3.000 lao động địa phương thì mạng lưới dịch vụ trên bờ cũng tạo công việc cho hàng ngàn lao động trong và ngoài xã, với thu nhập ổn định 3,5-4 triệu đồng/tháng.

{keywords}

Thợ sửa chữa tàu thuyền trong cảng cá.

"Bây giờ bà con thức cả ngày lẫn đêm là vì công việc, chứ trước năm 2005 cứ 20h là xã đánh kẻng thông báo ‘ai không có việc không nên ra khỏi nhà’ để đảm bảo an ninh trật tự” - ông Tuấn chia sẻ.

Đóng tàu lớn, thu tiền tỷ trên biển

Nếu chỉ có 200 tàu thuyền nhỏ thì yếu sức, thế nên lãnh đạo Hải Bình nghĩ cách liên doanh, liên kết với ngư dân các tỉnh. Có cảng, nhìn tàu thuyền lớn nhỏ tấp nập vô bờ bán hải sản, xã quyết tâm đóng tàu cỡ lớn. Năm 2004, xã ra chủ trương, kêu gọi ngư dân thì đến năm 2005 đội tàu hình thành. Dạo đó, xác xưởng đóng tàu ở Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Nghệ An mệt sức với đội tàu Hải Bình, vì đóng xong tàu nào là tàu đó dong buồm ra khơi.

Từ đội tàu nổi tiếng với 65 chiếc, công suất từ 250-300 mã lực, Hải Bình xây dựng chủ trương mới, xác định mũi nhọn là phát triển kinh tế trên biển thông qua dịch vụ mua bán trên ngư trường xa bờ.

{keywords}
Đội tàu cá neo đậu tại cảng Lạch Bạng

"Ngư trường của đội tàu Hải Bình là vùng đánh cá chung ngoài vịnh Bắc bộ. Ở đâu khai thác được ở đó có đội tàu của Hải Bình. Chúng tôi mua hải sản từ các tàu cá rồi bán xăng dầu, lương thực thực phẩm, ngư lưới cụ cho họ. Dịch vụ hai chiều này vừa đem lại nguồn hải sản tươi rói, vừa cung cấp được dịch vụ thiết yếu cho tàu bạn thay vì cứ 5-7 ngày lại phải vào bờ tiếp tế như trước. Nhờ đó, đội tàu có thể bám ngư trường cả tháng trời” - ông Tuấn cho biết.

"Ai ra khơi thì đi, ai vô miền Trung tậu tàu mới thì cứ việc mang 4-5 tỷ đồng là có" - ông Tuấn hào hứng nói.

Ông Tuấn kể về một trong những chiếc tàu cá lớn, đánh bắt hiệu quả ở Hải Bình, đó là tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức. Chiếc tàu có công suất 500 mã lực, lớn nhất xã. Chuyến này ra biển, tàu của anh thu mua được số hải sản trị giá 1 tỷ đồng".

Tuy nhiên, Hải Bình sẽ lớn mạnh hơn nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2012, huyện Tĩnh Gia đã sớm có chủ trương kích cầu cho ngư dân. Cụ thể, ai đóng tàu có công suất 90 mã lực trở lên thì được hỗ trợ 70-100 triệu đồng/tàu. Hải Bình có 18 tàu được duyệt lần đầu nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được. "Giá như ngoài sự nỗ lực làm giàu của ngư dân, Hải Bình có thêm sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước thì còn tăng tốc hơn hiện nay" - ông Tuấn tiếc nuối.

Ngoài 12 huyện đảo (Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn, Kiên Hải, Cát Hải, Cô Tô), Hải Bình có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển có lực lượng vũ trang đóng quân (đảo Hòn Mê) thuộc đơn vị hành chính cấp huyện trong đất liền quản lí. Theo đó, xã Hải Bình sẽ được công nhận là xã đảo theo quyết định 569/QĐ-TTg ngày 22-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận xã đảo.

Đây sẽ là một trong những xã đảo đầu tiên của cả nước.(Ông Nguyễn Quốc Tuấn).

Sông Vinh