Nhắc đến công nghệ Nhật Bản người ta nói đến ô tô và điện tử, nhưng gần đây với sự trỗi dậy của các hãng điện tử như Samsung, LG; các hãng ô tô như Huyndai, Kia, Hàn Quốc đang dần tấn công những thế mạnh mà xưa nay luôn là niềm tự hào của Nhật Bản.

Sony thua lỗ, Samsung, LG nổi lên

Hãng điện tử khổng lồ của Nhật là Sony gặp không ít khó khăn và buộc phải có kế hoạch cải tổ, tái cấu trúc. Sony đã phải bán công ty chuyên đầu tư mảng hóa học và gặp khó khăn trong việc xây dựng và phát triển Olympus sau khi đã mua về với giá 572 triệu USD.

Tháng 1 vừa qua Sony đã công bố sẽ bán trụ sở ở Osaki, Tokyo và trụ sở của chi nhánh tại Mỹ ở đại lộ Madison, New York. Việc Sony phải rao bán bất động sản là hệ quả sau nhiều năm vật lộn với tình hình kinh doanh không khả quan ở nhóm sản phẩm chủ lực là hàng điện tử tiêu dùng, nhất là sản phẩm tivi. Cùng với tuyên bố rao bán nhiều bất động sản, Sony cũng cắt giảm 10.000 việc làm.

Trong khi đó, cả về thị trường điện thoại thông minh và thị trường TV, các công ty của Hàn Quốc đều đang dẫn đầu.

Samsung, LG dẫn đầu thị trường TV LCD toàn cầu, còn các hãng sản xuất của Nhật chỉ đứng thứ tư, thậm chí còn sau cả Đài Loan.

Samsung và LG là hai nhà sản xuất màn hình TV LCD lớn nhất thế giới hiện nay. Nếu tính trên phương diện thị trường khu vực, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thị trường sản xuất màn hình TV LCD với thị phần lớn gấp nhiều lần các hãng đến từ Nhật Bản.

Về thị trường TV 3D, Samsung và LG tiếp tục thống trị thị trường TV 3D, sản phẩm TV 3D của hai hãng Samsung và LG bán ra trên toàn cầu chiếm tới 41% doanh số toàn cầu nói chung.

Samsung và LG đang là những hãng sản xuất TV 3D lớn nhất thế giới hiện nay. Samsung dù có thị phần giảm 9% so với năm ngoái nhưng vẫn nắm giữ tới một phần tư thị phần về TV 3D toàn cầu. Trong khi đó LG có màn tăng tốc khi tăng trưởng được 8%, tuy nhiên thị phần vẫn còn kém khá xa so với Samsung khi mới đạt 16%.
Đối với thị trường điện thoại thông minh, Samsung tiếp tục là hãng sản xuất lớn nhất chiếm 21,8% thị phần và Apple đứng thứ hai với 15,1% thị phần, trong khi thị phần của Sony chỉ khiêm tốn ở mức một con số.
Vị trí dẫn đầu của Samsung và Apple cho thấy các thiết bị kết nối thông minh hiện nay đang đi vào một kỷ nguyên đa thiết bị. Trong thị trường rộng lớn này, Samsung và Apple chiếm ưu thế về điện thoại thông minh và máy tính bảng, trong khi những hãng máy tính cá nhân truyền thống khác của Mỹ và Nhật thì hầu như không tồn tại trong lĩnh vực thiết bị liên lạc di động.

Huyndai và Kia tăng trưởng ngoạn mục

Các hãng xe Hàn Quốc liên tục cải tiến và đưa ra sản phẩm mới, tính cạnh tranh của ô tô Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu ngày càng được nâng cao.

Ngày 18/11/2012, công ty JD Power and Associates của Mỹ cho biết hai nhà sản xuất ôtô của Hàn Quốc là Hyundai Motor và Kia Motors Corp đã mở rộng được thị phần kết hợp lên mức kỷ lục 8,6% thị trường ôtô toàn cầu trong chín tháng đầu năm 2012 nhờ doanh số bán hàng ổn định.

Cụ thể, trong chín tháng đầu năm 2012, Hyundai đã bán được 3,21 triệu xe và chiếm 5,3% thị phần ôtô thế giới trong khi doanh số của chi nhánh liên kết là Kia đạt 2,03 triệu xe, tương đương 3,3% thị phần.


So với cùng kỳ năm trước, thị phần kết hợp của Hyundai và Kia tăng 0,1% giúp họ giữ vững danh hiệu nhóm sản xuất ô tô lớn thứ năm thế giới sau General Motors, Volkswagen AG, Toyota Motor Corp và Renault-Nissan Group.

Những điều Hyundai làm được quả là một kì tích, cách đây không lâu hãng này còn bị coi là sự xấu hổ của ngành công nghiệp xe hơi, giờ lại là đối thủ lớn, được Winterkorn, điều hành một tập đoàn hàng đầu nước Đức, săm soi kỹ. Người Hàn Quốc đổ nhiều mồ hôi cho những chi tiết nhỏ nhất, kiên cường theo đuổi mục tiêu để rồi tạo nên doanh số cao chưa từng thấy trên thị trường Mỹ.

Năm 2004, Santa Fe vượt qua Toyota RAV4 trong kết quả điều tra chất lượng ban đầu do J.D. Power tiến hành. Ngay sau đó, Toyota mua một lô Santa Fe, sản xuất 2001-2004, nghiên cứu mọi chi tiết mà Hyundai đã làm. Hãng xe Nhật phát hiện ra nhiều bộ phận, như viền cửa chịu nhiệt, vật liệu cách âm được thay đổi rất nhiều lần. Thỉnh thoảng Hyundai còn thay thế chi tiết ở giữa chu kỳ sản phẩm. Sự năng động này là điều mà người Nhật không thể lường tới. Ở Toyota, mọi sản phẩm thiết kế theo chu kỳ và thay đổi theo đúng trình tự. Họ không thấy cần thiết phải thay đổi kết cấu ở giữa chu kỳ sản phẩm. Với Hyundai, điều đó lại rất cấp bách.

Nỗi lo ngại của các đối thủ về Hyundai không chỉ ở lĩnh vực xe hơi mà họ còn là tập đoàn đa ngành với doanh thu 145 tỷ USD trong 2010, cao hơn cả GM, Ford hay Honda. Hãng này còn sở hữu nhiều nhà máy thép và thậm chí cả đội tàu thủy vận chuyển ôtô đi khắp thế giới. Sự đa dạng hóa kinh doanh và chuỗi cung ứng vật liệu mạnh có thể đẩy Hyundai đi xa hơn hiện tại rất nhiều.

Nhị Anh (tổng hợp)