Xuất khẩu lao động giúp nhiều nông dân đổi đời. Song, ngày càng nhiều trường hợp "bỏ của chạy lấy người" khi ở nước bạn. Có ý kiến cho rằng, yếu tố giáo dục là nguyên nhân chính hay "cứu cánh" cho lao động chật vật tha phương cầu thực.

Bất đối xứng thông tin từ ba phía

Bảng số liệu lao động đi làm việc nước ngoài ở 63 tỉnh/thành phố trong năm 2009 do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) thực hiện nói lên sự chênh lệch về lượt lao động "xuất ngoại" ở các tỉnh thành khá rõ rệt. Tỉnh thành có số lượng "xuất ngoại" nhiều nhất là Nghệ An (13,5%) và Thanh Hóa (12,3%); thấp nhất là Trà Vinh và Lai Châu (0,001%). TP.HCM xếp hạng 3 (8,6%) và Hà Nội đứng thứ 5 (4,5%). Tuy nhiên, điều đáng bất ngờ là nếu xem xét số lượng các doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn cả nước năm 2009, thì chỉ có Hà Nội (93 doanh nghiệp) và TP.HCM (36 doanh nghiệp) là vượt trội, còn lại mỗi vùng không có hoặc chỉ có 1 doanh nghiệp. Sự suy luận theo kiểu nhiều doanh nghiệp tương đương với nhiều lao động được xuất khẩu đã hoàn toàn"phá sản" trong trường hợp này (Nghệ An chỉ có 1 doanh nghiệp).

Ở một khía cạnh khác, theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, trong ba năm 2008-2010, lao động nước ngoài tại Việt Nam đã tăng 7,5%, nâng số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam lên 74.000 người. Tuy nhiên, tình trạng tràn lan lao động không giấy phép càng phức tạp, do từ 1/8/2011, Nghị định sửa đổi bổ sung về vấn đề tuyển người lao động nước ngoài tại Việt Nam đã quy định, chỉ tuyển lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng được công việc. Thông báo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TBXH cho thấy, số lao động trái phép đã lên đến 31.000 người.

Thoạt nhìn, có vẻ những dấu hiệu trên không liên quan đến nhau, nhưng nếu soi bản chất của vấn đề, cả hai đều xuất phát từ nguyên nhân Bất đối xứng thông tin.

Hiểu đơn giản, bất đối xứng thông tin là góc độ "nhìn" thông tin giữa ba "chủ thể" không giống nhau. Dưới góc độ của mình, người lao động đa phần chỉ nhìn thấy thông tin có sẵn mà nhà môi giới cung cấp. Ngược lại, nhà môi giới dù vô tình hay cố ý, sẽ "nhìn" thông tin giới thiệu người lao động dưới góc độ "đẹp nhất", có lợi nhất về mình. Còn cơ quan quản lý, hiệp hội liên quan đến lao động thì việc có được một cái nhìn toàn diện, đúng đắn về thông tin, cũng như hai chủ thể nói trên vẫn còn đang hoàn thiện.

Nhìn lại vấn đề xuất khẩu lao động không đều, bất đối xứng thông tin thể hiện ở sự chênh lệch về số lượng lao động "xuất ngoại" ở 63 tỉnh/thành phố Việt Nam. Một sự thật là chỉ với một công ty môi giới (có giấy phép), Nghệ An đứng nhất cả nước về lượng xuất khẩu lao động cũng như lượng lao động trốn về nước trước thời hạn hợp đồng. Lí giải cho "hai cái nhất" này chính là những công ty "chui" đã vẽ một viễn cảnh tuyệt vời trước mắt người lao động, khiến họ ồ ạt xuất ngoại. Đến khi phát hiện ra sự thật phũ phàng thì họ cũng chẳng biết cách liên hệ giúp đỡ, chỉ còn phương án "bỏ của chạy lấy người".

Cũng trên cơ sở đó, đối với vấn đề nhập cư trái phép thì ảnh hưởng bất đối xứng thông tin càng lộ rõ. Việc các doanh nghiệp không cập nhật quy định của Nhà nước, các lao động ngoại quốc không nắm rõ luật tuyển dụng người nước ngoài ở Việt Nam đã dẫn đến hiện tượng "vô tình" vi phạm của cả hai bên, dẫn đến số lượng lao động ngoại quốc không đúng quy định luật Việt Nam khá "rầm rộ".

Giáo dục có vấn đề

Soi vào vấn đề bất đối xứng thông tin là một vấn nạn hết sức quen thuộc nhưng ít ai ngờ, đó chính là giáo dục.

Câu chuyện giáo dục vẫn mở đầu bằng tư duy thấy lợi ích trước mắt của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà xu hướng tuyển lao động Việt Nam ở một số công ty đang có dấu hiệu giảm dần.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết một số công ty Hàn Quốc phản ảnh là một bộ phận người lao động Việt Nam chuyển công ty với lí do không chính đáng. Giải đáp cho động thái "kén" người Việt Nam, ông Kim Chong Hyo, Phó chủ tịch cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) chia sẻ hễ có lương cao hơn thì họ có xu hướng "bỏ trốn hoặc xin chuyển ngay" khiến nhà tuyển dụng càng mất lòng tin.

Dưới góc độ giáo dục, thì vấn đề này có thể được nhìn nhận từ hai phía: chủ quan và khách quan.Về góc độ chủ quan, do bản thân người lao động chưa tập cho mình trạng thái chủ động. Trong thời đại "số", việc tìm nguồn thông tin là không hề khó. Chưa kể, đa phần tại các tỉnh, thành phố đều có cơ quan, liên đoàn lao động sẵn sàng hỗ trợ người lao động. Bản chất của vấn đề này là cách dạy và học theo kiểu "thụ động", hình thành nên thói quen "ngại" tìm hiểu của người thanh niên.

Về góc độ khách quan, hoàn cảnh thiếu thốn buộc người lao động chọn giải pháp "cầu may" bằng công việc xa xứ. Điều này vừa là lựa chọn mang tính "vừa đáng khen, vừa đáng chê". Nhu cầu tìm kiếm lợi ích là không có gì sai nhưng đặt niềm tin hoàn toàn vào nhà môi giới thì quả là đáng trách. Từ đó, nhiệm vụ đặt ra trước mắt của giáo dục không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cần thiết trong cuộc sống và làm việc, mà còn phải cung cấp khả năng xử lý tình huống hay còn gọi là "kĩ năng mềm" cho người học.

Theo thống kê của Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), năm 2011, du học sinh Việt Nam khắp 49 quốc gia đã lên đến 100.000 người, tăng gấp 10 lần sao với 10 năm trước. Tuy nhiên kết quả khảo sát (IIE, 2010) cho thấy, có đến 60-70% du học sinh có ý định ở lại nước sở tại. Câu chuyện "thất thoát chất xám" - một dạng của xuất nhập khẩu lao động chất lượng cao, cho thấy "đạo diễn" giáo dục đang để mất "diễn viên" trên chính sân nhà của mình.

Hành động?

Chiếc phễu xuất nhập khẩu lao động đang ngày càng được phía nước xuất và nước nhập siết chặt. Theo đó thì để có được tấm vé xuất ngoại, người lao động phải nâng cao trình độ chuyên môn cũng như ngoại ngữ. Vấn đề đào tạo cần được đặt ra trước chứ không phải là sau khi sang xứ người như nhiều người lao động vẫn nhầm tưởng.

Nhằm hỗ trợ công tác giáo dục tiền xuất cảnh này, chương trình đào tạo do Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đã ra đời.

Tuy nhiên, để giải quyết tận nguồn "bộ phim" thị trường xuất nhập lao động Việt Nam đang thừa thiếu "diễn viên" thì "đạo diễn" giáo dục phải định hướng được vai trò của mình ngay từ đầu. Bởi lẽ thay đổi thành tư duy chủ động, biết so sánh lợi trước mắt - lợi lâu dài cũng như ứng dụng kiến thức đã học để xử lí tình huống là câu chuyện không phải ngày một ngày hai.

Đào tạo diễn viên phải bài bản, hợp lý và càng sớm càng tốt là bí quyết để có một đội ngũ "diễn viên" chuyên nghiệp. Tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau, nhưng nếu nhìn xuất nhập khẩu lao động từ lăng kính giáo dục, sẽ thấy được nguyên nhân và cả giải pháp cho "mê hồn trận" này.  Để phim hay thì cần hai yếu tố đầu tiên đạo diễn chuyên nghiệp và diễn viên giỏi, để xuất nhập khẩu lao động "cất cánh" thì đào tạo bài bản nguồn nhân lực là vấn đề tiên quyết.

Thiện Thuật - Vân Anh