Mấy hôm vừa qua, chuyện đột nhiên xếp hàng như thời bao cấp để ăn một bát bún ngan Nhàn (ngõ Trung Yên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến người dân nơi đây không khỏi giật mình. Vì bản thân họ rất ít khi ăn món bún ngan tại quán này.

Ăn vì... lời đồn

Nằm trong phố cổ, quán bún ngan Nhàn bỗng trở nên nổi tiếng vì thông tin “muốn ăn thì phải xếp hàng”. Vào giờ cao điểm, con ngõ nhỏ hẹp càng trở nên chật chội và ồn ào bởi cảnh tượng người, xe lẫn lộn, chen chúc xếp hàng. Có thời điểm, người ăn phải xếp hàng cả tiếng để được thưởng thức một bát bún ngan. “Quán này có khá lâu rồi. Trước đây, chỉ mở về đêm, giờ mới chuyển qua bán tầm trưa (từ 10h – 14h), nhưng tôi chưa bao giờ thấy có cảnh xếp hàng ở quán này. Chẳng hiểu sao mấy ngày nay, người ta lại ùn ùn kéo đến và đua nhau xếp hàng, có hôm kéo dài nửa con ngõ, chúng tôi ở đây nhưng cũng chẳng biết nguyên nhân do đâu?”, một người dân trong ngõ Trung Yên cho hay.

{keywords}

Hòa vào dòng người đến đây xếp hàng, chúng tôi nhận được khá nhiều thông tin bất ngờ. Trong những thực khách kéo đến đây, không ít người thừa nhận: “Tôi thấy quá tò mò, không biết hương vị của nó đặc biệt đến đâu mà người ta phải rồng rắn xếp hàng nên cũng đến ăn thử xem sao”, chị Trần Kiều Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay. Chị Lại Thị Bình, phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân, đang xếp hàng tại đây cũng bày tỏ: “Chắc ngon nên dù bà chủ cáu kỉnh nhiều người vẫn đua nhau xếp hàng chờ được ăn. Tôi rảnh, thấy xếp hàng vui nên đứng vào, ăn cho biết”.

Thậm chí, có vị khách vì quá tò mò vì món bún “thần thánh” nơi đây, cất công xếp hàng đến ngày thứ 3 mà vẫn chưa được ăn. Chị Lê Thị Hằng, phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai than thở: “Tôi xếp hàng 2 ngày rồi mà vẫn chưa được ăn. Hôm đầu, xếp hàng từ 12h đến 12h30 vẫn chưa đến lượt, chủ quán thì luôn miệng “chê khách”. Đang đói nghe gắt gỏng nhiều thấy nản, hơn nữa huyết áp tôi thấp, thấy váng đầu nên không dám chờ thêm mà sang quán khác ăn. Hôm xếp hàng thứ hai, gần đến lượt của tôi thì có điện thoại cô giáo của con gọi về gấp vì cháu bị sốt. Đây là hôm thứ 3 tôi xếp hàng, hy vọng được ăn thử xem ngon cỡ nào”.

Phần lớn những người đứng xếp hàng như chị Kiều Anh, chị Bình, chị Hằng khi được hỏi đều có câu trả lời tương tự “ăn thử xem sao”. Tuy nhiên, một số người cất công xếp hàng và đã ăn được lại tỏ ra thất vọng: “Tôi thấy tiếc công mình bỏ ra, vì chất lượng bún ngan ở đây chỉ được xếp hàng “bậc trung”.

Trái ngược với tâm lý tò mò, háo hức của các thực khách nơi ở xa, người dân quanh quán bún ngan Nhàn lại tỏ ra kém mặn mà. Thậm chí, có người còn dửng dưng với món bún này: “Tôi ở đây bao nhiêu năm rồi nhưng chẳng mấy khi ăn ở đó. Hôm nào, nhỡ bữa thì mới ăn tạm vì thực ra nó cũng chẳng ngon lắm mà bà chủ lại hay cáu kỉnh, nhiều lúc mắng khách xơi xơi”.

“Tôi nghĩ, cứ người nọ bảo người kia rồi đua nhau xếp hàng, chứ ngon gì đâu, không hiểu sao người ta cứ ùn ùn kéo đến. Bây giờ có khi phải thay đổi cung cách phục vụ, càng quát nạt, càng tỏ ra không cần có khi người ta lại càng thích”, một người phụ nữ bán nước trong ngõ Trung Yên nói.

“Cô chủ quán sắp lấy chồng” là chiêu câu khách

Trong vai một thực khách ở xa đến, muốn tìm những quán ăn ngon với giá hợp lý ở khu vực này, lập tức chúng tôi được người dân phố Đinh Liệt chỉ dẫn cho rất nhiều quán ăn nhưng họ tuyệt nhiên không nhắc đến bún ngan Nhàn. Dường như, quán bún đang “nổi như cồn” trên các trang mạng xã hội lại không được người dân nơi đây chú ý trong khi dân phố cổ nổi tiếng “sành ăn”.

Bà Tâm (phố Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), từng là khách ăn của quán bún này bức xúc: “Người đâu mà suốt ngày cáu kỉnh, người ta ăn thì trả tiền chứ có xin không đâu mà hơi tý là quát. Hình như giờ mời chào ngon ngọt đã bị lỗi mốt. Có khi càng chửi, càng quát người ta lại càng kéo đến”,

“Có khi bà chủ cáu kỉnh khách mới bảo nhau kéo đến. Với lại, gần đây tôi cũng nghe loáng thoáng thông tin cô Nhàn sắp đóng cửa lấy chồng. Không rõ từ đâu, nhưng sau khi tin đồn xuất hiện khách mỗi ngày một đông, mọi người mới bảo nhau xếp hàng. Dù những người cùng khu phố như chúng tôi thấy mọi hoạt động của quán vẫn diễn ra bình thường, đâu có dấu hiệu đóng cửa. Có thể đây là “chiêu” câu khách cũng nên”, ông Quân (Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoài nghi.

Một thực khách làm ở phố Đinh Liệt cho hay: “Tôi cũng hay sang đây ăn vì gần chỗ làm, giá từ 30.000 – 35.000/1 bát. Nhưng chỉ hai, ba ngày nay mới có hiện tượng xếp hàng, trước đây quán này khá thưa người ăn”.

Hình thức tung tin đồn “đóng cửa”, “chuyển đi nơi khác” hay “sang nhượng cửa hàng” để câu khách đã không còn mới nhưng xem ra nó vẫn mang lại hiệu quả không nhỏ. Hiện tượng, đột nhiên đua nhau xếp hàng ở quán bún ngan Nhàn, một lần nữa đã chứng tỏ điều đó, sự việc này khiến người ta không khỏi nghi ngờ: Đằng sau tin đồn, rất có thể là một chiêu thức PR!?

“Đang đông sao lại làm thế. Tôi chưa nghe thấy chị Nhàn nhắc đến chuyện đóng cửa, cưới chồng hay chuyển đi bao giờ”, nhân viên của quán bún ngan Nhàn cũng tỏ ra bất ngờ trước thông tin này.

(Theo Gia đình xã hội)