- Mặc dù giá nhập khẩu xăng dầu tháng 9 đã giảm tới 8,02% so với tháng 8 song giá bán lẻ trong nước từ 2 đợt điều chỉnh gần đây lại tăng trở lại với mức tăng 4,6%.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá nhập khẩu xăng dầu tháng 9 đã tiếp tục giảm mạnh so với tháng 9.

Cụ thể, giá nhập khẩu xăng dầu trên thế giới bình quân tháng 9 đã tiếp tục giảm thêm 8,02% so với tháng trước và giảm tới 43,18% so với tháng 9/2014. Trong đó, giá xăng giảm nhiều hơn giá dầu.

Giá nhập khẩu xăng dầu từ 4 thị trường chính là Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan trong tháng 9 cũng giảm tương tự. Trong đó, giá xăng dầu nhập từ Singapore giảm 9,76%, từ Trung Quốc giảm 9,07%, từ Thái Lan giảm 5,22% và từ Đài Loan giảm 7% so với tháng trước.

{keywords}

Mặc dù giá nhập khẩu xăng dầu tháng 9 đã giảm tới 8,02% so với tháng 8 song giá bán lẻ trong nước từ 2 đợt điều chỉnh gần đây lại tăng.

So với 9 tháng năm 2014, giá xăng dầu từ 4 thị trường trên cũng giảm lần lượt 40,20%, 36,38%, 36,45% và 31,34%.

Bộ Công Thương cũng ghi nhận xu hướng giảm ở từng mặt hàng cụ thể.

Giá xăng nhập khẩu giảm mạnh nhất, tháng 9 giảm thêm tới 11,54% so với tháng trước, giảm 40,29% so với tháng 9/2014 và giảm 38,78% so với 9 tháng năm 2014.

Riêng mặt hàng xăng Mogas 92 ron nhập khẩu từ Singapore ở tháng 9 có mức 495 USD/tấn-CIF, giảm 86 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 396 USD/tấn so với tháng 9/2014.

Giá mặt hàng này nhập khẩu từ Hàn Quốc có giá 646 USD/tấn-CIF. Giá xăng Mogas 95 ron nhập khẩu từ Singapore ở mức 598 USD/tấn-CIF, giảm 33 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 460 USD/tấn so với tháng 9/2014.

Đối với dầu diesel nhập khẩu, mức giảm là 7,76% so với tháng trước, giảm tới 44,92% so với tháng 9/2014 và giảm 37,13% so với 9 tháng năm 2014. Trong đó, dầu diesel 0,05% nhập khẩu từ Singapore có giá 408 USD/tấn-CIF, giảm 61 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 374 USD/tấn so với tháng 9/2014.

Thế nhưng, diễn biến giá bán lẻ trong nước 2 đợt vừa qua lại không giảm như vậy.

Cụ thể, tính từ ngày 18/9 đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước lại được điều chỉnh tăng trở lại.

Ví dụ như giá ngày 18/9, xăng đã tăng 620 đồng/lít, dầu diezen tăng 570 đồng/lít, dầu hoả cũng tăng 510 đồng/lít và madut thì tăng 300 đồng/kg. Đây là các mức giá được điều chỉnh dựa trên cơ sở giá 15 ngày liền kề trước đó, tức từ 4/9-17/9 tăng so với 15 ngày trước nữa, từ 21/7 đến 3/8.

Theo kỳ thống kê ở Việt Nam, giá tháng 9 sẽ được tính từ 15/8-15/9, nghĩa là chu kỳ này chỉ tính sớm hơn 2 ngày so với chu kỳ điều hành giá xăng. Do vậy, có một nghịch lý là giá xăng dầu nhập khẩu có cùng chu kỳ tương đương tiếp tục giảm so với tháng 8 thì giá trong nước từ nửa sau tháng 9 lại hồi phục.

Nhưng theo quan sát giá bán lẻ trung bình tháng 9 ở từng mặt hàng so với giá bán lẻ trung bình tháng 8 trong nước thì không có độ lệch nhiều so với mức giảm của giá nhập khẩu thế giới trên.

Ví dụ như, giá bán lẻ xăng A92 bình quân tháng 9 ở mức 17.390 đồng/lít. giảm tới 11,7% so với giá bình quân tháng 8.

Mặt hàng dầu diezen cũng giảm còn 13,360 đồng/lít, tương ứng giảm 6,35% so với mức trung bình tháng 8, thấp hơn một chút so với mức giảm 7,76% giá nhập khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là vì gánh nặng thuế, phí tăng cao, đặc biệt là việc tăng thuế môi trường kể từ 1/5 nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước trung bình 9 tháng có mức giảm thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/2 so với mức giảm của thế giới.

Phạm Huyền