Đại gia Lê Ân vừa gửi đơn lên Chánh án TAND Quận Tân Bình, Chánh án TAND TP HCM, Chánh án TAND Tối cao Hà Nội...

Lá đơn của đại gia Lê Ân nhằm tiếp tục kiện đòi bà Lê Ngọc Lan (vợ đầu, đã ly dị) và con trai cả Lê Đa-Ni-Ên (con chung với bà Lan) phải trả lại ngôi nhà tại TP.HCM cho mình.

Ông Lê Ân ly dị người vợ đầu tiên của mình, bà Lê Ngọc Lan, từ năm 1988. Ông cũng đã nhiều lần lên tiếng "từ", không coi người con trai cả Lê Đa-Ni-Ên tồn tại trên cõi đời, do anh này hỗn láo, nhiều lần đòi đánh đập, hành hung ông.

Trải qua 6 đời vợ, hiện ông Lê Ân đang chung sống hạnh phúc với cô Mai Thị Mai, kém hơn mình đến... 55 tuổi. Thế nhưng, vị đại gia vẫn quyết tâm đòi cho bằng được ngôi nhà bị người vợ cả bội bạc và đứa con "bất hiếu" chiếm giữ. Ông theo đuổi vụ kiện này đã gần 30 năm nay.

Ông Lê Ân chia sẻ: “Tôi lấy lại được nhà, để làm giấy tờ, di chúc chia đều lại cho những đứa con chung của tôi và bà Lan, tránh sau này tụi nó tranh giành tài sản”.

{keywords}

Thời gian gần đây ông Lê Ân liên tục mang đơn đi kiện đòi tài sản. Mới đây nhất, ông đã thắng kiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giành lại quyền sở hữu 20.000 m2 đất.

Phóng viên đã có một cuộc phỏng vấn với ông Lê Ân.

- Ông có thể cho biết chi tiết về vụ việc?

- Tôi đã mua căn nhà 408 CMT8, P.5 (nay là phường 4), Q.Tân Bình, giấy mua bán lập ngày 8.8.1970. Diện tích đất căn nhà có ghi rõ: chiều ngang 4m, chiều dài 19m, nhà 3 tầng lầu.

Căn cứ giấy chứng nhận đã đăng ký nhà 408 CMT8, phường 5, quận Tân Bình cấp ngày 26.12.1977, diện tích đất sử dụng là 96 m2 (gồm có phần hiên nhà).

Sau đó tôi mua thêm căn nhà 32 Phan Bội Châu – Nha Trang (Khánh Hòa). Cả hai căn nhà tôi mua trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp với bà Lê Ngọc Lan.

Năm 1980, tôi giao hết tài sản có giá trị lớn và cửa hàng kinh doanh… cho bà Lan, đưa 5 đứa con đi vượt biên có sự đồng thuận của bà ấy. Vượt biên không thành, tôi bị bắt và được thả vào năm 1984. Bà Lê Ngọc Lan nộp đơn lên Tòa án quận Tân Bình xin ly hôn.

Tòa án quận Tân Bình công nhận thuận tình ly hôn tại quyết định số 22/QĐ-TTL ngày 22.03.1984 và giao hết 2 căn nhà cho bà Lan sở hữu. Ngoài ra, bà Lan còn đòi giữ những tài sản có giá trị lớn khác, Tòa cho rằng không có chứng cứ để giải quyết.

Phần tài sản tôi được phân chia sau khi ly dị bà Lan: 1 chiếc xe honda và 1 xe du lịch La Dalat.

- Sau đó, ông vẫn ở trong ngôi nhà 408 Cách Mạng Tháng Tám hay dọn ra ngoài ở?

- Tôi thuê nhà ở, chống án và bước thêm bước nữa với bà Nguyễn Thị Kim Thu, lập hôn thú tại quận 10, TP.HCM ngày 13.09.1984.

Ngày 14.04.1988, tôi và bà Thu mua căn nhà diện tích 149,7m2 tại số 929 đường Tự Cường, P.5, Q.Tân Bình. Căn nhà này mua liền kề với căn nhà 408 CMT8 mà tòa án đã giao cho bà Lan, mục đích mua nhà gần với nhà 408 CMT8 là để gần các con.

Việc mua nhà tại thời điểm đó lập giấy ủy quyền có sự xác nhận của UBND phường 5, quận Tân Bình. Chúng tôi ở đây cho đến năm 1988, thì bà Thu vượt biên mất tích. Tôi và con chung với bà Thu ở tại căn nhà này cho đến năm 1990 xuống Vũng Tàu lập Ngân hàng VCSB. Căn nhà khóa cửa để đó, thỉnh thoảng tôi mới về.

- Ông phản ứng quyết định phân chia tài sản của Tòa án quận Tân Bình. Sau đó họ đã giải quyết thế nào, thưa ông?

- Căn cứ án Giám đốc thẩm số: 08/LHGĐ ngày 30.09.1988, tuyên: “Hủy phần giải quyết về tài sản của quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 22/QĐTL ngày 22.3.1984 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình đã có hiệu lực pháp luật, giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện cho Tòa án nhân dân quận Tân Bình giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm từ giai đoạn điều tra”.

Tôi và bà Lan đồng thuận chia đứt căn nhà số 32 Phạn Bội Châu – Nha Trang cho con gái của tôi và bà Lan mở tiệm vàng kinh doanh.

Tôi chỉ yêu cầu Tòa án chia căn nhà 408 CMT8 cho tôi theo luật hôn nhân và gia đình. Trong khi tòa đang giải quyết thì tôi bị bắt phục vụ điều tra vụ án xảy ra tại VCSB do tôi là Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2005 tôi được về, phát hiện UBND quận Tân Bình cấp giấy chứng nhận cho bà Lê Ngọc Lan sử dụng 225,7m2 đất và căn nhà lầu 3 tầng tại địa chỉ 408 CMT8. Giấy chứng nhận QSDĐ, nhà số: H00077/26968 ngày 18.04.2005.

Trong khi đó, diện tích đất của căn nhà 408 CMT8 theo giấy tờ mua bán và đăng ký với Chính quyền Cách mạng năm 1977 có tổng diện tích sử dụng là 96m2. Như vậy, 225,7m2 đất từ đâu mà có…(?).

{keywords}

Ông Lê Ân và cô vợ kém 55 tuổi Mai Thị Mai.

- Nếu như ông trình bày, việc UBND quận Tân Bình cấp giấy phép sử dụng căn nhà số 408 CMT8 cho bà Lan đã sai. Ông có động thái gì với UBND quận Tân Bình?

- Tôi khiếu nại bà Lê Ngọc Lan ngụy tạo giấy tờ gian dối chiếm đoạt tài sản chung là căn nhà 408 CMT8 và chiếm đoạt tài sản riêng là căn nhà, đất tại số 929 Tự Cường, P.5, Q.Tân Bình. Tiếp đến, kiện UBND Q.Tân Bình về việc cấp GCN QSDĐ, nhà cho bà Lê Ngọc Lan sử dụng căn nhà 408 CMT8 mà Tòa án quận Tân Bình đang thụ lý giải quyết theo án Giám đốc thẩm là vi phạm pháp luật.

UBND Q.Tân Bình có quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 5.2.2013 thu hồi, hủy bỏ GCN QSDĐ, nhà số H00077/26968 ký ngày 18.4.2005 với lý do UBND Q.Tân Bình cấp GCN QSDĐ, nhà cho bà Lê Ngọc Lan là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

{keywords}

Quyết định thu hồi, hủy bỏ quyền sử dụng đất đối với căn nhà 408 CMTT đã cấp cho bà Lê Ngọc Lan trước đó của UBND quận Tân Bình.

- Bà Lan có chấp nhận quyết định đó của UBND quận Tân Bình?

- Đâu có dễ gì! Bà Lan ủy quyền cho Lê Đa-Ni-Ên đứng đơn khởi kiện quyết định hành chính đó.

- Và đến giờ này kết quả thế nào rồi, thưa ông?

- Thẩm phán Đỗ Việt Hùng - Tòa án nhân dân quận Tân Bình thụ lý đơn kiện của ông Lê Đa-Ni-Ên số 08/HCST ngày 7.10.2013 đến nay trên 2 năm vẫn chưa đưa ra xét xử. Trong khi đó vụ án hành chính không phức tạp vì nguyên đơn, bị đơn, các người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tất cả ở Q.Tân Bình, TP.HCM và đã được thẩm phán Đỗ Việt Hùng cho đối thoại và bổ sung chứng cứ đầy đủ, không có yêu cầu các bên có liên quan bổ sung gì thêm… Quy định án hành chính không cho phép kéo dài “lê thê” nhiều năm, không biết vì lý do gì đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử.

- Ông đang than phiền về sự chậm chạp xử lý vụ việc của ông Đỗ Việt Hùng?

- Tôi là bên bị hại rất bức xúc không biết Thẩm phán Đỗ Việt Hùng chờ đến bao lâu nữa mới đưa ra xét xử. Việc chậm trễ này gây thiệt hại cho tôi, mất nhiều thời gian công sức mà chưa nhận lại được tài sản riêng của mình.

Tôi rất mong quý lãnh đạo Tòa án xem xét giải quyết vụ việc này trong thời gian sớm nhất để tôi lấy lại tài sản hợp pháp của mình chia đều cho các con, tránh sau này chúng tranh giành tài sản của cha mình.

- Xin cám ơn ông!

(Theo Một Thế Giới)