Kể từ khi tiếp quản hệ thống siêu thị VinMart cuối năm 2019, Tập đoàn Masan đã mạnh tay thực hiện nhiều thay đổi mang tính chiến lược, nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động. Trong quý gần nhất, Công ty VinCommerce (sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+ và các nông trại VinEco) đã đạt lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) dương với lợi nhuận 16 tỷ đồng.

Mở rộng sang nhiều ngành hàng mới

Dù vậy, đại diện Masan cho biết, VinMart có lãi chỉ là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi mô hình. Mục tiêu của Masan là kết hợp VinCommerce với Masan Consumer (dưới thương hiệu The CrownX), tạo nên “mảnh ghép” đầu tiên trong chiến lược xây dựng nền tảng Point-of-Life. Đây là nền tảng Masan xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm độc đáo, mới lạ, tiện dụng và những trải nghiệm phù hợp với sở thích cá nhân.

Từng bước xây dựng Point-of-Life, Masan Group đã mở rộng sang một số lĩnh vực và ngành hàng mới trong 2 năm qua. Nổi bật trong đó là thương vụ mua kiểm soát Công ty bột giặt Net (Netco) để "bước chân” vào thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình trị giá hơn 3 tỷ USD. Sau khi mua lại cổ phần, ưu tiên hàng đầu của Masan là tích hợp Netco với hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước.

{keywords}
 

Năm ngoái, Masan MEATLife công bố sở hữu 51% cổ phần của Công ty 3F Việt - doanh nghiệp cung cấp thịt gia cầm hàng đầu tại thị trường phía Nam, nhằm xây dựng thương hiệu thịt gia cầm vững mạnh, sau thịt mát MEATDeli.

Các thương vụ này đã bổ sung vào danh mục hàng hóa đa dạng do Tập đoàn Masan sản xuất trên các kệ của hệ thống siêu thị VinMart. Đại diện Masan đánh giá, đây là điểm khác biệt lớn của VinMart.

Trước khi tiếp quản hệ thống bán lẻ hiện đại VinMart, VinMart+, Tập đoàn Masan là một trong những nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất ở Việt Nam. Danh mục các sản phẩm của Masan trải rộng từ gia vị, thực phẩm tiện lợi, thịt chế biến, đồ uống cho tới thịt mát với quy mô doanh thu 1 tỷ USD năm ngoái.

{keywords}
 

Nắm lợi thế từ 2 mảng sản xuất và phân phối

Sở hữu và vận hành cả 2 mảng sản xuất và phân phối tới tay người tiêu dùng, Masan Group đang có lợi thế lớn để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu.

Đại diện Masan phân tích, Masan Consumer sẽ mang tới tính ổn định cao về nguồn cung các sản phẩm chất lượng cao cho VinMart, VinMart+. Cùng với đó, việc kết nối trực tiếp giữa sản xuất và khách hàng sẽ gia tăng hiểu biết của Masan về nhu cầu của người tiêu dùng. Chính hệ thống bán lẻ hiện đại VinCommerce đã giúp Masan nhanh chóng thu thập được phản hồi khách hàng đối với các sản phẩm mới, qua đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Đây là hoạt động thể hiện triết lý “Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” của Masan. Không những vậy, VinCommerce cũng có thể phát triển các sản phẩm nhãn riêng, tạo lợi thế cạnh tranh.

Trong lúc đó, VinMart vẫn duy trì hệ thống hàng nhãn riêng như: VinEco (rau, củ, quả công nghệ cao), VinMart Home (bông vải sợi và hóa mỹ phẩm), VinMart Care (mỹ phẩm chăm sóc cơ thể), VinMart Cook (thực phẩm chế biến), VinMart Goods (đồ dùng gia đình).

{keywords}
 

Đây là chiến lược phổ biến của các nhà bán lẻ hiện đại, không chỉ ở thị trường Việt Nam. Các “ông lớn” bán lẻ đều phát triển hàng nhãn riêng như 1 chiến lược gia tăng lợi nhuận. Tuy vậy, theo đại diện Masan, nếu không phải là một nhà bán lẻ am hiểu về sản xuất, điều này tiềm ẩn các rủi ro như: phụ thuộc vào khả năng gia công của các nhà sản xuất, rủi ro về chất lượng sản phẩm nếu không được kiểm soát kỹ…

Với việc tham gia vào lĩnh vực bán lẻ hiện đại và tập trung vào lĩnh vực nhu yếu phẩm, Masan đang có những bước đầu vững chắc và sở hữu nhiều yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng Point of Life ứng dụng công nghệ, tích hợp xuyên suốt từ offline đến online, nhằm phục vụ gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Vĩnh Phú