- Toàn văn Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng tiếng Anh vừa được Bộ Công Thương Việt Nam công bố chiều 5/11. Các thành viên dự kiến sẽ ký kết hiệp định vào quý I/2016.

Chiều 5/11, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương vừa công bố bản dự thảo toàn văn tiếng Anh của Hiệp định TPP.

Theo đó, bên cạnh các quy định chung mà 12 nước thành viên đều tuân thủ ở 30 chương của hiệp định, Việt Nam đã đạt được thoả thuận song phương với 9 trên tổng số 11 thành viên còn lại về các lĩnh vực quan trọng.

Trong đó, với Hoa Kỳ, Việt Nam ký thoả thuận song phương nhiều nhất về số lĩnh vực và ngành hàng, với con số là 12 bao gồm cá da trơn, dệt may, nội tạng động vật, phân phối dược phẩm, sinh phẩm, hệ thống thanh toán điện tử, lao động và các sản phẩm đặc thù.

{keywords}{keywords}

Riêng về dệt may, Việt Nam cũng đã có thoả thuận song phương với Mexico liên quan đến cơ chế giám sát và hạn ngạch.

Lĩnh vực thanh toán điện tử khá quan trọng khi Việt Nam đã có các thoả thuận song phương với Nhật Bản, New Zealand, Austrailia, Canada, Malaysia, Mexico,

Ngoài ra, Việt Nam đạt cam kết song phương về giáo dục từ xa, về hàng không, lao động kỳ nghỉ với Autralia, về nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm đặc thù với Canada, về dược phẩm y tế, đa dạng sinh học với Peru.

Còn lại, 3 quốc gia không có thoả thuận song phương nào là Brunei, Chile và Singapore.

Toàn văn Hiệp định TTP bằng tiếng Anh.

Các thỏa thuận song phương mà Việt Nam đã thống nhất với các nước TPP trên sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.

Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay, bản toàn văn dự thảo Hiệp định TPP này chưa phải là bản cuối cùng và có thể sẽ có một số thay đổi sau khi rà soát pháp lý. Song, đây sẽ chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.

Lý giải về việc chỉ có bản hiệp định tiếng Anh, Vụ này cho biết, do các nước TPP vẫn đang tiến hành thủ tục rà soát pháp lý, khối lượng tài liệu phải biên dịch lại rất lớn nên Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt của Hiệp định TPP. Bộ cam kết sẽ nhanh chóng hoàn tất công việc này để công bố sớm nhất bản dịch tiếng Việt.

Theo quy trình, sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước TPP - theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày.

Sau đó, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I/2016. Sau đó, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.

Đây là hiệp định thương mại đầu tiên mà Việt Nam đã có động thái công bố nội dung cam kết sớm như vậy.

Bởi, theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý.

Phạm Huyền