Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của trái đất, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới đã có diện tích lên đến gần 44 triệu km2.

Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2016 diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn quốc của Việt Nam (phần đất liền) là 1.307.000 ha chiếm khoảng 4,0% diện tích, diện tích đất có dấu hiệu bị suy thoái là 2.398.200 ha chiếm khoảng 7,3% diện tích tự nhiên và diện tích đất có nguy cơ bị suy thoái là 6.695.000 ha chiếm khoảng 20,3% diện tích.

Đây là con số đáng báo động, bởi với hơn 10 triệu ha đất có dấu hiệu bị suy thoái và nguy cơ bị suy thoái này chiếm đến 31% diện tích lãnh thổ trên đất liền Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, số diện tích này sẽ mất đi từng phần hoặc toàn bộ tính năng sản xuất của đất.

{keywords}
Diện tích đất có nguy cơ bị suy thoái ở nước ta lên tới hơn 10 triệu ha (ảnh minh hoạ)

Tại buổi mít tinh và phát động trồng cây tại Trường Đại học Lâm nghiệp nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và kỷ niệm 25 năm thành lập Công ước Chống sa mạc hóa (UNCCD, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, việc phát triển lâm nghiệp bền vững là giải pháp căn bản, hiệu quả để thực hiện Kế hoạnh hành động chống sa mạc hóa của Việt Nam trong việc ngăn chặn suy thoái đất, chống sa mạc hóa, đặc biệt đối với các vùng trọng điểm.

Theo đó, ông Tuấn đề nghị toàn ngành, người dân và cộng đồng cần quan tâm hơn nữa đến công tác trồng cây, trồng rừng; cần trồng nhiều cây, nhiều rừng, hăng hái tham gia bảo vệ rừng; quyết tâm đưa ngành lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng có nhiều đóng góp cho đất nước trong giai đoạn tới.

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,65%, tăng 0,2% so với năm 2017, đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển KTXH năm 2018.

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2018 đạt 27,5 triệu m3. Trong đó, rừng trồng tập trung đạt 18,5 triệu m3, tăng 3% so với năm 2017; cây phân tán và cây cao su đạt khoảng 9 triệu m3, đáp ứng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Nhờ đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 9,382 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2017, giá trị xuất siêu của lâm sản chính đạt 7,067 tỷ USD.

B.H