- Trong thâm tâm nhiều người hôm nay có lẽ vẫn đang có một dấu hỏi lớn, lý do thực sự nào khiến trước giờ G, mùa thu năm 1999, việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) lại bị hoãn lại?

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công. 

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước. 

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Khoảng lặng... 11 tháng

Những ai quan tâm theo sát quan hệ Việt - Mỹ đều biết về khoảng lặng ấy, kéo dài 11 tháng.

Nước Mỹ muốn Hiệp định BTA được ký kết tại Aukland, New Zealand vào một ngày đầu tháng 9/1999, nhân dịp Hội nghị APEC. Bởi lẽ, cả Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton đều có mặt tại sự kiện này. Lễ ký kết nếu diễn ra sẽ là trong sự chứng kiến của bạn bè thế giới. Để sau đó, tháng 11, Quốc hội Mỹ sẽ họp và phê chuẩn BTA. Tổng thống Bill Clinton sẽ đến Việt Nam trong chuyến công du châu Á trên cương vị đã là một đối tác kinh tế của Việt Nam.

Thế nhưng...!

Lúc bấy giờ, ở Hà Nội, vào đêm hôm trước của ngày dự kiến ký kết BTA, doanh nghiệp hai nước Việt - Mỹ và rất nhiều doanh nghiệp nước khác đã hồ hởi kéo nhau đến khách sạn Melia. Họ ngồi chờ trong niềm háo hức tột độ, sẵn sàng chỉ cần bên kia điện về báo tin, ở đây, tất cả sẽ cùng nổ sâm banh ăn mừng!

{keywords}

Trưởng đoàn đàm phán BTA Trần Đình Lương và ông Joe Damond Trưởng đoàn đàm phán phía Hoa Kỳ trong ngày gặp lại ở Hà Nội năm 2011.

Nhưng rồi, chẳng có điều gì xảy ra.

Đêm thu đã buông màn, đồng hồ đã điểm 12 giờ, gương mặt những vị doanh nhân cứ ngồi đó thẫn thờ, rũ ra và cho đến sáng hôm sau, vẫn không có lễ ký kết nào được báo về.

Sáng hôm sau, bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ đến văn phòng làm việc của bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), với dáng vẻ thất vọng: "Lan ơi, tại sao lại thế này?".

"Chị đưa cho tôi một tập ảnh chụp các vị doanh nhân hai nước, mỗi người một vẻ, chờ đợi mệt phờ đến nỗi ngủ gật ở khách sạn Melia. Có một không khí chán chường lộ rõ", bà Phạm Chi Lan nhớ lại.

Tại thời điểm đó, phía Việt Nam đề nghị tạm hoãn lại.

Bà Lan nhìn nhận: "Đó là kỷ niệm rất đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp hai nước về một hiệp định thương mại mà không bao giờ thấy ở các hiệp định khác".

Và mảnh ghép cuối

Gạt qua những ám ảnh quá khứ, 5 năm và 11 vòng đàm phán, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau kiếm tìm, gọt giũa và tỉ mẩn lắp ghép từng mảnh nhỏ của niềm tin, hi vọng để tạo nên một bức tranh BTA đẹp. Sau bình thường hoá quan hệ ngoại giao, BTA là chứng thư lịch sử cho bình thường hoá quan hệ về kinh tế giữa hai nước.

{keywords}

Sau bình thường hoá quan hệ ngoại giao, BTA là chứng thư lịch sử cho bình thường hoá quan hệ về kinh tế giữa hai nước.

Thế nhưng, vào phút chót, mảnh cuối cùng, rất nhỏ thôi, ghép mãi không vừa.

Khoảng lặng 11 tháng tưởng là không cần thiết và với nhiều người, vẫn có sự nuối tiếc. Nhưng kỳ thực, đó là khoảng thời gian rất quan trọng để cho cả hai cùng nhau chỉnh sửa lại cạnh viền cho thẳng mịn, loại bỏ hoàn toàn những vết nhám xấu xí trên miếng ghép cuối cùng cho sáng đẹp. Mọi tồn đọng còn lại trong cuộc đàm phán đều đã được giải quyết.

Và mùa hè năm 2000, ngày 13/7, bức tranh BTA đã được hoàn tất.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA, bảo: "Ngày ấy, vết thương quá khứ ở ta vẫn còn nặng nề lắm". Vì thế, ông coi việc chưa ký kết BTA chỉ là "cơ duyên chưa đến với dân tộc Việt Nam".

BTA - đó là cái bắt tay giữa hai thể chế chính trị và thể chế kinh tế hoàn toàn khác biệt nhau.

Phải chăng, vì con đường đi quá gian nan đó mà BTA được coi như một cuộc đấu trí căng thẳng nhất trong lịch sử đàm phán kinh tế của Việt Nam. Đó là cái bắt tay đầu tiên giữa một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Khi tất cả đều nghĩ đến lợi ích quốc gia thì hố sâu thăm thẳm đó cũng đều có thể vượt qua. Như Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói, chúng ta không thể sửa được quá khứ nhưng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng được tương lai mới.

Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) ký ngày 13/7/2000, là thoả thuận thương mại thứ hai sau Thoả thuận gia nhập khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Với BTA, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra các cam kết có ý nghĩa mở cửa thị trường, dịch vụ, đầu tư, trong đó, có các cam kết quan trọng về dịch vụ.

BTA cũng là thoả thuận thương mại đầu tiên thực sự giúp một số ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam vượt qua giới hạn của sức mua nội địa, dựa vào thị trường ngoài để phát triển.

Phạm Huyền

(còn nữa)