Ngày 6/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo điện tử VietNamNet, tổ chức Lễ công bố Top 500 DN đạt lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019.

Lợi nhuận tăng

Những DN được vinh danh trong buổi lễ đã đạt được kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, có khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng trở thành cột trụ cho sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

{keywords}
 

Trong bảng xếp hạng Profit500 năm nay, dẫn đầu về số lượng DN vẫn thuộc về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành thực phẩm đồ uống (11%), ngành tài chính (10,8%), ngành điện (8,6%) chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại.

Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của DN trong Bảng xếp hạng Profit500, có thể thấy, lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của các DN Profit500 khoảng 11,9%, tăng so với 11% năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các DN Profit500 đang được cải thiện trong thời gian qua. Còn lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các DN Profit500 năm nay cũng tăng lên 20,9% (so với mức 19% năm 2018), cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các DN có chiều hướng tốt hơn.

Những DN dẫn đầu bảng xếp hạng Profit500 năm nay có thể kể đến là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH SamSung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty ô tô Trường Hải, Công ty CP tập đoàn Hòa Phát,...

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet, đánh giá cao những nỗ lực của các DN Việt Nam trong năm qua. Mặc dù tình hình kinh tế có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cũng như cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng các DN đã phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, vượt qua những khó khăn thách thức, để đạt được thành công lớn. Các DN đạt lợi nhuận cao, thuộc Top 500 xứng đáng được tôn vinh và ghi nhận về những đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

{keywords}
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet.

Môi trường kinh doanh thuận lợi

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, niềm tin về môi trường kinh doanh của các DN tăng lên. Phần lớn các DN cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh 3 quý đầu năm 2019 tăng trưởng tốt, doanh thu và lợi nhuận cao. Môi trường đầu tư khá thuận lợi, khả năng tiếp cận vốn và hệ thống thuế đã được cải thiện rõ rệt. Có 85% số DN tham gia khảo sát đánh giá ở mức tốt và rất tốt. Những vấn đề về môi trường lý và hiệu quả của dịch vụ hành chính, cũng được các DN đánh giá tốt hơn so với 2018.

Tăng trưởng doanh thu bán hàng tiếp tục được các DN coi là chiến lược chủ chốt để tăng lợi nhuận trong năm nay. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao đã chiếm vị trí thứ 2, thay thế cho việc cắt giảm chi phí hoạt động tại các DN. Ghi nhận của Vietnam Report cho thấy có 78,7% số DN có kế hoạch áp dụng công nghệ mới với mục đích iết kiệm chi phí tăng hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều DN đã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững. Mục tiêu trong 12 tháng tới của các DN là tăng năng suất lao động và tìm kếm nhóm khách hàng mới, phát triển sản phẩm mới, qua đó mở rộng thị trường.

{keywords}
 

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã tạo ra cơ hội và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN. Nhiều DN đã có những chiến lược phát triển bền vững và qua đó giúp tăng trưởng cao hơn.

Những rào cản

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản chưa thể gỡ bỏ hết. Thủ tục hành chính phức tạp là rào cản lớn nhất với các DN hiện nay. Dù đã có nhiều cải thiện nhưng có tới 55,6% số DN tham gia khảo sát phản hồi thủ tục hành chính là thách thức lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh năm 2019. Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, thiếu minh bạch, thái độ của công chức chưa đúng mực, thiếu khách quan... khiến DN tốn chi phí, gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Đến nay, DN vẫn phải vất vả với các cơ quan công quyền về thủ tục hành chính. Không những thế, chính sách vẫn thay đổi đột ngột gây bất lợi cho DN. Khuôn khổ pháp lý cho mô hình kinh doanh mới còn bị động, lúng túng, chi phí tuân thủ pháp luật cao khiến cho DN mất lợi thế cạnh tranh.

{keywords}
 

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cao khiến DN thêm gánh nặng. Từ đầu năm 2019 đến nay các ngân hàng liên tục đẩy cao lãi suất huy động lên cao, dẫn đến lãi suất cho vay duy trì ở mức cao, đã làm chi phí hoạt động của DN tăng, giá sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của nhiều DN.

Nỗi lo tăng gánh nặng thuế phí cũng được 39,7% số DN tham gia khảo sát nêu ra. Các đề xuất chính sách thuế đưa ra trong thời gian gần đây phần lớn là tăng thu, như tăng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu,... Gánh nặng thuế sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành sản xuất.

Các DN mong muốn Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch thông thoáng, giúp DN dễ hoạt động. Cùng với đó giảm thuế và giảm lãi suất tín dụng tạo điều kiện cho DN phát triển trong thời gian tới.

Trần Thủy