Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết 30.000 tỷ, nhưng tối đa là 36 tháng (tức đến 1/6/2016). Phần dư nợ giải ngân từ 1/6/2016 trở về trước vẫn được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong vòng 15 năm.

Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay bất động sản, trước sự bất ngờ và lo lắng của một số khách hàng khi biết số tiền giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ chịu lãi suất vay thương mại, Vụ Tín dụng CNKT (Ngân hàng Nhà nước) vừa chính thức có văn bản giải đáp.

Cụ thể, về nỗi lo “số tiền giải ngân sau 1/6/2016 sẽ chịu lãi suất vay thương mại”, đại diện Vụ Tín dụng cho hay, trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng.

Vì thế, thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được NHNN tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

{keywords} 

Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định, NHNN thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này. Việc giải ngân cho vay kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/06/2013).

Trên thực tế, trong quá trình triển khai, cơ quan này đã nhiều lần truyền thông về gói tín dụng 30.000 tỷ, trong đó có thời hạn kết thúc giải ngân, thời hạn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi để khách hàng được biết.

Về thông tin cho rằng, khách hàng vay vốn gói 30.000 tỷ chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường, Vụ Tín dụng khẳng định, theo quy định, đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm).

Còn một số khách hàng vay vốn, mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, thì các ngân hàng tham gia chương trình cần có trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất,… vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng.

Trong trường hợp hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý.

Ngọc Hà