Những ngày đầu năm, khi mọi người nô nức vui Xuân, tòa soạn nhận được lá đơn rất dài, cùng bộ hồ sơ hàng trăm trang giấy. Trong lá đơn 4 trang giấy, là câu chuyện buồn của cô gái trẻ: "Cha con em sắp phải ra đường ở".

Người gởi đơn cầu cứu là chị Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1987, ngụ đường 4, tổ 4, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM).

"Vòng luẩn quẩn" vay nặng lãi

Trong đơn, chị Hương trình bày, khoảng cuối năm 2004, cha của chị là ông Nguyễn Văn Mau (SN 1943, chạy xe ôm) thường xuyên chở một phụ nữ là chị Lê Thị Hồng đi lấy thuốc Tây về bán. Ông Mau thấy người phụ nữ này thường xuyên bị nhóm côn đồ đến quậy phá, chửi bới, đòi tiền. Là chỗ thân tình, Hồng kể chị đang thiếu của người ta 20 triệu đồng với lãi suất "cắt cổ" 30%/ tháng.

Người phụ nữ này than thở khổ sở, năn nỉ người lái xe ôm già cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay tiền ngân hàng. Ban đầu ông Mau không đồng ý vì sợ "vạ lây". Tuy nhiên chị Hồng thuyết phục "lãi hàng tháng 30% mới không trả được, chứ lãi 1 - 2% thì "dư xăng"", vốn dĩ trước đây Hồng cũng nhiều lần giúp đỡ hai cha con ông Mau, nên nể tình, người đàn ông đồng ý cho người mượn sổ.

{keywords} 

Do già cả (thời điểm đó ông Mau đã hơn 70 tuổi), bản thân con gái ông là chị Hương lúc đó mới 13 tuổi, nên ông Mau giao cho chị Hồng mang sổ đỏ của gia đình đi vay tiền.

Ban đầu để trả số nợ 20 triệu đồng, Hồng cầm sổ đỏ trên vay 50 triệu với lãi suất là 10%, dịch vụ là 10%. Lấy trước lãi trước một tháng, nên thực chất Hồng chỉ cầm về được 40 triệu. Sau đó mỗi tháng phải đóng tiền lãi 5 triệu đồng.

Với lãi quá cao như vậy, nên chỉ sau vài tháng, Hồng lại phải liên lạc với một công ty TNHH chuyên làm dịch vụ thế chấp sổ để vay ngân hàng, tiếp tục vay tiền. Lần này Hồng vay 70 triệu đồng với mục đích để trả lãi số nợ 50 triệu đồng mà Hồng đang nợ. Phía công ty này cũng hứa hẹn, trong 30 ngày sẽ vay được tiền. Tuy nhiên 30 ngày trôi qua, phía công ty vẫn "án binh bất động". Khoản nợ 50 triệu chỉ trong vài tháng đã lên tới 70 triệu, cha con ông Mau trong lòng nóng như lửa đốt. Lúc này phía công ty dịch vụ yêu cầu cha con ông Mau phải có bản vẽ và xin giấy phép xây dựng thì họ mới vay được tiền.

Phía công ty dịch vụ này còn ''mớm" cho khách, thay vì vay tiền của ngân hàng lãi suất cao thì chuyển sang “cắm" sổ đỏ ở hiệu cầm đồ "lãi suất thấp", vậy là sổ đỏ của gia đình ông Mau được chuyển đến cắm ở tiệm cầm đồ để vay 120 triệu (dịch vụ 10%, lãi suất 10% trên tháng). Sau khi hoàn tất thủ tục, thì Hồng lấy về được 70 triệu để trả nợ. Còn lại 50 triệu đồng, phía công ty trừ hết vào: Chi phí dịch vụ cho vay, lãi, phí làm bản vẽ, phí xin giấy phép xây dựng .... vậy là với mục đích trả số nợ 20 triệu đồng của Hồng, sau 2 - 3 vòng vay nặng lãi thì số nợ đã lên tới 120 triệu.

Tiếp tục "mắc bẫy"?

Thời gian này, Lê Thị Hồng lại đưa đến nhà ông Mau một người đàn ông tên là Lưu Văn Kiện. Hồng giới thiệu người đàn ông này "chuyên làm dịch vụ cầm sổ đỏ vay ngân hàng". Kiện "tự quảng cáo": "Tôi quen rất nhiều lãnh đạo trong ngân hàng, nên chỉ cần nói 1 tiếng là tuần sau sẽ có tiền giải ngân". Lần này, Hồng lại đề nghị cha con ông Mau cầm sổ đỏ vay số tiền 400 triệu đồng (lãi suất 5%/ tháng, phí dịch vụ là 10%).

Để đảm bảo, Lưu Văn Kiện yêu cầu cha con ông Mau phải viết giấy mua bán, ra phòng công chứng anh ta mới giao tiền. Kiện giải thích "đó chỉ là thủ tục, cho chắc chắn chứ không phải mua bán thật". Tin tưởng, cha con ông Mau đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên thửa đất diện tích 198,8m2 cho Kiện.

Khi thủ tục xong xuôi, cầm số tiền vay được thì Hồng đột ngột... chuyển nhà. Cha con ông Mau phải tìm kiếm Hồng khắp nơi. Cho rằng mình bị Hồng và Kiện lừa, tháng 7/2006, ông Mau đã làm đơn tố cáo Hồng và Kiện gửi UBND phường Tăng Nhơn Phú B. Tháng 10/2006, phường mời các bên lên hòa giải nhưng không thành. Đầu năm 2007, cha con ông Mau phát hiện Kiện đã tự ý chuyển sổ đỏ sang tên anh ta. Từ giấy chứng nhận mang tên mình, Kiện làm đơn xin UBND phường xác nhận căn nhà trên không có tranh chấp, không nằm trong khu quy hoạch... để vay số tiền 1,4 tỷ đồng từ ngân hàng.

Phát hiện sự việc, cha con ông Mau gửi đơn khiếu nại khắp nơi, UBND phường lại mời hai bên lên hòa giải. Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng Kiện chấp nhận thỏa thuận: Hồng trả anh ta số tiền đã vay là 400 triệu đồng, thì Kiện sẽ sang tên sổ đỏ lại cho cha con ông Mau. Điều đặc biệt là trong những lần hòa giải trên, Kiện đều đi cùng 1 người phụ nữ. Anh ta giới thiệu người này là chị gái của mình. Kiện để người này đại diện thay mình thương lượng, cũng như giao dịch với Hồng để nhận lại số tiền 500 triệu đồng (400 triệu tiền vay và 100 triệu tiền lãi).

Tin tưởng Kiện, Hồng đã chuyển tổng cộng 440 triệu đồng cho người "chị gái" của anh ta. Chị Hồng hẹn Kiện ra phòng công chứng sẽ giao nốt số tiền 60 triệu đồng còn lại để anh ta làm thủ tục sang lại tên sổ đỏ cho cha con ông Mau. Tuy nhiên, Kiện lấy cớ này nọ, không chịu đến phòng công chứng.

Cuối cùng, cha con ông Mau làm đơn khởi kiện ông Kiện đòi lại nhà. Lúc này, Kiện cho rằng anh ta không quen biết người phụ nữ đã nhận số tiền 440 triệu. Đồng thời Kiện đưa ra hợp đồng mua bán nhà mà trước đây anh ta nói chỉ là "thủ tục", để buộc cha con ông Mau phải giao nhà.

Nguy cơ mất nhà

Trước tình thế trên, để đảm bảo Kiện không bán ngôi nhà, ngày 17/9/2012 cha con ông Mau đã làm đơn xin ngăn chặn sang tên gửi lên phòng Tài nguyên Môi trường quận. Hai năm sau, vào tháng 12/2014 ông Mau mới nhận được thư mời lên giải quyết việc đơn ngăn chặn mà ông đã gửi.

Theo Phòng Tài nguyên Môi trường, đầu tháng 12/2014, một cá nhân đã đến nộp hồ sơ đăng bộ chuyển nhượng căn nhà trên từ việc mua bán với Kiện. Ngoài ra Phòng Tài nguyên cũng thông báo mình không có thẩm quyền ngăn chặn mà phải do tòa án quyết định. Trong thời hạn 10 ngày, nếu không nhận được thông báo ngăn chặn từ tòa án, phòng sẽ sang tên sổ đỏ cho người mua mới, đúng thủ tục.

Nhận được tin "như sét đánh ngang tai" ông Mau lật đật chạy lên tòa án quận 9 nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm mọi chuyển dịch về tài sản đang tranh chấp, là ngôi nhà mà hiện thời hai cha con ông Mau đã ở. Phía tòa án yêu cầu ông Mau phải làm đơn xin thẩm định giá ngôi nhà trên và phải gửi 200 triệu đồng vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chi nhánh quận 9. Thời gian thực hiện việc gởi tài sản đảm bảo là 2 ngày, kể từ ngày 12/1/2015.

Đường cùng, cô gái trẻ cầu cứu đến báo chí. Chị Hương buồn rầu: "Mẹ em mất khi em còn nhỏ, cha em chạy xe ôm nuôi con. Hiện em đã đi làm công nhân nhưng lương chỉ được 3 - 4 triệu/ tháng. Cha em nay đã 82 tuổi, nên bữa có khách thuê bữa không. Số tiền 200 triệu đồng là quá lớn đối với cha con em. Giờ đến nước đường cùng, cha con em cũng không biết phải trông cậy vào đâu", cô gái trẻ thở dài: "Chỉ vì thiếu hiểu biết, có thể cha con sẽ mất trắng ngôi nhà, dắt nhau ra đường ở".

Nhận xét về vụ việc này, Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho biết: Nếu sự thật đúng như những gì người tố cáo nêu, Toà án sẽ tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Mau và Kiện là vô hiệu. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét dấu hiệu hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản. Lý do:

Thứ nhất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Mau và Kiện là vô hiệu do giả tạo. Điều 129 Bộ luật Dân sự quy định: "Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này". Ở đây, hợp đồng chuyển nhượng đất bị coi là giả tạo vì nhằm che giấu giao dịch vay tiền. Khi Toà án tuyên hợp đồng vô hiệu thì nhà và đất mà Kiện có được từ hợp đồng này sẽ phải trả lại cho ông Mau.

Thứ hai, Toà cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Kiện đã giới thiệu một phụ nữ là chị gái của mình đứng ra thương lượng, giao dịch để nhận số tiền 440 triệu. Sau đó, Kiện bỗng cho rằng anh ta không quen biết người phụ nữ đã nhận số tiền 440 triệu này. Do đó, cần phải làm rõ có hay việc Kiện đã cấu kết với người phụ nữ kia với mục đích lừa nạn nhân giao hơn 400 triệu để chiếm đoạt.

(Theo Xa lộ Pháp luật)