Những vật thể lạ xuất hiện ngày một nhiều hơn trong sản phẩm của các công ty thực phẩm tên tuổi dường như cũng đồng nghĩa với những câu nói "phân trần" của các công ty này ngày càng gây sốc hơn đối với người tiêu dùng và cả xã hội.

2 mảnh thủy tinh vỡ của Coca-Cola

Ngày 5/10/2011, chị Nguyễn Thị Bình Minh (Từ Liêm, Hà Nội) mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của Hãng Coca-Cola và phát hiện có một chai còn nguyên nắp chứa rất nhiều tạp chất và đặc biệt có hai mảnh thủy tinh vỡ bên trong.

Sau đó đại diện khách hàng đã phản ánh và yêu cầu Coca-Cola Việt Nam phải có các biện pháp xử lý đối với sản phẩm lỗi cũng như khắc phục hậu quả đối với chị Minh. Tuy nhiên công ty Coca-Cola Việt Nam đã không thể hiện sự hợp tác để giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

{keywords}

Mảnh thủy tinh vỡ bên trong chai nước cam ép Splash của Hãng Coca-Cola

Mặt khác, Giám đốc Truyền thông của Coca-Cola tại thời điểm đó là ông Vương Đình Hùng lại vẫn một mực khẳng định trước giới truyền thông rằng: “Công ty TNHH nước giải khát Coca - Cola Việt Nam luôn cam kết cho khách hàng và người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất được sản xuất theo quy định nghiêm ngặt về vệ sinh và an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

Đồng thời, chúng tôi luôn nghiêm túc tiếp nhận ý kiến đóng góp quý báu của khách hàng như một kênh để phục vụ người tiêu dùng ngày một tốt hơn”.

Ngoài ra công ty còn gửi tặng chị Minh 2 thùng nước uống trước Tết Nguyên đán nhưng do thấy việc làm này có "liên quan" tới vụ khiếu nại trên nên chị Minh đã thẳng thừng từ chối.

Đến ngày 12/1/2012 tức sau 4 tháng thương lượng giữa hai bên không có hiệu quả, chị Minh đã chính thức khởi kiện Coca-Cola Việt Nam tại TAND huyện Từ Liêm (Hà Nội), yêu cầu công ty phải hoàn trả một khoản tiền tương đương với tiền mua 01 chai nước cam ép Splash vào thời điểm hiện tại cũng như toàn bộ các chi phí phát sinh khác trong việc kiểm tra, kiểm định sản phẩm, đồng thời yêu cầu công ty phải xin lỗi người tiêu dùng một cách công khai trên báo chí. Đơn khởi kiện này đã được tòa ra quyết định thụ lý vào ngày 23/2/2012.

Vật thể lúc nhúc trong hộp sữa chua: Việc xét nghiệm là khách hàng "phải thực hiện"

Vào ngày 23/11/2012, chị L.T.B (phố Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua 2 vỉ sữa chua Petit nhập khẩu từ Đức và được tặng khuyến mãi thêm 1 vỉ. Tuy nhiên, ngay khi sử dụng chị đã phát hiện ra trong hộp sữa chua “có ít nhất 2 con nhỏ như đầu kim, màu đen, dài hình thoi và bò lúc nhúc như con giòi trong hộp sữa”. Đến ngày 24/11, sau khi chị B gọi điện tới phản ánh thì ông Lê Đức Tiệp – tự xưng là Phó Giám đốc của công ty đã đến gia đình chị tìm hiểu vụ việc.

{keywords}

2 vật thể nhỏ như đầu kim, màu đen, dài hình thoi và bò lúc nhúc như con giòi trong hộp sữa chua Petit


Tại đây, ông Tiệp đã xác nhận một hộp sữa gia đình chị B. cung cấp có chứa "vật thể lạ" và tự tay bóc thêm những hộp khác trong số hộp chị B mua để kiểm tra. Trong số này còn có thêm 1 hộp cũng có "vật thể lạ" tương tự, tuy nhiên ông Tiệp cho rằng: “Loại sữa này khó tính, đòi hỏi phải có chế độ bảo quản tốt. Nhưng việc xét nghiệm là gia đình phải thực hiện”.

Câu trả lời này đã khiến gia đình chị B bức xúc và cương quyết sẽ kiện công ty Lê Minh theo đúng luật nếu như phía công ty này không có câu trả lời thỏa đáng hơn. Người tiêu dùng lúc đó, đặc biệt là các bà mẹ chuyên mua các sản phẩm sữa nhập khẩu của công ty Lê Minh cũng bắt đầu cảm thấy hoang mang về chất lượng của các sản phẩm được nhập khẩu bởi công ty này.

Cuối cùng đến ngày 30/11, tức sau đúng 1 tuần xảy ra sự việc, phía công ty Lê Minh đã thừa nhận sự thiếu chuyên nghiệp, chậm trễ trong việc giải quyết sự cố về sản phẩm của mình và gửi lời xin lỗi đến gia đình chị B. Đồng thời, Công ty Lê Minh cũng cam kết hỗ trợ thiệt hại đến gia đình khách hàng.

Nước giải khát bốc mùi hôi thối: Nhà sản xuất nói "không vấn đề"

Ngày 29/4/2014, anh Dương Hiệp (Long Biên, Hà Nội) dừng chân tại một quán nước tại bến xe Giáp Bát và mua một số chai Nha đam loại 350ml được sản xuất tại Công ty Chế biến thực phẩm Quang Minh (GASACO).

Tuy nhiên, lúc anh Hiệp mở chai nước ra thì ngửi thấy có mùi lạ. Theo lời kể của anh Hiệp cùng sự chứng kiến của nhiều người xung quanh thì "phần đầu của chai nước có những vết gợn màu trắng đóng cục và bốc mùi hôi thối như nước cống”.

{keywords}

Chai Nha Đam có những vết gợn màu trắng đóng cục và bốc mùi hôi thối như nước cống

Do trên bao bì ghi rõ ngày sản xuất là 20/2/2014 và ngày hết hạn là 20/2/2015, anh Hiệp đã liên hệ tới nhà sản xuất để tìm câu trả lời. Một tiếng sau đó, anh Lưu Văn Mạnh – đại diện hãng GASACO đến và xác nhận sản phẩm trên chính là sản phẩm của công ty mình, đồng thời khẳng định nước có mùi hôi thối khác thường.

Sau đó ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phụ trách Kinh doanh công ty Quang Minh (GASACO) lúc bấy giờ đã phát biểu rằng chai nước có tình trạng trên “chỉ là lỗi do quá trình vận chuyển" bởi "nếu là lỗi sản phẩm thì sẽ lỗi cả một lô hàng, một hệ thống chứ không chỉ một chai. Bình thường nếu sản phẩm có lỗi thì sẽ đổi ngay cho khách hàng, chứ chẳng có vấn đề gì!”.

Hộp sữa Ba Vì còn hạn và câu trả lời mang tính chất "an toàn" cho nhà sản xuất

Sáng 8/9/2014, chị Phùng Thị Tuyết Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) có mua một hộp sữa Ba Vì và trong lúc uống ngửi thấy có mùi lạ, uống được một ít thì vòi hút sữa bị tắc lại. Chị Nhung liền kiểm tra thì tá hỏa khi phát hiện ra một “vật lạ” thể mềm và màu vàng đục ở bên trong hộp sữa, trong khi đó hạn sử dụng ghi trên hộp là đến ngày 2/10/2014.

Nhận được phản ánh của chị Nhung, phía công ty sữa Quốc tế sản xuất loại sữa này đã cử người đến xem xét nhưng sau đó những người này cũng bỏ về bởi lý do đây không phải là dòng sữa mà họ phụ trách. Phải đến gần 5 ngày sau mới có một người đại diện khác của công ty gọi điện thoại tới để hẹn gặp và gửi lời xin lỗi tới chị.

{keywords}

Chị Nhung phát hiện ra “vật lạ” thể mềm và màu vàng đục trong hộp sữa Ba Vì còn hạn sử dụng

Giải thích về hiện tượng "vật thể lạ" trong hộp sữa, ông Trương Ngọc Khánh - đại diện công ty sữa Quốc tế đã trả lời rằng: Trong quá trình sản xuất và lưu kho, toàn bộ sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, khi đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng mới xuất ra thị trường.

Trường hợp của chị Nhung gặp phải nguyên nhân trên có thể trong quá trình lưu thông, vận chuyển không được bảo quản theo đúng khuyến cáo hoặc bị va đập gây nên rạn nứt bao bì, làm cho vi sinh vật từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào làm hỏng sản phẩm.

Câu trả lời trên đã khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, liệu bất kỳ một sản phẩm bị lỗi nào trên thị trường cũng đều do quá trình vận chuyển thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những sản phẩm đó khi chúng đến tay người tiêu dùng?

Những câu trả lời chung chung đã không làm rõ được vấn đề mà chỉ mang tính chất đảm bảo "an toàn" cho nhà sản xuất, thậm chí nó còn trở thành một trong những câu trả lời phổ biến của các nhà sản xuất khác cho các vụ việc tương tự về sau.

Vụ mua con ruồi với giá nửa tỷ và câu nói "Ruồi đâu ra mà ruồi" của Tân Hiệp Phát

Ngày 3/12/2014, anh Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) đã phát hiện có một con ruồi ở trong chai nước ngọt Number One do Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất sau đó gọi điện tới công ty yêu cầu cử người đại diện xuống thương lượng.

Lúc đầu, anh Minh ra giá 1 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời in tờ rơi phát tán việc này. Sau 3 lần thương lượng, phía Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho anh Minh 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng.

{keywords}

Ông Phạm Lê Tấn Phong - Giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát: "Ruồi đâu ra mà ruồi?"

Ngày 27/1, nghĩ rằng vụ thương lượng kín đáo này sẽ diễn ra suôn sẻ thì bất ngờ anh Minh bị công an ập vào bắt quả tang khi đang nhận tiền của đại diện Tân Hiệp Phát. Như vậy là Tân Hiệp Phát đã đồng ý thương lượng với anh Minh để đổi lại chai Number One với con ruồi đáng giá 500 triệu đồng ở bên trong, như vậy mới đi đến cuộc gặp gỡ để trao đổi.

Tuy nhiên đến lúc trả lời báo giới, ông Phạm Lê Tấn Phong - Giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát lại khẳng định rằng: Dây chuyền máy móc công nghệ của công ty rất hiện đại, không bao giờ xảy ra những sự cố như vậy. Hiện giờ cơ quan điều tra cũng đang trong quá trình thẩm vấn, lấy lời khai và vẫn chưa xác định được chai nước có ruồi trong đó là thật hay là do người ta ngụy tạo."

Chưa kể ông Phong còn "tiện thể" nhấn mạnh thêm một lần nữa: "Tôi chỉ muốn các bạn hiểu rằng, chúng tôi là doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam với hệ thống và quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn, tiêu chuẩn quốc tế. Thế thì ruồi ở đâu ra mà ruồi?"

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu như đúng là có chuyện phía Tân Hiệp Phát thỏa thuận để đổi lấy sự im lặng về chai nước nước có ruồi thì điều đó là điều rất đáng lo ngại, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào sản phẩm của Tân Hiệp Phát.

Như vậy, chính hành động của Tân Hiệp Phát đã mâu thuẫn với ngay câu nói "Ruồi đâu ra mà ruồi" của Giám đốc Đối ngoại Phạm Lê Tấn Phong mà chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể thấy rõ.

(Theo VTC News)