Sẵn nguồn cung 4,6 triệu tấn

Ông Nguyễn Ngọc Thạch -Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 (Bộ NN-PTNT), cho biết, vụ đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Riêng năm 2020, các tỉnh phía Bắc đã gieo trồng gần 375 nghìn ha, tổng giá trị đạt khoảng 32.600 nghìn tỷ đồng. Trong đó khu vực Đồng bằng Sông Hồng chiếm tới khoảng 160 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng trên 1,88 triệu tấn với tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Năm nay, theo kế hoạch, vụ đông miền Bắc sẽ thực hiện gieo trồng diện tích khoảng 400 nghìn ha, sản lượng ước khoảng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34.000-35.000 tỷ đồng, trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Ngọc, từ thực tiễn yêu cầu hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản cũng như nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã tổ chức nhiều phiên Diễn đàn kết nối với các địa phương, vùng miền trên cả nước.

{keywords}
Sản lượng cây trồng vụ đông tại phía Bắc ước khoảng 4,6 triệu tấn (ảnh: N.Thanh)

Với chủ đề “kết nối tiêu thụ rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”, mục tiêu của diễn đàn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội, TP HCM và các địa phương trên cả nước.

“Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ đông ở tỉnh này là hơn 5.000 ha, trong đó rau đậu các loại chiếm hơn 3.000 ha. Dự kiến giữa tháng 12/2021 đến hết tháng 2 năm 2022 là thời điểm thu hoạch tập trung.

“Một số sản phẩm rau vụ đông sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất tập trung, có sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ như bí xanh, dưa chuột, cà chua, su hào, bắp cải, khoai tây, nấm các loại”. Bà Lan Anh nói và khẳng định, nông sản Ninh Bình có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.

Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam cũng thông tin về việc tỉnh này đã chuyển từng bước sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, Hà Nam đã chuẩn bị tích tụ đất đai, tạo ra các vùng nguyên liệu lớn để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Hiện Hà Nam phát triển mạnh cây vụ đông, bởi vụ sản xuất này đem lại nguồn lợi cao cho người dân. Với năm 2021, điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Tổng diện tích cây vụ đông gần 10.000 ha, trong đó rau, củ, quả là trên 4.500 ha, sản lượng dự kiến 100.000 tấn. Sản phẩm chính của tỉnh là dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ…

“Đây đều là những sản phẩm đã được tỉnh liên kết theo chuỗi với nhiều doanh nghiệp lớn”. Ông Ngọc nói và mong các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, hệ thống cửa hàng nông sản an toàn tại Hà Nội và các tỉnh quan tâm, kết nối thu mua nông sản thực phẩm sản xuất từ Hà Nam.

Với nguồn cung nông sản vụ đông dồi dào, các địa phương khác tại khu vực miền Bắc cũng mong muốn được kết nối tiêu thụ nông sản, liên kết với hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng để phát triển bền vững hơn.

Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh sơ chế đóng gói để xuất khẩu

Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Nutrimart cho rằng, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít. Do đó, các địa phương cần đầu tư hơn và sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua.

“Chúng ta phải hướng đến chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu. Các địa phương hiện nay có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến lại đang kém, chưa theo kịp năng lực sản xuất”, bà nhấn mạnh và khẳng định, để đưa hàng hóa lên các quầy kệ trong siêu thị hoặc xuất khẩu, thì việc tăng cường sơ chế, chế biến là không thể chậm trễ.

{keywords}
Các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ, song yêu cầu chất lượng rau quả phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn (ảnh: N.Thanh)

Theo bà Hằng, các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, Nutrimart cam kết sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ở vai trò của nhà phân phối, ông Lê Văn Liêm – Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op đưa ra 4 yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản. Cụ thể, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.

Cùng với đó là áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi; có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Saigon Co.op sẽ kết nối với các địa phương để xây dựng các điểm bán lẻ, xây dựng vùng nguyên liệu, ông cho hay.

Tại diễn đàn kết nối, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đặt vấn đề về tiêu thụ nông sản, làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng.

Để giải quyết vấn đề này, ông yêu cầu xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

“Cung ứng nông sản vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Tôi đề nghị chúng ta nên lưu ý kết nối doanh nghiệp cung ứng thực phẩm. Nhu cầu về nguồn thực phẩm rất lớn. Ở đây còn có các doanh nghiệp logistics, chúng ra nhiệt tình tham gia. Đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nông sản nên liên hệ với các đơn vị như Co.op Mart, BigC trao đổi thông tin”, ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nam cũng cho biết, Bộ NN-PTNT đang triển khai các chương trình liên quan về nông sản hữu cơ. Nhu cầu về sản phẩm này sẽ tăng, Bộ đang nghiên cứu thêm các tiêu chuẩn, rất mong các doanh nghiệp tham gia.

Hà Giang