Trước năm 2010 Vinaxuki từng được đánh giá cao khi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe tải nhỏ, điều gì đã khiến Vinaxuki trở nên “bết bát” phải bán nhà máy để trả nợ?

Mới đây, CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) gửi văn bản tới một số ngân hàng và các chủ nợ về việc công ty sẽ phải bán nhà máy sản xuất ô tô tại Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ. Trong khi tất cả các tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho các ngân hàng và tổ chức, cá nhân.

Mặc dù thông tin về nợ của Vinaxuki chưa được công bố cụ thể cho đến thời điểm hiện tại nhưng tính đến hết năm 2012 dư nợ cả gốc và lãi của Vinaxuki tại các ngân hàng là khoảng 1.374 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014 vừa qua tổng nợ đã lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội tính đến ngày 30/6 vừa qua Vinaxuki cũng đã nợ 17,7 tỷ đồng tiền thuế.

{keywords}

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội).

Số liệu đưa ra vào đầu tháng 5/2015 từ Thanh tra Hà Nội cũng cho biết Vinaxuki nợ 9,8 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo đó Thanh tra TP Hà Nội đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội làm các thủ tục khởi kiện Vinaxuki về hành vi chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với số tiền lớn, thời gian kéo dài.

Vinaxuki “bết bát” do đâu?

Vinaxuki từng được một số ngân hàng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của công ty trong lĩnh vực sản xuất xe tải nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn 2003-2010.

Tuy nhiên, lý do khiến hàng loạt ngân hàng từ chối “rót vốn” tiếp cho Vinaxuki là do doanh nghiệp này tiến hành đầu tư sang sản xuất xe tải nặng và khai thác mỏ. Vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực của công ty không đủ nên Vinaxuki bị mất cân đối tài chính.

Cùng thời điểm các ngân hàng trả lời lý do không rót vốn cho Vinaxuki, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, Vinaxuki là doanh nghiệp tư doanh, các cổ đông là thành viên của gia đình, phương án chiến lược phát triển không do Bộ Công thương phê duyệt do đó doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.

{keywords}

Nhà máy sản xuất ô tô tại Mê Linh (Hà Nội) hoạt động cầm chừng trong một thời gian dài.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cho vay vốn tự thẩm định và tự chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định cho vay.

Trong khi đó, từng chia sẻ với BizLIVE, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki lại cho biết, tài sản của ông vẫn đủ để thế chấp, thậm chí năm 2013-2014 tài sản được kiểm toán định giá với giá trị gấp 2,5 lần vốn nhưng ngân hàng vẫn không cho vay.

Ông Huyên cũng chia sẻ, Bộ Công thương có nhiều đề nghị liên quan đến phát triển ngành sản xuất ô tô như hỗ trợ vốn với lãi suất bằng 0, tạo điều kiện để có công nghệ nhưng nhiều đề xuất bị “tắc” khi sang Bộ Tài chính.

Ông Huyên cũng cho rằng, các chính sách đang ưu đãi cho doanh nghiệp lắp ráp và "bỏ rơi” doanh nghiệp đầu tư sản xuất như Vinaxuki, việc Vinaxuki thất bại nguyên nhân một phần do đã đầu tư mạnh cho việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vinaxuki, từ năm 2006-2009 Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất 1 chủng loại thùng xe tải không đòi hỏi công nghệ cao nên lợi nhuận rất cao.

Tuy nhiên, ông quan điểm về lâu dài lắp ráp sẽ phụ thuộc vào nước ngoài do đó nhờ các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển của Chính phủ như Chương trình cơ khí trọng điểm, đầu tư công nghệ cạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ… Vinaxuki đã đầu tư cho dự án sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

Vinaxuki đã đổ hơn 600 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích luỹ để đầu tư luyện kim, đúc khôi, sản xuất khuôn mẫu… Và lên kế hoạch đến năm 2018 sản phẩm sẽ cạnh tranh với các dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn, xe con thông thường của các sản phẩm đã có thương hiệu.

Song kế hoạch trên đã bị “phá sản”. Sau nhiều lần rậm rịch, Vinaxuki đã chính thức thông báo việc bán nhà máy tại Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ.

Hiện, trên website chính thức của Vinaxuki (Vinaxuki.vn) trong phần tin tức gần đây nhất được đăng tải là thông tin về tăng giá xe được áp dụng từ 1/4/2010, cách đây hơn 4 năm.

Theo đó tại thông báo này, đại diện của Vinaxuki là Phó Giám đốc Bùi Thanh Xuân cho biết, từ tháng 9/2009 đến tháng 4/2010 Vinaxuki phải gánh thêm chi phí vật tư đầu vào tăng 10%, tỷ giá USD/VND tăng 9% kéo theo giá thành sản xuất xe tăng trung bình 19%. Vì vậy để đảm bảo cho Công ty kinh doanh không bị thua lỗ, bù đắp một phần chi phí đầu vào đã tăng Công ty quyết định điều chỉnh giá bán một số loại xe ô tô tải, xe ben, xe tải ben và xe con 5 chỗ.

(Theo BizLive)