Khi nhận lương, chia đều ra làm các khoản cho vào từng phong bì khác nhau, trong đó có một phong bì để dành cho tương lai. Tháng này qua tháng khác, năm qua năm, bạn sẽ để dành được một khoản đáng kể.

Chia sẻ về kinh nghiệm tiết kiệm của chị Phan Diệu Huyền, một giám đốc truyền thông sống tại TP.HCM, nhận được hàng trăm bình luận và gần 2.000 chia sẻ. VietNamNet xin trích dẫn lại một phần kinh nghiệm quý này để mọi người có thể xem xét áp dụng.

21 tuổi, chị Huyền bắt đầu ra trường. Công việc đầu tiên của chị là làm lễ tân cho khách sạn, với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng (cách đây 20 năm). Khi đó, chị đã chia ra các khoản chi: tiền nhà 400.000 đồng; tiền gửi cho em học 200.000 đồng; tiền ăn 400.000 đồng; tiền điện thoại và gửi xe 50.000 đồng. Còn lại 250.000 đồng và + tiền thưởng phục vụ (service charge) chị để dành và đi du lịch.

Nếu có sinh nhật chị chỉ gửi thiệp chúc mừng hay cuối tháng thì thường ăn mì tôm cầm hơi.

{keywords}
Phong bì tương lai giúp nhiều người tiết kiệm tiền

Nhưng khi đó, chị đã lên mục tiêu cho tương lai: Năm 25 tuổi lương 5 triệu, làm trợ lý giám đốc, đến Singapore và Malaysia, để dành được 20 triệu.

Chị Huyền bắt đầu dành dụm từ khi có tháng lương đầu tiên. Chị đi làm từ sáng sớm đến tối, rồi có đủ tiền vừa đi học vừa đi làm. Cuốn sổ của chị không ghi chi tiết thu chi mỗi ngày, nhưng rõ ràng cho mỗi khoản.

Cụ thể, ngày nào nhận lương là chị rút ra và tối đó đem về nhà trọ, ngồi chia đều ra 5 phong bì khác nhau: Nhà, Em, Ăn, Lặt vặt, Du lịch/Học và một phong bì màu hồng có chữ “dành cho tương lai”. Phong bì ấy đầy lên thì chị đổi qua USD. Dù thiếu thốn hay mê mệt cái gì, chị nhất quyết không đụng đến khoản này.

Hồi đó, chị bắt đầu để dành từ 250.000 đồng, rồi sau đó là 1 triệu, rồi dần dần 5 triệu, 10 triệu, có thời gian chuyển qua vàng nên để dành... 5 chỉ một tháng, sau này có thời gian giá vàng cao quá chị lại quay lại để dành tiền. Có thời gian sếp tăng lương, vậy là chị quyết tâm mỗi tháng để dành 70% thu nhập!! Giờ bình quân chị dành khoảng 40-60% thu nhập cho phong bì TƯƠNG LAI.

Đi làm 18 năm, kết quả là chị để dành đủ 215 tháng cho phong bì “tương lai”, trừ một tháng mới rút tiền về thì bị cướp mất luôn cả giỏ xách.

Có tiền, chị để mua “của để dành” như đất đai, nhà chung cư,... rồi lại bỏ vào cái này cái kia để có thêm tài sản để dành. Và tiền để dành lại sinh sôi thành tài sản.

{keywords}
Để dành tiền là việc làm không dễ với nhiều người (ảnh minh họa)

Chị Huyền cho rằng, chính cái phong bì be bé mỗi tháng và sự quyết tâm không bao giờ đụng vào tương lai ấy mà dù chỉ làm đúng hai công việc là Tiếp tân và sau này là Truyền thông, chỉ làm ở đúng 3 công ty và không làm thêm gì bên ngoài mà giờ đây, ở tuổi gần 40, chị có một số tiền đủ để cả gia đình sống ổn định trong nhiều năm tới.

Từ kinh nghiệm của mình, chị kết luận: “Một thói quen nhỏ đó thôi, một tháng nhận lương trích lại một số be bé cho vào phong bì cho tương lai, nếu bắt đầu từ sớm và có sự kiên định và cố gắng để mỗi tháng trước khi tiêu ngay tất cả tiền lương trong nháy mắt, làm được mười mấy năm là ta có rất nhiều vốn liếng, dù bạn kiếm được bao nhiêu đi nữa! Bởi vì thực sự dù có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, bạn có ai cho bạn bao nhiêu tiền đi chăng nữa, bạn cũng không bao giờ có đủ cho nhu cầu và sức sáng tạo trong việc tiêu tiền của mình”.

“Và đa số chúng mình, khi nắm trong tay tài sản do bàn tay ta tạo dựng nên, ngoài sự chắc chắn sau này - còn có niềm tự hào vì hai bàn tay ta làm nên tất cả, chính điều đó giúp ta tự tin một cách ngấm ngầm” - chị Huyền đúc kết.

Và theo chị, sẽ đến lúc bạn bước sang tuổi 30, 40, 50 rồi 60 nhanh như một cơn gió. Và lúc đó, tốt hơn là đã có trong tay nhiều thứ, và mỗi tháng, chúng lại sinh sôi ra nhiều hơn một chút cho bạn, để bạn có thể sống ở những nơi bạn muốn, tiêu vào những thứ bạn thích, tạo ra những giây phút tuyệt vời với những người bạn yêu; và hơn hết là bạn không phải nói câu: giá mà/tại vì/ biết bao giờ!?!

“Cuộc đời mình, đừng mong ai khác ngoài chính bản thân mình phải có trách nhiệm với nó” - chị viết.

Phan Diệu Huyền