Quy định về tạm ứng tiền lương

Tết đến, do nhu cầu chi tiêu, sắm sửa nhiều mà mọi người thường có nhu cầu cần đến khoản tiền lớn hơn các khoảng thời gian khác trong năm.

Nhưng bạn sẽ làm gì khi Tết đến mà kì hạn nhận lương chưa tới? Để giải quyết vấn đề này, nhiều người lao động đã nghĩ đến giải pháp tạm ứng tiền lương.

Vậy theo quy định của pháp luật, người lao động nghỉ Tết khi chưa đến hạn lĩnh lương thì có được ứng trước lương? Nếu có thì pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc tạm ứng tiền lương? Người lao động được tạm ứng tiền lương trong trường hợp nào, số tiền tạm ứng lương chiếm tối đa bao nhiêu% tiền lương? Đó là băn khoăn của rất nhiều người lao động.

Theo quy định, khoản tạm ứng là một khoản tiền hoặc vật tư do doanh nghiệp giao cho người nhận tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết một công việc nào đó được phê duyệt.

{keywords}
 

Người lao động khi chưa đến hạn lĩnh lương sẽ được tạm ứng trước kỳ hạn trả lương theo những điều kiện mà người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.

Những trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương

Pháp luật hiện hành quy định, người lao động được tạm ứng tiền lương khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Trường hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận và thống nhất được về việc tạm ứng tiền lương cho người lao động thì người lao động có thể nhận tạm ứng tiền lương từ người sử dụng lao động theo những điều kiện mà hai bên đã thỏa thuận (khoản 1 Điều 100 Bộ luật Lao động 2012);

- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng (theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động);

- Theo khoản 2 Điều 100 Bộ luật Lao động, người lao động trong quá trình thực hiện nghĩa vụ công dân được người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 2 Điều 100 Bộ luật lao động 2012. Theo đó, tiền lương được tạm ứng sẽ tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự;

- Người lao động nghỉ hàng năm được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ (khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động);

- Người lao động bị tạm đình chỉ công việc sẽ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc (theo khoản 2 Điều 129 Bộ luật Lao động).

Mức tạm ứng tối đa bao nhiêu?

Việc tạm ứng trước tiền lương theo điều kiện do người lao động và người sử dụng lao động không quy định mức tối đa tiền lương được tạm ứng. Mức tiền tạm ứng được thực hiện theo thương lượng của hai bên, pháp luật không điều chỉnh vấn đề này.

Nhìn chung, các bên sẽ thỏa thuận các điều kiện để tạm ứng lương như thời gian được tạm ứng và mức tạm ứng (50% hoặc 30% lương).

Mức tiền tạm ứng sẽ dựa trên đề xuất của người lao động và các yếu tố khác như mức lương hiện hưởng, hoàn cảnh, công việc, thời gian làm việc tại công ty của từng người lao động. Trên cơ sở đó, người sử dụng lao động sẽ xem xét và giải quyết dựa trên đề xuất của người lao động.

Vì vậy, khi người lao động có nhu cầu tạm ứng tiền lương vào dịp Tết, họ có thể thể tiến hành thỏa thuận với công ty để được tạm ứng và thương lượng về mức tạm ứng cụ thể.

Anh Tuấn