Hôm qua 26/1, giá vàng tăng cao tại thị trường Việt Nam. Đây là "mức giá chạm đỉnh lịch sử" hoặc cận đỉnh lịch sử. Nhiều tờ báo trong nước đã giật dòng tít như vậy để ghi nhận kỷ lục cho giá vàng.

Theo đó, giá vàng miếng trong nước đã vượt xa 62 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2020. Thời điểm tháng 8/2020, giá vàng trong nước tăng chóng mặt, có lúc vọt lên 62,4 triệu đồng/lượng.

Vàng lãi 40% sau hai năm, chứng khoán một năm 236%

Nếu mua vàng từ mùng 1 Tết năm ngoái (ngày 12/2 dương lịch) giá là 57,2 triệu đồng/ lượng, tức 5,72 triệu đồng/ chỉ. Nhẩm tính, nếu hôm qua (hoặc có thể trước giờ điều chỉnh giá sáng nay) mang bán số vàng này thì đã lãi 480.000 đồng/ chỉ và 4.800.000 đồng/ lượng. Tức lãi 8% so với giá vốn.

Xa hơn, mùng 1 Tết hai năm trước (25/1 dương lịch), giá vàng bán ra khi đó là 43,75 triệu đồng/lượng. Nếu mua một lượng, giữ số vàng đó trong hai năm, không bán ra, đến nay mới bán thì thu về chênh lệch lên đến 18.250.000 đồng. Lãi hơn 40%.

Trong khi đó, chơi chứng khoán, nếu tôi mua mã FLCở thời điểm ngày 17/2/2021 (phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm ngoái) trả 6.700 đồng/ cổ phiếu, tương đương 670.000 đồng cho lô 100 cổ phiếu theo quy định của sàn HoSE. Giữ đến ngày 7/1 năm nay thì giá của cổ phiếu này đã "nhảy lên" 22.550 đồng/ cổ phiếu. Nhà đầu tư vào trạng thái "đu đỉnh".

Nếu giữ nguyên, không bán lô lẻ trước đó và bán ra đúng thời điểm này thì nhà đầu tư chứng khoán thu chênh lệch 15.850 đồng/cổ phiếu, tương đương lãi 236%. Tuy nhiên, nếu không may bán ra vào ngày 26/1 khi giá đóng cửa của mã này còn 10.750 đồng thì nhà đầu tư mua ở phiên đầu năm Tết Âm lịch vẫn lãi 4.050 đồng/ phiếu, đồng nghĩa lãi theo phần trăm bằng 60%.

Dĩ nhiên, không ai có thể báo trước chính xác được vào ra lúc nào trong trò chơi chứng khoán. Trên đây chỉ là giả định sau khi phân tích biểu đồ kỹ thuật lịch sử của tôi.

Ăn chắc mặc bền

Sáng nay 27/1, tôi ghé qua một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM) thì thấy còn khá thưa người giao dịch, có lẽ vẫn sớm quá so với nếp sống của người Sài Gòn. Chị chủ bảo giá vàng trong những ngày tới có thể tăng tiếp vì nhu cầu trữ vàng dịp Tết trong dân khá cao.

Nhận định này làm tôi sực nhớ đến mẹ của mình. Mùng 1 năm nào dù bà bận rất nhiều việc của Tết thì vẫn nhất quyết phải đi sắm vàng. "Sắm một, hai chỉ lấy hên đầu năm"- quan niệm của mẹ tôi là thế.

Bà thì làm gì biết đến "nến", đến các con số trên báo cáo tài chính phức tạp. Nhiều người, mà ngay cả tôi, cũng nghĩ ấy là thế hệ lỗi thời cổ hủ vì không chịu cập nhật thời đại, tham gia vào các kênh đầu tư mới để "có cơ hội trúng được nhiều hơn". Thế hệ của mẹ và bà chỉ biết vàng và gửi tiết kiệm ngân hàng - nhưng phải gửi sổ giấy chứ sổ điện tử cũng không an tâm; có nhiều hơn một chút thì nghĩ ngay đến mua đất. Các kênh đầu tư đơn giản như thế!

Dĩ nhiên nhìn vào số lãi mà bạn hoặc tôi kiếm được sau mùa đu đỉnh vừa rồi thì con số này "chả đáng là bao". Nhưng rõ ràng khái niệm ăn chắc mặc bền vẫn đúng. Rủi ro khi đầu tư vào vàng dường như ít hơn hẳn so với đầu tư chứng khoán khi biến động rất lớn.

Còn vàng có thể để năm này qua năm khác mà không lo mất giá quá sâu. Cũng sẽ không có những ngày "ôm tim tức chết" như thị trường chứng khoán.

Nhắc lại chuyện mẹ tôi. Thời của bà và đến tận bây giờ, vàng gần như bỏ qua các biến thiên của tiền tệ như lạm phát, yếu tố trượt giá... Vì vàng cũng được xem như một vật quy đổi giá trị tương đương tiền. "Con xe này 5 chỉ" hoặc "miếng đất là 2 lượng", hồi nhỏ tôi hay nghe người lớn bảo nhau như thế. Thậm chí tôi nhớ có lần nhà đi mượn tiền của người bà con bằng vàng, khi mượn thì giá trị quy tiền chẳng bao nhiêu. Nhưng đến 2 năm sau trả, nhìn bảng tính, thì "ngây người".

Mùng 1 Tết năm nay, mẹ tôi vẫn sẽ đi mua vàng cho mà xem. Đó như một thói quen của bà. Vì đó là kênh đầu tư quan trọng của mẹ nên bà có biệt tài xem bảng giá ở tiệm vàng rất nhanh. Còn nhanh hơn tôi tìm mã chứng khoán trên máy tính. Tôi thì chưa có thói quen sắm vàng bởi vẫn thích bảng điện chứng khoán hơn.

Mỗi người đều có những lựa chọn về kênh đầu tư cho mình sao cho phù hợp với khả năng tài chính cũng như kiến thức kinh tế. Còn nếu dư chút đỉnh mà muốn tích sản thì vàng vẫn nơi lưu giữ đồng tiền của bạn hiệu quả.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Có nên mua vàng tháng cuối năm?

Có nên mua vàng tháng cuối năm?

Giá vàng tạm thời không có nhiều biến động nhưng nhiều người vẫn đang chờ vàng xuống để mua, trong khi vàng trong nước vẫn đang chênh cao với vàng thế giới...