Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền sự việc một phụ nữ vào trụ ATM để rút tiền nhưng chỉ lấy thẻ ATM rời đi mà quên lấy số tiền vừa rút ngay khe nhả tiền. Ngay sau đó, một thanh niên bước vào trụ ATM, thấy số tiền bỏ quên liền liếc nhìn xem người phụ nữ đã đi chưa rồi lấy tiền bỏ vào túi của mình.

{keywords}
Người phụ nữ quên lấy tiền và rời đi (ảnh dưới). Nam thanh niên rút tiền
sau khi liếc nhìn xem người phụ nữ đã đi chưa và nhanh chóng bỏ tiền vào túi
(ảnh trên). Ảnh cắt từ clip: Quang Duy. Nguồn: MXH

Yêu cầu mà không trả mới phạm tội

Đây không phải là trường hợp cá biệt, thực tế có nhiều người rút tiền ở trụ ATM nhưng quên lấy tiền nên bị mất. Nhiều ý kiến thắc mắc liệu hành vi của thanh niên trên có dấu hiệu tội phạm hay không.

ThS Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, nhận định: Theo hình ảnh trong clip thì hành vi của nam thanh niên có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 176 BLHS 2015.

Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên sau khi chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại mà không chịu trả lại thì có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù (phạt tù tối đa năm năm).

ThS Tài cho biết đối với cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản, bắt buộc phải có hai điều kiện. Thứ nhất là người đó ngẫu nhiên có được một tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên. Ngẫu nhiên ở đây có thể hiểu là nhặt được của rơi, được giao nhầm, đào được... Thứ hai là sau đó chủ sở hữu (hoặc cơ quan chức năng) yêu cầu giao nộp, hoàn trả mà người đó không chịu trả lại.

Trường hợp này chưa rõ số tiền người phụ nữ bỏ quên là bao nhiêu nên chưa xác định được thanh niên trên có phạm tội hay không nhưng dấu hiệu tội phạm là có. Ngoài ra, nếu không có yêu cầu giao nộp lại từ người phụ nữ thì không thể coi nam thanh niên phạm tội.

Phải làm gì mới đúng luật?

Đồng quan điểm, ThS Ngô Minh Tín, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cũng cho rằng hành vi của nam thanh niên có dấu hiệu tội phạm.

Theo ThS Minh Tín, tội danh trên có đặc điểm là xâm phạm quyền sở hữu, chiếm giữ hoặc đoạt được tài sản của người khác và là lỗi cố ý trực tiếp. Về chủ thể, nam thanh niên trong clip là người trưởng thành và có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ...

“Theo đoạn clip, chúng ta thấy nam thanh niên lấy tiền của người phụ nữ bỏ quên tại trụ ATM, sau đó cho tiền vào ví của mình mà không trình báo cho cơ quan chức năng là có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản” - ThS Minh Tín nói.

Cũng theo ThS Minh Tín, trường hợp số tiền nam thanh niên lấy được không đủ cấu thành tội phạm như đã phân tích ở trên thì hành vi này có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…).

Cụ thể, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác sẽ bị xử phạt 2-5 triệu đồng theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã chiếm được.

ThS Văn Tài nói: “Lòng tham luôn hiện diện trong mỗi người, đúng là rơi vào trường hợp trên, nếu xử lý đúng sẽ làm chúng ta mất thời gian, công sức vì phải báo cơ quan chức năng hoặc ngân hàng rồi liên hệ với các bên để trả lại tài sản. Trong khi lỗi một phần cũng là do người rút tiền bỏ quên.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không có biện pháp can thiệp thì có thể có người vào rút tiền sau sẽ nổi lòng tham mà chiếm đoạt luôn. Do đó, dù có thể mất thời gian nhưng người phát hiện tiền bỏ quên nên làm đúng quy định pháp luật là báo cho cơ quan chức năng hoặc ngân hàng liên hệ để trả lại chủ sở hữu”.

2 trường hợp xử lý đúng, nhân văn

Ngày 4-2-2019 (30 tết năm Kỷ Hợi), chị ĐT đến trụ ATM của Ngân hàng SeABank trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (thuộc quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để rút tiền thì phát hiện một xấp tiền mặt nằm ở khe trả tiền của máy. Chị T. nhặt số tiền trên rồi lấy bút ghi lại dòng chữ: “Chị quên lấy tiền liên hệ SĐT này lấy lại nha (đọc đúng số tiền). 0934899…” và dán lên trụ ATM.

Một thanh niên khác vào trụ ATM trên đã chụp lại tờ giấy và đăng lên mạng xã hội, mong nhanh chóng tìm chủ sở hữu. Sau đó thông tin trên được hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận. Ngoài ra, Ngân hàng SeABank đã trích xuất camera, tra cứu thời gian chị T. cung cấp để tìm kiếm thông tin người rút tiền bỏ quên tiền và đã làm việc giữa các bên để hoàn trả.

Ngày 14-4-2019, anh Nguyễn Viết Huy (29 tuổi, ngụ TP Huế) đến rút tiền tại trụ ATM thuộc Ngân hàng Sacombank trên đường Nguyễn Huệ, TP Huế thì phát hiện nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng (tổng cộng 10 triệu đồng) nằm trên khe máy rút tiền. Sau đó, anh Huy đã mang số tiền trên đến trình báo và nộp tại Công an phường Phú Nhuận, TP Huế để cơ quan này thông báo cho người bỏ quên đến nhận lại.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)