Lời khuyến nghị khách hàng của các ngân hàng tư nhân lớn trên thế giới rằng không nắm giữ hoặc chỉ nắm giữ ít vàng ngay trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra nay không còn đúng nữa. Vàng bây giờ là kênh trú ẩn an toàn cho tài sản của giới siêu giàu thế giới.

Kênh trú ẩn an toàn

Lý do, các ngân hàng này hoài nghi tính bền vững của đà tăng giá cổ phiếu và lo ngại tác động dài hạn của làn sóng kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Giờ đây, nhiều ngân hàng đang phân bổ 10% danh mục tài sản của khách hàng vào kim loại quý này giữa lúc các ngân hàng trung ương ồ ạt bơm tiền vào nền kinh tế để vực dậy tăng trưởng, khiến lợi suất trái phiếu suy giảm, làm giảm giá trị tiền tệ và các tài sản khác nhưng giúp vàng, một tài sản không có lãi suất, trở nên hấp dẫn hơn.

Dù giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 14% kể từ đầu năm nay, lên mức 1.730 đô la/ounce vào hôm 18-6, các ngân hàng tư nhân vẫn đặt cược rằng, vàng, một công cụ chống lạm phát lẫn giảm phát, sẽ còn tăng giá.

Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Morgan Stanley Wealth Management thuộc Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định: “Quan điểm của chúng tôi là tác động mạnh mẽ của nguồn cung tiền rốt cục sẽ làm giảm giá đồng đô la Mỹ và cam kết không tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạo ra lý do thuyết phục để nắm giữ vàng”.

{keywords}
Giới siêu giàu thế giới đang tăng đầu tư vào vàng như là chiến lược bảo hiểm rủi ro danh mục tài sản của họ. Ảnh: Illuminati Silver

Chín ngân hàng tư nhân mà hãng tin Reuters hỏi ý kiến cho biết họ đã khuyên khách hàng tăng phân bổ tài sản vào vàng. Hiện chín ngân hàng này đang quản lý khoảng 6.000 tỉ đô la tài sản của những người siêu giàu trên thế giới. Trong số họ, có 4 ngân hàng dự báo giá vàng vào cuối năm nay sẽ cao hơn mức hiện tại.

Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ), nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, dự báo giá vàng có thể chạm mốc 1.800 đô la Mỹ/ounce vào cuối năm nay, nhờ các mức lãi suất cực thấp và giới đầu tư đổ xô mua vàng để bảo hiểm rủi ro cho các  tài sản khác trong danh mục đầu tư của họ.

Ngân hàng này nhận định trong kịch bản lạc quan, giá vàng có thể chạm mốc kỷ lục 2.000 đô la/ounce vào cuối năm nếu làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai xảy ra.

Kiran Ganesh, nhà chiến lược ở Công ty quản lý tài sản UBS Wealth Management, cho rằng giới siêu giàu đang sốt sắng tìm kiếm phương án bảo hiểm rủi ro danh mục tài sản hiệu quả trong trong mọi kịch bản.

Xu hướng sẽ còn tiếp tục?

Vào cuối tháng 3, Công ty quản lý tài sản Morgan Stanley Wealth Management khuyên khách hàng nắm giữ vàng ở mức 5% tổng giá trị danh mục tài sản của họ.

Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management, cho biết nếu tỷ lệ lạm phát tăng mạnh, bà có thể khuyến nghị khách hàng nâng mức nắm giữ này lên 10%.

Bất cứ sự chuyển dịch dòng tiền nào khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu, vốn có trị giá tổng cộng 200.000 tỉ đô la, sẽ tác động lớn đến thị trường vàng, có trị giá nhỏ hơn, khoảng chưa đến 5.000 tỉ đô la.

John LaForge, Giám đốc bộ phận chiến lược tài sản ở Viện Đầu tư của Ngân hàng Wells Fargo, cho biết năm ngoái, trung bình mỗi tuần, chỉ có hai khách hàng gọi đến công ty ông xin tư vấn về việc mua vàng nhưng hiện nay còn số đó là hai cuộc gọi mỗi ngày, thậm chí 10 cuộc gọi vào những ngày vàng tăng giá mạnh.

Ông nói: “Giờ đây, tôi nhận được số cuộc gọi xin tư vấn về vàng tương đương với số cuộc gọi xin tư vấn về dầu thô”.

Dù nắm giữ vàng không tạo ra thu nhập (không có lãi suất) nhưng theo Oliver Gregson, Giám đốc văn phòng quốc gia Anh, cho biết số cuộc gọi xin tư vấn về vàng của khách hàng tăng mạnh vì họ xem kim loại quý này như là “cảng trú bão” trong cơn suy thoái kinh tế hiện nay.

Giới siêu giàu lựa chọn đầu tư vàng theo bốn kênh: cổ phiếu của các công ty khai thác vàng; các quỹ chỉ số theo dõi giá vàng; các công cụ phái sinh vàng như hợp đồng vàng tương lai; vàng vật chất dưới dạng vàng thỏi hoặc vàng xu.

Nếu lo ngại tình hình bất ổn kinh tế kéo dài, họ thường chọn đầu tư vàng vật chất.

Hầu hết các ngân hàng lớn đều cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng thỏi. Tám trong số các ngân hàng tư nhân mà Reuters khảo sát cho biết họ chứng kiến nhu cầu giữ hộ vàng của khách hàng đang tăng lên, đặc biệt là ở những hầm giữ vàng ở Thụy Sĩ và Singapore.

Andre Portelli, Giám đốc đầu tư ở Ngân hàng Tư nhân Barclays, cho biết một số khách hàng bắt đầu tăng mua vàng vật chất vào đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 lan rộng và xu hướng này vẫn tiếp tục.

Ông nói: “Tình trạng thiếu hụt công suất vận tải quốc tế và  gián đoạn nguồn cung vàng vật chất hồi tháng 3 và tháng 4 do các nhà sản xuất vàng thỏi lớn buộc phải đóng cửa càng thổi bùng mối quan tâm của khách hàng đối với vàng”.

(Theo Reuters/ TBKTSG Online)