Trước đó, theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, để chuẩn bị cho đợt siết chặt giãn cách từ ngày 23-8, cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo duy trì và an ninh an toàn trong hai lĩnh vực hoạt động là thanh toán, ngân quỹ và hệ thống công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, người dân trong điều kiện giãn cách.

Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp và người dân cũng đặt câu hỏi về việc liệu có thể đến quầy trực tiếp giao dịch ngân hàng trong thời điểm giãn cách này được hay không, đặc biệt là khi có nhu cầu đột xuất.

{keywords}
Thống kê sơ bộ cho thấy có hơn 300 điểm giao dịch ngân hàng tạm đóng cửa tại TPHCM từ ngày 23-8, nhằm đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Phó Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TPHCM cho biết, trong trường hợp không thể giao dịch trực tuyến mà cần phải giao dịch trực tiếp tại quầy, khách hàng vẫn cần phải có xác nhận của cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là giấy đi đường. “Điều này nằm ngoài phạm vi của ngân hàng. Phía ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ được những vấn đề liên quan về mặt thủ tục”, ông nói.

Đại diện một ngân hàng khác cũng cho biết ngân hàng chỉ có thể gửi văn bản xác nhận lịch hẹn làm việc với khách hàng, nhưng điều này cũng không đảm bảo được việc khách hàng có thể đi qua chốt kiểm soát hay không.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, trong thời gian qua, đa phần doanh nghiệp phản ánh khó khăn ở câu chuyện làm thủ tục xuất nhập khẩu. Theo đó, có một số khâu liên quan đến hải quan vẫn chưa thể làm việc trực tuyến, nên quy định về giấy đi đường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, hiệp hội chưa ghi nhận nhiều phản ánh về việc gặp khó khăn khi muốn giao dịch với ngân hàng, có thể là một số trường hợp cá biệt nên chưa mang tính đại diện.

Theo chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, hầu hết các giao dịch ngân hàng từ trước đến nay được thực hiện qua internet, cũng nhờ điểm cộng là các cổng thanh toán liên quan đến cơ quan hành chính đã “mở” ra rất nhiều. Tuy nhiên còn một số thủ tục vẫn phải làm trực tiếp, nhưng mỗi tháng cũng chỉ thực hiện một lần.

Trước khi TPHCM siết giãn cách, đơn vị này đã tập trung hoàn thành cơ bản những giao dịch cần thiết. Tuy nhiên, nếu như tình hình dịch còn phức tạp, giãn cách còn kéo dài thì ông dự báo doanh nghiệp sẽ bắt đầu gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục giấy tờ.

Ngân hàng đẩy mạnh giao dịch online

Ghi nhận tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu có trụ sở tại quận 1 (TPHCM), doanh nghiệp này bắt đầu thực hiện chuyển khoản trực tuyến để trả tiền lương, tiền công cho nhân viên và các đối tác, thay vì thực hiện tại quầy như trước kia.

Theo kế toán trưởng của đơn vị này, do đã giao dịch lâu năm với ngân hàng nên phí dịch vụ rất thấp. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề nên việc triển khai thực tế không dễ dàng (vì quy định hiện hữu của hệ thống ngân hàng), dù nhân viên ngân hàng cũng đã nhiệt tình hỗ trợ.

Hiện nay, cơ quan quản lý đang khuyến khích các ngân hàng tiếp tục mở rộng và hoàn thiện các mô hình giao dịch trực tuyến để đáp ứng nhu cầu người dân. Trong đó duy trì chế độ chăm sóc, tư vấn và tiếp nhận thông tin khách hàng để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ ngân hàng (thanh toán, chuyển tiền, rút tiền,…).

Các ngân hàng cũng khuyến nghị khách hàng có nhu cầu có thể liên hệ trước, dưới nhiều hình thức khác nhau để đặt giờ hẹn giao dịch, hay tư vấn thêm thông tin về từng trường hợp cụ thể.

Trên thực tế, nhiều dịch vụ trực tuyến mới cũng ra đời trong “mùa giãn cách” dành cho các doanh nghiệp.

Điển hình như HDBank hay VPBank giới thiệu dịch vụ cấp thư tín dụng (Letter of Credit – L/C) trực tuyến. Khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải trực tiếp đến quầy giao dịch làm việc như trước đây.

Trong trường hợp hồ sơ chưa phù hợp, ngân hàng sẽ liên hệ để tư vấn. Sau khi hoàn thiện hồ sơ thì ngân hàng phát hành L/C theo đề nghị, gửi thông báo kết quả cho khách hàng qua email và hệ thống giao dịch trực tuyến.

Về mặt sổ sách kế toán, một số ngân hàng cũng kết hợp với các ứng dụng kế toán doanh nghiệp, giúp nhân viên kế toán dễ quản lý và có thể thực hiện trực tiếp giao dịch trên internet.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, cho biết Công an TP.HCM chỉ cấp phôi giấy đi đường theo đề nghị của các đầu mối chứ không cấp trực tiếp. Đối với trường hợp người dân ra ngân hàng giao dịch hoặc đến cây ATM rút tiền không thuộc danh mục được cấp giấy đi đường. Trong trường hợp thật sự cần thiết thì người dân liên hệ với tổ công tác đặc biệt tại địa phương để nhờ xem xét giải quyết. Đối với doanh nghiệp để được cấp giấy đi đường cần liên hệ với các đầu mối thuộc lĩnh vực ngành nghề mà doanh nghiệp hoạt động. 

(Theo KTSG Online)

Cần chú ý gì khi giao dịch ngân hàng điện tử mùa dịch Covid-19?

Cần chú ý gì khi giao dịch ngân hàng điện tử mùa dịch Covid-19?

Tội phạm có nhiều thủ đoạn mới, nhắm đến khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.