Dịch Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí là đóng cửa, dẫn tới việc tỉ lệ lao động có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng.

Những điều kiện

Theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được nhận trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên: Trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; Trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 đến dưới 12 tháng. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp , trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam, phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

{keywords}
Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định

Cách tính

Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định, hàng tháng, người lao động có đủ điều kiện nêu trên được hưởng trợ cấp với mức như sau: Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Lưu ý, mức trợ cấp hàng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm này được tính như sau: Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Hiện tại, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng. Từ 1-7-2020, mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 1,6 triệu đồng/tháng = 8 triệu đồng/tháng.

Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Mức lương tối thiểu vùng của vùng I là 4,42 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 4,42 triệu đồng/tháng = 22,1 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng của vùng II là 3,92 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,92 triệu đồng/tháng = 19,6 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng của vùng III là 3,43 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,43 triệu đồng/tháng = 17,15 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng của vùng IV là 3,07 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,07 triệu đồng/tháng = 15,35 triệu đồng/tháng.

Thời gian hưởng

Cũng theo Luật này, tại khoản 2, điều 50 quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

{keywords}
Khi đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần mang theo CMND hoặc Căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm bản gốc để đối chiếu.

Hồ sơ

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP , hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: 1. Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu); 2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; 3. Sổ BHXH.

Ngoài ra, khi đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm bản gốc để đối chiếu.

Thủ tục hưởng

Sau khi có đủ các giấy tờ nêu trên, theo Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động thực hiện theo trình tự sau: Bước 1, nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp. Bước 2, giải quyết hồ sơ. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động; Bước 3, nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế. Hàng tháng, cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động; Bước 4, hàng tháng thông báo tìm kiếm việc làm. Để được nhận trợ cấp trong những tháng tiếp theo, hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp (theo đúng lịch hẹn ghi trong Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).

(Theo NLĐ)