Bán mảnh đất mua từ tiền mừng cưới cách đây hơn mười năm, tôi có 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, thay vì mua ô tô xịn vi vu, tôi vẫn lấm lem, quyết trung thành với chiếc xe máy khiến ai cũng cười hỏi tôi “tiền để làm gì mà keo kiệt với bản thân?”.

Thực ra, với nhiều người, khi đã có nhà cửa ổn định, trong tay lại có thêm tiền tỷ, thậm chí chỉ có vài ba trăm triệu họ đã mua ngay ô tô làm phương tiện đi lại tránh nắng, tránh mưa. Còn tôi lại nghĩ khác hoàn toàn dù hiện tại tôi đang có 1,5 tỷ gửi tiết kiệm ở ngân hàng. 

Cách đây 10 năm, sau khi cưới vợ chồng tôi có khoản mừng cười hơn 200 triệu đồng (tất cả tiền mừng cưới bố mẹ tôi đều cho vợ chồng tôi coi như là cho vốn riêng). Cầm khoản tiền này, chúng tôi đem đi mua mảnh đất ở quê vì nghĩ 200 triệu đồng mà đem gửi ngân hàng thì lãi hàng tháng cũng chẳng đáng được là bao, trong khi vàng lúc đó giá lại đang ở đỉnh cao, mua tích trữ lúc giá xuống bán lại lỗ.

{keywords}
Có 1,5 tỷ nhưng anh Khanh không dám mua ô tô, quyết đi xe máy và để tiền gửi tiết kiệm (ảnh minh hoạ)

Mua đất để đó coi như của để dành cũng ổn. Vài năm sau cần tiền mua nhà thì bán đi. Khi ấy chúng tôi tính toán vậy nên chấp nhận ở nhà thuê ở Hà Nội.

Bốn năm sau, nhờ công việc ổn định với khoản thu thu nhập hàng tháng khoảng trên dưới 20 triệu đồng, lại giữ cách sống tằn tiện từ thời sinh viên nên trừ đi chi phí sinh hoạt, thuê nhà cửa (khi đó chưa có con nhỏ), vợ chồng tôi tiết kiệm được 500 triệu đồng.

Với số tiền trên, vợ chồng tôi mua mảnh đất hơn 30 mét vuông trong một con ngõ nhỏ (đất chưa có sổ đỏ). Còn tiền xây nhà dự tính bán mảnh đất ở quê đi.

Song, lúc đó đất ở quê rao mãi không bán được. Một vài người hỏi mua lại trả giá thấp hơn cả giá ban đầu chúng tôi mua. Tiếc tiền, tôi không bán, cứ để đó. Tiền xây nhà vợ chồng tôi đành đi vay anh em họ hàng mỗi người một ít.

Xây xong căn nhà 2 tầng (đổ một mái, tầng 2 chỉ lợp mái tôn và trần thạch cao), vợ chồng tôi hết hơn 300 triệu đồng. Cũng may, khi đó họ hàng cho vay toàn bằng vàng nên khi trả cũng sẽ trả bằng vàng, không phải chịu lãi hàng tháng như vay tiền mặt.

Đến nay, hơn chục năm cưới nhau, vợ chồng tôi đã có căn nhà 2 tầng đủ cho gia đình sinh sống thoải mái, tiền nợ cũng đã trả hết. May mắn hơn, đất ở quê năm 2018 sốt giá, mảnh đất tôi mua sau khi cưới có người hỏi mua lại với giá 1,5 tỷ nên tôi bán luôn thu tiền về. Coi như khoản đầu tư đã có lãi.

Thế nhưng, từ lúc có 1,5 tỷ tiền bán đất gửi ngân hàng, vợ chồng tôi lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn vì có nhiều quan điểm không thống nhất.

Vợ tôi thì muốn bỏ ra khoảng 700-800 triệu đồng để mua một cái ô tô mới, số tiền còn lại gửi ngân hàng cũng được. Bởi, cô ấy nghĩ có ô tô đưa đón con cái đi học sẽ đỡ vất vả, về quê thăm bố mẹ lại càng tiện hơn. Trên cơ quan, mọi người cũng thường trêu đùa tôi “tiền nhiều để làm gì”, mua ô tô đi lại cho tiện.

Tôi cũng đồng tình có ô tô đi lại sẽ tiện nhiều bề. Ở cơ quan vợ và cơ quan tôi, đa phần các gia đình đều có ô tô. Nhà nào có điều kiện mua ô tô tiền tỷ đi, nhà ít tiền cũng sắm ô tô cũng giá 200-300 triệu đồng. Nghĩ đến đó cũng thấy có chút tủi thân vì mình có tiền tỷ trong tay mà vẫn lấm lem với chiếc xe máy cũ mua từ thời còn sinh viên mới ra trường.

Song, giờ mà đổ tiền mua ô tô thấy chưa ổn. Bởi, tiền mua ô tô thì có, còn tiền nuôi ô tô lại quá sức với vợ chồng chúng tôi.

Hiện thu nhập của vợ chồng tôi được khoảng 25 triệu đồng/tháng. Tuy không phải tốn kém chi phí thuê nhà như trước, nhưng giờ chúng tôi phải nuôi 2 đứa con nhỏ, trong đó đứa đầu chuẩn bị vào lớp một, đứa 2 đang đi học mầm non. Tính ra, cả chi phí học hành, mua sữa, quần áo cho 2 đứa mỗi tháng tiêu tốn khoảng 7-8 triệu đồng.

Sang năm đứa đầu chính thức học lớp một sẽ còn tốn kém tiền học thêm. Khi ấy mỗi tháng tiền  nuôi 2 đứa hết tầm 10 triệu đồng. Tính tiền sinh hoạt phí của gia đình hết 10 triệu đồng nữa. Như thế chúng tôi chỉ dư ra khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa tính phát sinh chuyện gì lớn.

Mua xe ô tô, tiền đi gửi xe ở khu nhà tôi hết 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền xăng xe đi làm hàng ngày, tiền bảo dưỡng… tính trung bình tiêu tốn 2,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể, sân cơ quan chật, đi xe phải gửi ngoài cho mấy hàng trà đá trông mỗi tháng cũng tốn thêm khoảng 1 triệu đồng.

Như thế, coi như 25 triệu đồng thu nhập hàng tháng sẽ được tiêu sạch bách không còn đồng nào.

Tính đi tính lại vẫn thấy không ổn nếu mua ô tô. Bởi, tôi nghĩ tiền làm ra dù ít hay nhiều cũng phải có một khoản để tích luỹ phòng lúc ốm đau, bệnh tật hay đơn giản là dành dưỡng già… Không thể làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Do đó, dù có 1,5 tỷ tiền bán đất, tôi vẫn quyết không mua ô tô, trung thành với xe máy, mặc kệ ai cười, nói tôi kẹo kiệt chuyên xài nhờ xe ô tô bạn bè cũng được.

 Văn Khang (Hoàng Mai, Hà Nội)