Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống không đến mức đói kém, nhưng cũng chẳng dư giả gì. Thế nên, ngay từ sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành công nghệ thông tin, tôi đã vạch ra kế hoạch sống khá tiết kiệm để có thể mua được căn nhà cho riêng mình mà không cần phiền hà gì đến bố mẹ.

Suốt năm 5 qua, dù bị nhiều người nói là sống hà tiện, song tôi vẫn kiên trì với kế hoạch tiêu vỏn vẹn 6 triệu đồng mỗi tháng.

Để thực hiện được kế hoạch này, ngay từ khi đi làm, tôi quyết định chuyển sang thuê 1 phòng trọ (ở một mình dễ tiết kiệm hơn là ở chung với bạn bè) rộng 12 mét vuông với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Đây là khu nhà sinh viên thường trọ học, tuy cách cơ quan cả chục cây số nhưng đổi lại giá cho thuê khá bình dân. Điện tính 4.000 đồng/số, nước 100.000 đồng/người/tháng, Internet 70.000 đồng/tháng. Tính tổng tiền trọ, mỗi tháng tôi phải chi 1,7-1,8 triệu đồng.

Riêng vấn đề ăn uống, tôi ăn sáng khá đơn giản với những món như xôi, bánh khúc, bánh bao,... chỉ hết 10.000 đồng/bữa mà vẫn đảm bảo no lâu. Ngày tôi chỉ nấu 1 bữa vào buổi tối, tiền mua đồ ăn trung bình hết khoảng 50.000 đồng. Nấu xong tôi chia đôi đồ ăn, một phần để ăn tối, phần còn lại cất ngăn mát tủ lạnh hôm sau bỏ vào cặp lồng cơm đem đi làm để ăn trưa. Gạo ăn hàng tháng được bố mẹ tài trợ đều đặn.

{keywords}
5 năm đi làm ăn tiêu tằn tiện, anh Vinh đắn đo không biết có nên mua nhà với khoản tiền hơn 1 tỷ mà mình tiết kiệm được hay không (ảnh minh hoạ)

Thỉnh thoảng có ngày cùng bạn bè đi ăn bên ngoài, nhưng một tháng cũng không quá 3-4 lần. Mỗi lần đi ăn như vậy, chúng tôi đều thống nhất cùng nhau đóng góp, đỡ tạo gánh nặng người này mời người kia. Thế nên, mỗi tháng tiền ăn uống hết khoảng 2 triệu đồng.

Ngoài tiền thuê trọ, tiền ăn, các khoản khác như xăng xe, điện thoại, mua sắm, cà phê với bạn bè, hiếu hỷ,... hết hơn 2 triệu đồng. Cộng lại, mỗi tháng tôi chỉ tiêu không quá 6 triệu đồng.

Hai năm đầu tiên đi làm, lương được 20 triệu đồng/tháng, trừ khoản tiền ăn tôi tiết kiệm được gần 170 triệu đồng/năm. Ba năm trở lại đây, lương tôi được tăng lên mức 25 triệu/tháng nên mỗi năm để dành được khoảng 230 triệu đồng. Số tiền này tôi đều gửi ngân hàng lấy lãi.

Nghe tôi chia sẻ, chắc nhiều người sẽ thắc mắc, đi làm bao nhiêu năm như vậy, nhận lương mỗi tháng ngoài chi tiêu sinh hoạt thì đều gửi tiết kiệm, vậy không biếu bố mẹ đồng nào ư? một số người sẽ cho rằng tôi sống bủn xỉn, chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không lo cho bố mẹ?

Nhưng đó là tôi chỉ tính mỗi khoản lương. Ngay từ đầu, tôi đã có kế hoạch tiêu lương, thưởng rõ ràng. Ngoài lương hàng tháng, cơ quan tôi có thưởng các ngày lễ, tết. Mỗi quý lại xếp loại nhân viên một lần để có phần thưởng để khích lệ những người luôn cố gắng, chăm chỉ trong công việc. Số tiền này tuy không lớn, nhưng tôi cũng được nhận thưởng vài triệu đồng một quý.

Riêng tiền thưởng Tết âm lịch hàng năm khá lớn, thường 2-2,5 tháng lương. Theo đó, tất cả những khoản tiền thưởng được nhận trong năm, ngoài mua đồ làm một bữa ăn thịnh soạn đãi cả gia đình, phần còn lại tôi đều để biếu bố mẹ mình.

Suốt 5 năm trời, mỗi năm chỉ đi du lịch đúng 1 lần cùng công ty vì không mất tiền, không yêu đương, mọi chi tiêu sinh hoạt đều ở mức tối giản nên thành quả nhận được là tôi có khoản tiền tiết kiệm gần 1,2 tỷ đồng.

Gần 2 tháng nay, tôi bắt đầu tìm hiểu các căn hộ chung cư tầm trung, khoảng 60-70 mét vuông. Nhưng nếu mua nhà chung cư ngay, tôi sẽ phải vay ngân hàng ít nhất 500 triệu đồng.

Trước nay tôi chưa vay khoản tiền nào lớn như vậy nên rất đắn đo, nhất là áp lực phải trả nợ và lãi ngân hàng.

Tôi tính có khi sẽ lùi kế hoạch mua nhà lại 1 năm. Khoản tiền 1,2 tỷ tôi gửi ngân hàng, 1 năm sẽ nhận được 70-80 triệu tiền lãi, chưa kể, tiền lương cũng để dành thêm 230 triệu đồng nữa. Như vậy, số tiền phải vay sẽ ít đi.

Bạn bè tôi 1-2 năm gần đây tiết kiệm được vài trăm triệu đồng đã quyết tâm vay thêm tiền, vay thêm vàng mua nhà. Mà mua nhà vay tiền gánh lãi còn đỡ, một số người vay vàng giờ vàng tăng giá méo mặt trả nợ. Tôi nghĩ đến cũng thấy hoảng.

Nhưng thấy tôi định lùi kế hoạch mua nhà, vài anh chị đồng nghiệp cùng công ty khuyên nên mua luôn vì càng mua chậm càng tăng giá. Mua nhà có mấy người đủ tiền, vay nợ vài trăm triệu cũng không quá nhiều.

Theo các bạn, tôi có nên vay thêm tiền mua nhà không hay chờ 1 năm nữa gần đủ tiền hãy mua? Em trai tôi sang năm vào đại học, nếu có nhà thì hai anh em không phải ở trọ. Song, mua nhà phải vay nợ, gánh lãi, nếu công việc không thuận lợi thì áp lực rất lớn vì không biết đào đâu ra để trả cả gốc lẫn lãi?

Hoàng Hữu Vinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội)