Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 32 về hạn mức trả tiền bảo hiểm, trong đó quy định chi tiết về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vừa tăng từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng. Ảnh: Hải Nguyễn

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vừa tăng từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng. Ảnh: Hải Nguyễn

Đây là số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Tuy nhiên, vấn đề được đông đảo người dân và khách hàng quan tâm ở thời điểm hiện nay là làm cách nào để xác định tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng của mình đã được bảo hiểm hay chưa (?).

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) cho biết nội dung này được quy định rất rõ trong Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành năm 2012.

Theo đó Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định.

Luật này cũng quy định, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.

Đáng chú ý, Điều 14 và Điều 15 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, trước khi khai trương hoạt động 15 ngày, tổ chức  tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ để được cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Sau đó, tổ chức tham gia bảo hiểm sẽ phải niêm yết công khai bản sao chứng nhận bảo hiểm tiền gửi tại các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.

"Như vậy, nếu khách hàng là cá nhân có tiền gửi bằng VND tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi như đã nêu trên thì tiền gửi của khách hàng đương nhiên được bảo hiểm" - DIV nhấn mạnh.

Ngoài ra, người dân gửi tiền và khách hàng cần lưu ý tại mỗi điểm giao dịch nhận tiền gửi VND của cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đều niêm yết chứng nhận bảo hiểm tiền gửi do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát hành để người gửi tiền có thể quan sát và biết tổ chức đó đã tham gia bảo hiểm tiền gửi, cũng như tiền gửi của mình có được bảo hiểm hay không.

(Theo Lao Động)

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng

Theo quy định mới, mức tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm được nâng từ mức 75 triệu đồng lên mức 125 triệu đồng.