Cách đây hơn chục năm, anh Trần Văn Tiến vào Sài Gòn làm trình dược viên. Ban đầu, mức lương của anh chỉ được khoảng 13 triệu. Dần dần, anh làm việc trực tiếp với các nhà thuốc, nhận phân phối riêng một số sản phẩm nên tháng nào, thu nhập của anh cũng được 25 triệu đồng trở lên.

Nhờ đó, anh Tiến có trong tay số tiền tiết kiệm 2,3 tỷ đồng. Vì sinh ra và lớn lên ở quê từ nhỏ nên anh rất thích làm trang trại. Hơn nữa, đi nhiều nơi anh Tiến càng nhận ra, dù xã hội đã phát triển hiện đại thì nhu cầu ăn uống vẫn là thiết yếu. 

Chính bởi suy nghĩ như thế, anh quyết định nghỉ việc và mang hết số tiền về quê đầu tư mở trang trại chăn nuôi lợn. “Mình cũng xác định, ban đầu có thể gặp khó khăn nhưng sau sẽ dần ổn định. Đi làm tuy lương cao nhưng chỉ giải quyết trước mắt, không tự làm chủ mình. Do về quê làm trang trại nên thời gian đầu mình không thể tiếp tục duy trì công việc cũ mà phải quyết nghỉ ngay”.

Nghĩ là làm, anh Tiến xin nghỉ việc ở Sài Gòn, về Thanh Oai mở trang trại. Anh được cả gia đình ủng hộ bởi bố mẹ anh cũng từng nuôi lợn nhiều năm nay. Anh liền triển khai mở trang trại chăn nuôi lợn. Mọi người động viên anh mở rộng quy mô nuôi lên 1.000 con và cho anh vay thêm tiền cũng như hướng dẫn cách làm, cách xây dựng chuồng trại, chăn nuôi từ quy mô nhỏ để có kinh nghiệm chống chọi với các bệnh gia súc. Tuy nhiên, anh Tiến quyết định chỉ khởi nghiệp trong số vốn mình có.

{keywords}
Mở trang trại nuôi lợn, năm đầu tiên anh Tiến lãi 1,7 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Với số tiền sẵn có từ những năm đi làm, anh mở trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghiệp với quy mô ban đầu 500 con. Trong đó, riêng tiền giống đã hết khoảng 600 triệu. Vì giá một lợn giống 10kg khoảng 1,2 triệu đồng. 

Ngoài ra, tiền thức ăn cho lợn cũng mất một khoản lớn tùy từng giai đoạn tăng trưởng của chúng. Nhưng trung bình, thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt từ giai đoạn còn nhỏ tới khi xuất bán hết khoảng 2,4 triệu đồng/con. Tính ra, với 500 chú lợn mất khoảng 1,2 tỷ tiền thức ăn”, anh nhẩm tính. 

Khoản tiền mua thuốc thú y cũng được anh Tiến coi trọng, bởi chăn nuôi lợn phải có quy trình phòng bệnh dịch. Chi phí tiêm phòng kháng sinh, thuốc bổ cho cho một con lợn nuôi thịt từ 10kg tới khi xuất chuồng tầm 180.000 đồng/con. 500 con lợn hết khoảng 90 triệu đồng.

"Rồi tiền thuê thêm một người làm với mức lương 3,5 triệu/tháng, tính ra 4 tháng cũng hết 14 triệu đồng chưa kể công sức của chính mình. Bên cạnh đó là chi phí điện nước để vận hành trại như điện thắp sáng, điện chạy dàn mát, quạt hết khoảng 2,5 triệu/tháng. Một lứa lợn nuôi khoảng 4 tháng, như vậy chi phí tiền điện hết khoảng 10 triệu đồng”, anh nói.

Người đàn ông này nhẩm tính, tổng chi phí ban đầu bỏ ra để mở trang trại nuôi 500 con lợn thịt công nghiệp chưa tính tới hao phí chuồng nuôi là: tiền giống + tiền thức ăn + tiền thú y + tiền thuê người làm + tiền điện nước. Tổng cộng, anh Tiến đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng, cụ thể số tiền là 1,914 tỷ đồng. 

“Số tiền trên chưa tính 350 triệu mình bỏ ra xây chuồng trại với những tiện nghi cần thiết, diện tích đảm bảo việc chăm sóc. Tổng số tiền về quê đầu tư cho vụ mở trang trại nuôi lợn hết khoảng 2,264 tỷ đồng”, anh Tiến kể.

Sau 4 tháng nuôi, nhờ chăm sóc tốt và đảm bảo được khâu phòng chống dịch bệnh, những chú lợn nhà anh Tiến bắt đầu cho xuất chuồng. Nhờ đó, anh Tiến thu được một khoản lớn. Trung bình mỗi chú lợn nặng 100kg anh bán giá hơi là 60.000 đồng/kg, tỷ lệ con chết khoảng 5%. Tiền thu từ việc bán lợn là (500 x 95%) x 100 x 60.000 =2,85 tỷ đồng. Ngay lứa lợn nuôi đầu tiên, anh Tiến lãi 586 triệu đồng. 

Cứ thế, một năm anh Tiến nuôi được 3 lứa lợn thịt, như vậy ngay năm đầu tiên anh đã lãi hơn 1,7 tỷ đồng. “Với số vốn ban đầu không nhiều nên trang trại nuôi lợn của mình có quy mô nhỏ. Thế nhưng, do có kinh nghiệm mở trang trại nuôi lợn và cách chăm sóc lợn nuôi thịt từ truyền thống gia đình nên mình có cơ sở thực hiện tốt việc này ngay từ lứa lợn đầu và thu lãi luôn. 

Nói chung, ngành nghề chăn nuôi rất vất vả, chưa kể giá cả lên xuống theo cung cầu. Bởi vậy, nếu ai có ý định xây trại lợn như mình, nhất định phải lường trước những rủi ro, suy nghĩ thật kỹ và quyết tâm cao độ. Nếu chăm sóc không cẩn thận, dịch bệnh không kiểm soát được lợn lại chết cả đàn, khi ấy có mà bán nhà đi để bù lỗ”, anh lưu ý.

Thảo Nguyên