- Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ còn tăng, không dừng ở 20 tỷ USD. Tổng cục Thống kê đề nghị cần kiểm soát buôn lậu trong khi hải quan cho rằng phương pháp thống kê là nguyên nhân chính phải thay đổi.

Xem ra, 2 tháng sau khi câu chuyện vênh số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (TQ) làm nóng diễn đàn Quốc hội, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan vẫn bó tay.

Vênh số liệu ngày càng tăng

Bàn về câu chuyện này, ông Phan Sinh - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan - chia sẻ, phương pháp ghi nhận số liệu xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đều theo chuẩn mực của thống kê Liên hợp quốc. Nhưng với cách tính hiện nay, khoảng chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu hai nước sẽ chỉ có tăng lên.

Đặc biệt, sự chênh lệch này sẽ chủ yếu rơi vào các nhóm hàng có chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Năm 2014, với hàng xuất khẩu, nhóm hàng điện tử, điện thoại, linh kiện, Việt Nam thống kê thấp hơn TQ 5,5 tỷ USD. Ở nhóm nhập khẩu, Việt Nam ghi thiếu 20 tỷ USD so với TQ, trong đó, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị xe cộ..., thiếu 12,5 tỷ USD so với TQ thống kê, chiếm tới 60%. Hàng tiêu dùng như rau quả cũng chênh tới 1,6 tỷ USD.

{keywords}

Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ còn tăng, không dừng ở 20 tỷ USD.

Ông Sinh nói: "Tìm hiểu kỹ, loanh quanh vẫn là phương pháp luận của ngành thống kê".

Cùng một mặt hàng từ TQ đến Việt Nam, phía TQ ghi là xuất khẩu đến Việt Nam theo quy tắc "nước hàng đến", nhưng ở phía Việt Nam, theo quy tắc ghi nước nhập khẩu là "nước xuất xứ", không phải là nước "gửi hàng" như trước nên sẽ xem cụ thể, mặt hàng đó có bao nhiêu % là hàng TQ thì mới ghi là TQ. Nếu hàng là made in Hàn Quốc, Nhật Bản thì sẽ ghi là của Hàn Quốc, Nhật Bản.

"Số liệu xuất khẩu của TQ và nhập khẩu của Việt Nam sẽ luôn luôn có sự lệch nhau. Nó sẽ tăng dần qua các năm cùng với sự phát triển của các tập đoàn Samsung, Nokia ở Việt Nam. Bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện điện tử của các hãng này gia tăng mạnh", ông Sinh nói.

Ông Romesh Paul, chuyên gia EU, cố vấn trưởng Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thống kê ASEAN cũng chia sẻ: "Không phải chỉ có ở Việt Nam mà các nước khác cũng đều gặp phải tình trạng chênh lệch số liệu này. Ngay cả giữa TQ và EU, số chênh lệch cũng rất lớn nhưng tìm ra được nguyên nhân và lượng hóa nó vẫn đang là cuộc chiến phải tiếp tục”.

“EU và TQ mất 4 năm mới xác định được những lý do chính dẫn đến chênh lệch số liệu và cuối cùng không ước lượng được phần trăm sai lệch. Thêm vào đó, rất khó thuyết phục các nước cùng nghiên cứu rà soát số liệu”, ông Paul nói

Không thể có buôn lậu 20 tỷ USD?

Bà Lê Thị Minh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ, Tổng Cục Thống kê - chia sẻ, có nhiều câu hỏi được đặt ra như :liệu có phải Việt Nam đã xuất khẩu lậu 5 tỷ USD tài nguyên khoáng sản sang Trung Quốc không, hay có phải nhập khẩu lậu của Việt Nam từ Trung Quốc là 20 tỷ USD không, hay là 10-15 tỷ USD, hoặc là một con số nào đó khác.

{keywords}

Tổng cục Thống kê đề nghị cần kiểm soát buôn lậu trong khi hải quan cho rằng phương pháp thống kê là nguyên nhân chính phải thay đổi.

Trong hai nhóm nguyên nhân, hoặc là do phương pháp luận hay do gian lận thương mại, Tổng cục Thống kê không thể lượng hoá được tác động của từng nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch trên.

"Với biên giới đường bộ dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, rất khó kiểm soát hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, qua các cư dân biên giới. Trung Quốc có thể ghi nhận được nhưng chúng ta thì không", bà Thủy nói.

Bà Thuỷ cho hay, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt cũng thông đồng với các doanh nghiệp đối tác để khai giá thấp, hưởng mức thuế thấp nên làm hạ thấp giá trị nhập khẩu. Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng khai giá trị xuất khẩu tăng lên để hưởng thuế khấu trừ cao hơn theo chính sách ưu đãi của Chính phủ nước này.

"Chúng tôi đề xuất với Quốc hội, cần kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc phối hợp hải quan hai nước thực hiện rà soát số liệu, thì mới lượng hoá tác động của từng nguyên nhân".

Bà Thuỷ cũng đề nghị, Tổng cục Hải quan cần theo dõi thêm luồng hàng hoá ngoài phạm vi thống kê như tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển tải và thực hiện thống kê nhập khẩu song song theo 2 cách vừa nước gửi hàng và nước xuất xứ. Như vậy, vấn đề chênh lệch với Trung Quốc sẽ sớm sáng tỏ.

Tuy nhiên, ông Phan Sinh cho rằng: "Phương pháp luận vẫn là nguyên nhân chính. Tôi đã có lần kiến nghị với chuyên ra của Liên hợp quốc cần phải thay đổi lại phương pháp này".

Về nhóm gian lận thương mại, ông Sinh nhấn mạnh: "Nếu 20 tỷ USD là hàng lậu hoàn toàn thì nền kinh tế Việt Nam đã sập từ lâu, không được như bây giờ".

"Hải quan đã kiểm soát rất chặt. Nếu để lọt tới hàng tỷ USD vào Việt Nam thì cán bộ hải quan đã có người giàu có khác thường, sa vào vòng lao lý ngay", ông Sinh nhấn mạnh.

"Nhiều trường hợp, phía Trung Quốc gian lận, khai tăng giá trị xuất khẩu để hưởng lợi thuế khấu trừ ưu đãi. Một cái máy giá 100 ngàn USD, nhưng họ khai lên 150 ngàn USD. Nhưng ở hải quan Việt Nam, nếu việc khai giá chênh lệch này không ảnh hưởng làm thất thu thuế thì chẳng ai lại xác minh tại sao anh lại khai giá như vậy", ông Sinh cho biết thêm.

Phạm Huyền