“Do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết, không ít người mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng đã bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản hoặc dùng tài khoản vào mục đích phạm tội”, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội khuyến cáo một loại tội phạm mới.

Tiền mất, tài khoản bị người khác dùng

Vụ án đang được CQĐT thụ lý điều tra liên quan đến Nguyễn Phượng Ly (SN 1985), quê quán Bắc Giang, tạm trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người bị hại trong vụ án này là chị Nguyễn Thị Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh hàng hiệu ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Khoảng cuối năm 2014, Nguyễn Phượng Ly đến cửa hàng của chị Minh mua đồ và tự giới thiệu là trưởng phòng của một ngân hàng. Thấy nữ “trưởng phòng” đi ô tô Mercedes và mua nhiều hàng có giá trị nên chị Minh rất phấn khởi, dần dần kết thân với Ly.

{keywords}

Nữ “trưởng phòng” Nguyễn Phượng Ly chiếm đoạt tiền tỷ trong tài khoản của người khác

Đầu năm 2015, Ly rủ chị Minh sang Hồng Kông (Trung Quốc) “đánh hàng”. Trước khi đi, Ly hướng dẫn chị Minh mở tài khoản thanh toán quốc tế để tiện giao dịch. Do đã có chủ ý từ trước nên Ly khuyên chị Minh không nên sử dụng số điện thoại đang dùng để nhận dịch vụ tin nhắn của ngân hàng nhằm “tránh bị điều tra” về việc buôn bán mà nên sử dụng số sim “rác” để đăng ký. Tin tưởng Ly, chị Minh còn nhờ nữ “trưởng phòng” kê khai giúp thông tin cá nhân khi lập tờ khai mở tài khoản.

Nhân sơ hở này, Ly đã điền số điện thoại của cô ta vào phần nhận tin nhắn của ngân hàng rồi đưa cho chị Minh số sim có đuôi gần giống với số máy đăng ký. Ngay sau đó, Ly tìm cách nắm được mật khẩu tài khoản của chị Minh. Một thời gian sau, Ly khi nhận được tin nhắn của hệ thống ngân hàng thông báo chị Minh vừa chuyển vào tài khoản số tiền 5 tỷ đồng. Ý đồ đặt ra đã đạt được, sau màn kịch lừa quá tinh vi, Nguyễn Phượng Ly lập tức rút sạch số tiền trên rồi bỏ trốn.

Trong một vụ án khác, CQĐT CATP Hà Nội đang xác minh, làm rõ tình tiết liên quan tới Đỗ Quốc Duy, quê quán Tây Ninh, sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP.HCM. Năm 2013, Duy mở tài khoản tại ngân hàng để gia đình chuyển tiền sinh hoạt trong thời gian học đại học. Đến tháng 7-2014, sinh viên này đánh mất ví bên trong có thẻ ngân hàng và CMND. Nghĩ sự việc đơn giản, Duy đã không đến ngân hàng thông báo việc mất thẻ để ngân hàng có biện pháp quản lý tài khoản mà chỉ báo gia đình dừng gửi tiền vào số tài khoản trên.

Sau đó, thẻ và tài khoản của Duy đã bị một nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng sử dụng để nhận tiền của người bị hại chuyển đến. Tháng 9-2015, Công an Hà Nội trong quá trình điều tra một vụ án lừa đảo bán điện thoại iPhone5 qua mạng Internet, xác định người bị hại đã chuyển tiền vào tài khoản mang tên Đỗ Quốc Duy. Chính vì vậy, chủ tài khoản Đỗ Quốc Duy cũng thuộc đối tượng trong diện điều tra. Kết luận cuối cùng còn đang chờ CQĐT, nhưng nếu Duy có ý thức thông báo việc mất thẻ cho ngân hàng thì chắc chắn không dính vào phiền phức.

Đừng tự “mua dây buộc mình”

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi của đối tượng lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình. Chủ tài khoản phải có trách nhiệm thông báo kịp thời với ngân hàng nơi mở tài khoản khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc trong trường hợp tài khoản của mình bị lợi dụng.

Cá nhân không được cho thuê, cho mượn tài khoản hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp…Những quy định nêu trên không khó thực hiện nhưng nhiều người do thiếu hiểu biết hoặc chủ quan, đã không có ý thức quản lý, giữ gìn tài khoản theo đúng quy định, dẫn đến việc bị tội phạm lợi dụng hoặc vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Tội phạm hoạt động qua thẻ tín dụng thường sử dụng thủ đoạn gọi đến số máy cố định các gia đình, giả làm nhân viên bưu điện hoặc cơ quan công an, viện kiểm sát… điều tra các vụ án ma túy liên quan đến chủ thuê bao. Sau đó, chúng lừa chủ thuê bao cung cấp số tài khoản ngân hàng, yêu cầu họ ra ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra và hứa sau đó sẽ trả lại.

Để thực hiện hành vi lừa đảo này, các đối tượng đã thuê người đến ngân hàng mở tài khoản cá nhân rồi chuyển lại thông tin tài khoản cho chúng sử dụng vào mục đích lừa đảo. Không ít người vì thiếu hiểu biết và ham tiền nên đã làm theo. “Quá trình điều tra vụ án, những chủ tài khoản này dù không thực hiện hành vi rút tiền chiếm đoạt nhưng cũng gặp rất nhiều phiền phức, phải giải trình với CQĐT để chứng minh mình không liên quan đến việc sử dụng tài khoản lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cảnh báo.

Theo An Ninh Thủ Đô