Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 5/2019, giá lợn hơi trong nước giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh mặc dù đã công bố hết dịch nhưng lại bị tái bùng phát trở lại.

Đặc biệt, do tâm lý lo sợ dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi bán lợn chạy dịch số lượng lớn khiến nguồn cung lợn hơi tăng đột biến, kéo theo giá lợn hơi giảm mạnh.

Cụ thể, tại miền Bắc, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tiên nên giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang ở mức thấp nhất cả nước. Giá lợn hơi ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Bình, Yên Bái, Lào Cai đã đồng loạt giảm 6.000-7.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng tại Phú Thọ và Tuyên Quang chỉ còn 29.000 đồng/kg,Thái Bình còn 31.000 đồng/kg và Yên Bái, Lào Cai còn 32.000 đ/kg.

{keywords}
Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 48 tỉnh thành, buộc tiêu huỷ hơn 2 triệu con lợn

Các địa phương còn lại như Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định giá thịt lợn hơi xuất chuồng cũng chỉ dao động trong khoảng 28.000-31.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng 4.

Tương tự, giá lợn hơi tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế giảm 11.000 đồng/kg xuống 29.000 đồng/kg; Đắk Lắk giảm 10.000 đồng/kg xuống 32.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định lợn hơi được thu mua trong khoảng 28.000-31.000 đồng/kg, giảm 9.000-10.000 đồng/kg.

Từ Quảng Nam trở vào tới Bình Thuận, giá lợn hơi đạt mức 37.000-39.000 đồng/kg, giảm 3.000-5.000 đồng/kg. Khu vực Tây Nguyên, giá khoảng 32.000đồng/kg, giảm 8.000-10.000 đồng/kg. 

Trong tháng 5 vừa qua, dù có mức giá bán cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhưng ở các tỉnh miền Nam, người chăn nuôi lợn lại đang phải hứng chịu đợt giảm giá mạnh nhất với mức trung bình giảm từ 9.000-15.000 đồng/kg so với tháng trước.

Đơn cử, tại các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau giá lợn giảm 9.000-11.000 đồng/kg xuống 35.000 đồng/kg. Đồng Nai, giá thịt lợn dao động ở mức 35.000-40.000 đồng/kg; Bình Phước, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre... đạt 31.000-34.000 đồng/kg, giảm 13.000-15.000 đồng/kg. Các địa phương khác, giá lợn hơi khoảng 35.000-37.000 đồng/kg.

{keywords}
Do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi xuất chuồng đồng loạt giảm mạnh

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, DTLCP vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số tỉnh dù đã công bố hết dịch nhưng sau đó dịch bệnh vẫn bùng phát trở lại do công tác kiểm soát dịch bệnh chưa chặt chẽ, chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do thiếu ý thức phòng chống dịch, không khử trùng chuồng trại, dùng thức ăn thừa cho lợn...

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Đà Nẵng

Qua lấy mẫu xét nghiệm, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) phát hiện lợn của 4 hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Đà Nẵng, chiều 3/6 xác nhận tại huyện Hòa Vang đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Sở NN-PTNT đang phối hợp với UBND huyện Hòa Vang giám sát và rà soát kỹ diễn biến vụ việc, đồng thời sẽ báo cáo cụ thể đến các ban ngành liên quan và UBND TP.

“Ổ dịch mới xuất hiện trên địa bàn Hòa Vang nhưng chưa công bố dịch trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đang giám sát kỹ tình hình và sẽ có báo cáo cụ thể”, ông Ban thông tin.

Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 4 hộ dân ở xã Hòa Phú và Hòa Phong.

“Cục Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm và tất cả đều dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phía huyện đã công bố dịch tả lợn châu Phi ở địa bàn 2 xã Hòa Phú và Hòa Phong”, ông Thương nói.

Vĩnh Định

Tại nhiều địa phương, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không thực hiện tái đàn do lo sợ DTLCP.  Theo đó, nguồn cung thịt lợn vào cuối năm 2019 có thể giảm mạnh và giá thịt lợn sẽ tăng trong thời gian tới.

Trước đó, giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có tình hình dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, DTLCP đã lan ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, phải tiêu hủy 2 triệu con lợn, 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn của cả nước.

Theo Bộ trưởng, đây là thiệt hại vô cùng lớn. Ông dự báo, với tình hình thời tiết diễn ra vô cùng phức tạp như năm nay, cộng với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ (2,4 triệu hộ chăn nuôi), nếu không có biện pháp tích cực, bệnh sẽ tiếp tục lan ra các vùng còn lại, bùng phát tại những nơi đã có ổ dịch.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho hay, hiện vẫn còn hơn 90% đàn lợn sạch, vì vậy phải tuyên truyền để người dân không quay lưng với việc tiêu thụ thịt lợn. Điều này vừa giảm thiểu thiệt hại kinh tế vừa giúp thị trường không bị khủng hoảng.

Để tránh tình trạng thiếu thịt lợn vào cuối năm, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đang bàn giảm pháp để có thể trữ đông thịt lợn sạch. Các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tham gia, song cho rằng vấn đề đặt ra thiếu kho cấp đông, thiếu vốn và vấn đề kiểm dịch.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, dịch sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh và thành phố, không chừa tỉnh nào. Ngay cả những trang trại, cơ sở lớn, quy mô hiện đại cũng khó tránh khỏi nếu không có giải pháp phòng ngừa tốt. 

Vì thế, nếu không cấp bách triển khai việc trữ đông, bởi theo ông Tiến, có thể dẫn tới tình trạng nguồn cung thiếu trầm trọng vào dịp cuối năm. 

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, 5 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi vẫn đạt 225 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ xuất khẩu các sản phẩm từ lợn tăng mạnh trong giai đoạn này. 

Cụ thể, 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ lợn đạt gần 24,8 triệu USD, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường Hong Kong, Malaysia và Trung Quốc tăng mạnh do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Riêng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 7,5 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2018 do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong nước tăng khiến nguồn cung cho xuất khẩu giảm đáng kể.

Như Băng