- Công nghệ thì có thể mua, nhưng về quản trị và nguồn nhân lực thì khó có thể khỏa lấp, đây chính là lỗ hổng lớn nhất của nền kinh tế nước ta, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định.

Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành với chủ đề "Dịch vụ phát triển kinh doanh" cho thấy, những vấn đề cố hữu của khu vực DN vẫn chưa được giải quyết.

Hai yếu kém của DN nhỏ

Mặc dù bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2015 đã có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên điểm nghẽn lớn vẫn là sự yếu kém của DN. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vắng lực lượng DN có quy mô đủ lớn để hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, các DN đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng nguồn lao động có tay nghề thấp, giá rẻ. Đây có lẽ là hồi chuông cảnh báo đối với nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu từ Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy, DN là trung tâm của sáng tạo và đổi mới, nhưng đổi mới công nghệ giai đoạn 2011-2015 của DN cả nước chỉ đạt mức trung bình, khoảng 16%/năm.

{keywords} 

Đến nay, chỉ một số ngành như: công nghệ thông tin, viễn thông, dầu khí, hàng không, ngân hàng,... có công nghệ tương đối hiện đại, còn lại các DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với thế giới.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ 20% số DN có công nghệ hiện đại, nhưng chủ yếu lại thuộc về các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo VCCI, hiện trên 90% số DN Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, có quy mô vốn trên dưới 10 tỷ đồng, vì vậy hầu như không đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Chỉ các DNNN lớn mới có nguồn kinh phí dành cho hoạt động này.

Dịch vụ các DN hiện sử dụng nhiều nhất là kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế (65%), tiếp đến là dịch vụ liên quan đến pháp lý (49%), quảng cáo (46%). Trong khi đó, chỉ có 23,3% DN đã từng ít nhiều sử dụng dịch vụ nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận, 30% từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật. Đặc biệt nhiều DN nhỏ cho biết, họ có biết đến các dịch vụ phát triển kinh doanh, nhưng chưa hề sử dụng, hoặc chỉ sử dụng một vài lần rồi thôi.

Ngoài ra, các DN nhỏ còn vướng hai vấn đề quan trọng khác là yếu kém về quản trị và về chất lượng nguồn nhân lực. Hầu hết các DN nhỏ tại Việt Nam không có nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy dẫn đến thiếu tầm nhìn, thiếu kỹ năng, năng lực quản trị yếu. Cùng với đó là nguồn nhân lực không được đào tạo bài bản, nên khó có thể tạo ra sức cạnh tranh cao khi hội nhập.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), có một thực trạng là nhiều DN nhỏ hiện không có kinh phí cho đào tạo nhân lực. Một số DN cũng muốn được hỗ trợ, nhưng khi hỏi đào tạo để làm gì thì cũng không có mục đích rõ ràng.

Công nghệ thì có thể mua, nhưng về quản trị và nguồn nhân lực thì khó có thể khỏa lấp, đây chính là lỗ hổng lớn nhất của nền kinh tế nước ta, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định.

Điều này cũng được nhiều chuyên gia thừa nhận: tài chính có thể vay, công nghệ có thể mua... nhưng con người yếu thì coi như thua hẳn trong cuộc cạnh tranh thời hội nhập.

Thiếu năng lực

Với hàng loạt các Hiệp định thương mại đã được ký kết và thực thi, nhận định chung cho thấy sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu đã đem lại lợi ích to lớn. Nhưng làm thế nào để có thể tăng cường sự tham gia của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu? Một trong những chủ đề xuyên suốt đó chính là việc phát triển của các dịch vụ để hỗ trợ DN, gọi là "dịch vụ phát triển kinh doanh".

Đây là những dịch vụ phi tài chính cung cấp đến các DN nhằm tổ chức quản lý DN một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, phát riển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho DN.

{keywords} 

Theo bà Phạm thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, trong hội nhập kinh tế quốc tế, dịch vụ phát triển kinh doanh sẽ hỗ trợ DN từ khâu chuẩn bị quốc tế hóa, đến tham gia tích cực và triển khai các hoạt động quốc tế, mở rộng vị thế thị trường sản phẩm của DN.

Các dịch vụ phát triển kinh doanh như sở hữu trí tuệ, kế toán, kiểm toán, quảng cáo, nghiên cứu khảo sát và thăm dò dư luận, thử nghiệm và phân tích kỹ thuật, tư vấn quản lý, pháp lý... thời gian qua đã phát triển mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, chỉ các DN lớn trong nước, các công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài thường xuyên sử dụng. Còn lại các DN nhỏ rất hạn chế.

Hiện vẫn còn tỷ lệ lớn các DN không biết hoặc biết nhưng không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cơ bản nhất cho sự phát triển của mình.

Lấy ví dụ về dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật, tiến sỹ Lương Minh Huân, Viện nghiên cứu và phát triển DN (VCCI) cho biết, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với các đối tác, thì hàng rào thuế quan sẽ dần được thay thế bằng các hàng rào kỹ thuật. Do vậy, việc các DN vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật cho các sản phẩm, sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam khó có thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của nước khác.

Trần Thủy