Sâm sức khỏe là một loại dược liệu quý với hàm lượng Saponin lên đến 38%, hiện chỉ có ở “ốc đảo” Kon Pne.

Tìm củ khỏe trên “ốc đảo”

Cách thành phố Pleiku (Gia Lai) hơn 200 km, phải mất gần 6 giờ đồng hồ chúng tôi mới có thể đặt chân tới “ốc đảo” Kon Pne, đây cũng là xã xa nhất tỉnh Gia Lai. Vì trung tâm xã lọt thỏm giữa thung lũng bốn bề núi cao nên nơi đây được mệnh danh là “ốc đảo”, ở đây chủ yếu là người Ba Na sinh sống.

{keywords}
Người dân vui mừng bên gốc sâm sức khỏe mới đào được.

Vừa về tới đầu xã, chúng tôi đã cảm nhận được không khí tưng bừng, rộn ràng đón xuân của người dân nơi đây. Trước đây, người Ba Na không đón Tết Nguyên đán như người Kinh, họ xem Lễ mừng lúa mới sau vụ thu hoạch tháng 11 hàng năm là tết của dân tộc mình.

Tuy nhiên, sau công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, họ đã hòa nhập với cộng đồng và bắt đầu đón tết chung cùng dân tộc.

{keywords}
Những củ sâm sức khỏe này có hàm lượng Saponin rất cao (38%).

Theo đó, vào những ngày giáp tết, phụ nữ thường ở nhà trang hoàng nhà cửa, còn đàn ông thường chuẩn bị một cái gùi và một chiếc cuốc nhỏ lên rừng. Tò mò hỏi thăm những chàng thanh niên trong làng, chúng tôi mới biết họ đi tìm sâm sức khỏe về ngâm rượu ngày tết. Vẫn ngờ nghệch về loại sâm kỳ lạ này nên tôi đã xin họ đi cùng.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng bị “dọa” lại bằng những lý do như “vắt nhiều lắm đấy nhé” rồi thì “phải đi xa lắm tận mấy ngày cơ”… Tuy nhiên, chính cái tên kỳ lạ “củ khỏe”, sâm sức khỏe đã khiến tôi tò mò hơn.

Và rồi giữa trưa, đoàn chúng tôi cũng bắt đầu cuộc săn “củ khỏe” từ mẹ thiên nhiên. Theo chân anh Iơr (35 tuổi, trú tại làng Kon Pling, xã Kon Pne), đoàn bắt đầu men qua những rẫy lúa của người dân.

“Mùa này nhiều lắm, nhưng phải đi xa mới có những củ to, ở gần người làng đào hết rồi. Bây giờ vượt qua quả đồi kia là sẽ tìm được sâm sức khỏe. Sâm này ngâm rượu tốt lắm, uống khỏe nữa nên ai mà chẳng mê, nhưng loại này chỉ có ở Kon Pne thôi nhé. Tết vừa rồi tôi cũng đào được mấy lọ đem ngâm rượu biếu anh em hết rồi…”, anh Iơr cho hay.

{keywords}
“Ốc đảo” Kon Pne đang từng bước “thay da đổi thịt” nhờ các loại dược liệu.

Sau khi vượt qua ngọn núi làng Pling đoàn đã tìm đến nơi “củ khỏe” sống, tuy nhiên phải loay hoay gần 30 phút sau, chúng tôi mới tìm được một gốc sâm sức khỏe ưng ý.  Thoạt đầu nhìn lá sâm khá giống với sa nhân tím, tuy nhiên cây sâm sức khỏe lớn hơn, mọc cao hơn sa nhân tím.

“Loại này phải moi rễ từ từ đấy, không là gãy hết củ bên dưới. Mùa này những cơn mưa rừng bắt đầu thưa dần nên đất cứng, bên cạnh đó loại sâm này thường mọc ở những nơi đất đá nên khó lấy lắm. Sau khi đào được “củ khỏe” phải mang về rửa sạch và phơi khô rồi bắt đầu ngâm rượu, sau 2 tháng thì uống được…”, anh Iơr chia sẻ thêm.

Xây dựng thương hiệu sâm sức khỏe

Hiện sâm sức khỏe hay còn gọi là củ khỏe chiếm 38% hàm lượng Saponin so với sâm ngọc linh, loại dược liệu này mới chỉ xuất hiện ở “ốc đảo” Kon Pne. Sâm sức khỏe thường dùng làm chế phẩm ngâm rượu, tuy nhiên vẫn chưa phát triển phổ biến.

Từ một vùng “ốc đảo” cách TP. Pleiku hơn 200km, nhưng giờ đây Kon Pne đã và đang từng bước “thay da đổi thịt” nhờ cây dược liệu như sâm đá, sâm sức khỏe, sa nhân tím… Không chỉ bảo vệ rừng, người dân còn được chính quyền hướng dẫn cách tận dụng những khoảng đất trống dưới tán rừng trồng cây dược liệu tăng cao thu nhập, đón xuân ấm no hơn.

{keywords}
Những củ sâm sức khỏe này có thể ngâm rượu.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho biết, xã Kon Pne là một địa phương khá thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt dưới tán rừng. Người dân vừa có thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng, vừa tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu phát triển kinh tế, đúng với định hướng của huyện là hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng.

Ngoài ra, chính quyền xã cũng đang định hướng người dân mở rộng diện tích cây sâm đá, bởi hàm lượng Saponin trong sâm đá chiếm đến 40%.

“Để phát triển cây sâm sức khỏe, hay người dân vẫn thường gọi là “củ khỏe”, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu và phát triển loại sâm này thành loài sâm đặc trưng của vùng Kon Pne, lấy tên là sâm Kon Pne. Đồng thời xã sẽ mở rộng diện tích, bảo vệ loại dược liệu quý này bằng việc nhân giống sâm dưới tán rừng.

Hiện nay, loại sâm này đang bị truy lùng ráo riết, nếu để việc khai thác vô tội vạ này kéo dài, sâm sức khỏe sẽ biến mất khỏi vùng ốc đảo này. Về giá thành sản phẩm của các loại dược liệu, chúng tôi sẽ tìm cách liên hệ, kết nối để làm đầu mối cho bà con bán trực tiếp cho những cơ sở thu mua, giảm khâu trung gian mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Vừa giảm nghèo hiệu quả, người dân cũng sẽ có những cái tết ấm no hơn…”, ông Quang cho biết thêm.

(Theo Dân Việt)