Vi phạm tràn lan

Cuối năm 2018, Công ty Piaggio Việt Nam phải đưa ra tòa 2 vụ liên quan đến bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, Piaggio Việt Nam đã khởi kiện một công ty sản xuất xe máy điện lớn tại Hà Nội và một công ty khác tại tỉnh Hưng Yên về hành vi xâm phạm quyền đối với bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Hai công ty này đã sản xuất và phân phối ra thị trường các sản phẩm xe máy điện, có kiểu dáng không khác biệt đáng kể so với kiểu dáng xe tay ga Vespa của Piaggio.

TAND TP. Hà Nội đã tuyên hành vi sản xuất sản phẩm xe máy điện mang kiểu dáng không khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe tay ga Vespa của Piaggio là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, buộc phải loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm trên xe máy điện vi phạm. Đồng thời, phải thực hiện các thủ tục tại Cục Đăng kiểm Việt Nam để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, cho dòng xe mang kiểu dáng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Piaggio.

{keywords}
xe-nhai2.jpg

Tại Hưng Yên, TAND tỉnh Hưng Yên đã ban hành bản án sơ thẩm với DN sản xuất xe điện, có trụ sở tại địa phương này vì có hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp khi sản xuất và phân phối các sản phẩm xe máy điện, có kiểu dáng không khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe đã được bảo hộ của Piaggio.

Các vụ kiện này, có thể được coi là điển hình, về việc vi phạm kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy thời gian gần đây tại Việt Nam.

Vi phạm về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xe máy, từ kiểu dáng công nghiệp đến phụ tùng, ngày càng gia tăng. Sách Trắng lần thứ 11, do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố ngày 14/3, đã lên tiếng cảnh báo về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

EuroCham cho rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng và xảy ra trên quy mô lớn. Các hoạt động vi phạm ngày càng trở nên phức tạp, khó phát hiện và kiểm soát hơn. Trong đó, các sản phẩm xe máy cao cấp đang bị làm nhái, với quan điểm bắt chước hơn là đổi mới sáng tạo. Một số các công ty đang kinh doanh những sản phẩm có hình thức giống các sản phẩm của các công ty xe máy lớn, khiến người dân nhầm lẫn với sản phẩm chính hãng. Trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất các sản phẩm nhái không sao chép hoàn toàn mà thực hiện một số thay đổi nhỏ. Điều này gây khó cho các chủ sở hữu trong quá trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, hàng năm có tới hàng trăm đến cả nghìn vụ vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xe máy. Còn theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), mấy năm nay nổi lên tình trạng kiểu dáng xe máy có xuất xứ Trung Quốc xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong số hàng ngàn vụ việc bị xử lý, không ít vụ việc liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp xe máy như: Giả mạo nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu; xâm phạm kiểu dáng công nghiệp; xâm phạm sáng chế,... Đáng chú ý, nổi lên là tình trạng một số mẫu xe máy như Wave, Dream, Cub của Honda, Best của Suzuki, Vespa của Piaggio,... bị sao chép kiểu dáng với số lượng lớn.

Hiện trên thị trường lưu hành rất nhiều xe máy điện, lắp ráp trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc, có kiểu dáng vi phạm kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký bảo hộ của các hãng sản xuất xe máy lớn ở Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio.

{keywords}
xe-nhai3.jpg

Hình phạt nhẹ càng coi thường

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, sở dĩ các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, vẫn ngang nhiên có mặt trên thị trường là do có tới hơn 95% vụ việc được xử lý hành chính, với mức phạt nhẹ, nên không đủ tính răn đe. Chẳng hạn trong lĩnh vực xe máy, đối tượng vi phạm kiểu dáng công nghiệp chỉ bị xử phạt khoảng 200 triệu đồng là không đáng kể. Vì vậy, đã khiến cho việc vi phạm không giảm mà ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm thường trông chờ vào kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hoặc ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp có ý kiến trái chiều giữa hai bên, sẽ gây khó khăn cho cơ quan thực thi.

Sách Trắng của EuroCham cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay chỉ một cơ quan đánh giá và xác định sản phẩm nhái có sự khác biệt đáng kể so với sản phẩm chính hãng hay không, đó là Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Kết quả đánh giá này rất quan trọng vì được xem là bằng chứng để khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, nếu kết quả đánh giá không hợp lý thì chủ sở hữu cũng khó có thể phản đối và quyền sở hữu trí tuệ dường như không bảo vệ được, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành vô nghĩa.

VAMM và EuroCham kiến nghị Chính phủ cần thực thi tốt các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao sự bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp, thiết kế sản phẩm và tăng nặng các chế tài xử phạt.

Trần Thủy