Vừa qua, việc Công ty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (Thadi) - công ty con của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) thông báo hợp tác với Hùng Vương của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh để đầu tư mảng chăn nuôi, bao gồm thuỷ sản và chăn nuôi heo đã gây sự chú ý đặc biệt trong giới đầu tư. Bởi nhiều năm trở lại đây, từ vị thế “vua cá tra”, doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh đã dần đánh mất thị phần, rồi rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên.

Tuy nhiên, trước khi lâm cảnh mất cân đối tài chính nghiêm trọng khiến doanh nghiệp phải liên tiếp bán ra tài sản, và cổ phần sở hữu ở công ty con/liên kết để có tiền phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh và giải quyết các khoản nợ tới hạn phải trả, ông Dương Ngọc Minh từng là một thành công điển hình trong giới kinh doanh ngành thủy sản nước nhà.

{keywords}
"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh

“Xộ khám” trong bối cảnh ít ai ngờ

Ông Dương Ngọc Minh sinh năm 1965 ở TP.HCM. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia Thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TP.HCM).

Ở nơi heo hút đó, Nông trường Duyên Hải đã được thành lập, áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi.

Đến năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM.

Sau một thời gian hoạt động, công ty đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm. Tuy nhiên, đến năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trước đó trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản.  Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Và theo như chia sẻ của ông Minh sau này, thì thời điểm đó, doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình lạm phát. Lúc nhập máy móc thiết bị từ Nhật với phương thức trả chậm, tỷ giá đồng yen lúc đó khoảng 280 yen đổi 1 USD. Lúc công ty trả thì đồng yen lên giá 150 yen đổi 1 USD, tính ra số tiền thanh toán thiết bị tăng gấp đôi lúc nhập.

Doanh nghiệp đã vay vốn bằng ngoại tệ từ nước ngoài để xây dựng trụ sở, mua thiết bị sản xuất. Khi Nhà nước vào kiểm toán thì tính bằng đồng Việt Nam thời điểm xây dựng nên không phản ánh được thực tế. Từ kết quả kiểm toán, ông bị khởi tố với tội danh trên.

Không những vậy, tại phiên xử phúc thẩm, ông Minh bị buộc thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù.

Về tội này, trong một lần trao đổi cởi mở với báo chí, ông chia sẻ, thời điểm đó, thường mỗi tấn hàng xuất đi thì được 50 USD hoặc một container thì 500 USD. Nếu bỏ túi riêng cũng chẳng ai kiểm soát được nhưng ông lại chủ trương thu về cho đơn vị để sử dụng vào việc chi thưởng cho công nhân. Chính điều này sau đó đã khiến ông vướng vào tội lập quỹ trái phép.

Sau 6 năm cải tạo tại trại giam Xuân Lộc, ông đã được đặc xá trước thời hạn.

Con đường trở thành “vua” xuất khẩu cá tra

{keywords}
Kinh doanh mặt hàng cá tra đã giúp đưa tên tuổi của ông Dương Ngọc Minh vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Ảnh: Báo Đầu tư

Năm 2003, sau khi ra tù, thay vì chấp nhận lời mời phụ việc cho một số người quen, ông đã quyết định từ chối và quyết tâm trở về nghề cũ.

Nhưng tâm thế của ông lúc đó chỉ có “hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không”. Phương tiện đi lại cũng không có, ông phải mượn một chiếc xe máy cũ của nhân viên trước đây để chạy.

Máu kinh doanh thủy sản chưa nguôi, ông vay mượn vốn rồi lại thành lập CTCP Hùng Vương - Thủy sản Hùng Vương, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương đã gắn bó với mình từ thuở ban đầu. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn mặt hàng tôm, ông lại chuyển hướng với sản phẩm  chủ lực mới là cá tra.

Với tài quản lý và sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, ông liên tiếp gặt hái được thành công. Khi dày vốn trong tay, đại gia này bắt đầu vung tiền mua hàng loạt công ty trong ngành thủy sản với mục tiêu mở rộng quy mô, bành trướng thị trường.

Chiến lược này đã làm tăng tốc doanh thu từ không đầy 5.000 tỷ đồng vào năm 2010 tăng lên gần 15.000 tỷ đồng vào năm 2014 - một con số khổng lồ mà nhiều công ty mơ ước cũng khó có thể đạt được.

Giai đoạn này thị trường cá tra tăng trưởng khá tốt và Hùng Vương “lượm” khá nhiều tiền. Khi tiền đầy tài khoản, các ngân hàng "xếp hàng" cho Hùng Vương vay tiền. Ông Dương Ngọc Minh từng hào hứng tuyên bố: “Tôi làm để đem lại cổ tức cho cổ đông chứ nhu cầu của tôi hằng ngày chỉ là hút thuốc lá, uống cà phê, cơm hai bữa. Tiền cổ tức chia cho tôi cũng để thưởng cho những cấp quản lý khác”.

Riêng trong năm 2014, thủy sản Hùng Vương chi cả trăm tỷ để thưởng Tết cho nhân viên. Sang năm 2015, Hùng Vương báo lợi nhuận trước thuế 22 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014, lợi nhuận sau thuế là 21,5 tỷ đồng…

{keywords}
Năm 2014, thủy sản Hùng Vương chi cả trăm tỷ để thưởng Tết cho nhân viên.

Với những thành tựu đã đạt được, Hùng Vương trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, và chủ của Hùng Vương Dương Ngọc Minh được gọi là “vua cá tra”. Bên cạnh đó, tên ông cũng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.

Xắn tay tái cơ cấu hoạt động kinh doanh

Cuộc sống luôn có những xoay vần khó đoán định, và con đường kinh doanh của “vua cá tra” cũng vậy.  Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, trong năm 2019, ông Dương Ngọc Minh "rớt đài", ra khỏi top 100 và oằn mình với gánh nặng nợ nần.

Tham vọng doanh thu tỷ USD với hàng loạt vụ thâu tóm và mở rộng hoạt động sản xuất trong nước cũng như sang tận Nga... đã đẩy doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp con vào tình trạng khó khăn chồng chất. Chỉ 2 năm 2016, 2017, Hùng Vương đã thua lỗ trên 700 tỷ đồng.

Để giải quyết khó khăn, “vua cá tra” đã phải xắn tay tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định.

Trong năm 2018, Hùng Vương đã bán 100% vốn tại công ty Thực phẩm Sao Ta, thu lãi hơn 213 tỷ đồng. Đồng thời thoái hơn 50% vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng ghi nhận lãi hơn 187,2 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, Hùng Vương đạt doanh thu thuần hợp nhất 8.105 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2017 nhưng lãi nhẹ 1,5 tỷ đồng, so với con số lỗ 713 tỷ đồng của năm 2017.

Năm 2019, khi ngành cá tra Việt Nam đối mặt với khó khăn do giá cá nguyên liệu đã giảm tới 47%, kéo theo giá xuất khẩu giảm sâu đã khiến Hùng Vương phải kinh doanh dưới giá vốn để rồi ghi nhận khoản lỗ gộp 36 tỷ đồng trong quý 4 niên độ 2018 – 2019; lỗ ròng của quý này là 242 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm tài chính 2018-2019, doanh thu của Hùng Vương giảm từ 8.100 tỷ xuống 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 600 tỷ, từ 104 tỷ xuống âm 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1,5 tỷ xuống âm 476 tỷ đồng.

Tuy vừa thua lỗ nghìn tỷ trong năm tài chính vừa qua, thế nhưng tháng 2 mới đây, thủy sản Hùng Vương đã công bố quyết định thay đổi kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020.

Theo kế hoạch trình cổ đông, ĐHĐCĐ lần này sẽ có nhiều thay đổi và đây cũng sẽ là một bước ngoặt để giúp ông Dương Ngọc Minh thực hiện tham vọng trở lại ngôi vương trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra với chỉ tiêu kinh doanh đạt hơn 12,5 nghìn tỷ đồng doanh thu và 790 tỷ đồng lợi nhuận.

(Theo Đời sống & Pháp luật)