Ở Việt Nam, tuy không nhiều bằng cam nhưng quýt cũng là một loại đặc sản nổi tiếng được trồng ở nhiều vùng miền trên cả nước. Giá quýt thường dao động từ 40.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ thời điểm.

Vào mùa, loại quả đặc sản này được người dân chuộng mua về ăn, bởi chúng không chỉ ngon ngọt mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Song, từ trước đến nay, mọi người mua quýt về ăn đa phần chỉ ăn múi, vỏ quýt vứt đi.

Thế nhưng, điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên là vỏ quýt - thứ vốn được mọi người bỏ đi - lại biến thành đặc sản và bán với giá vô cùng đắt đỏ. Đơn cử, loại vỏ quýt khô được dùng để làm gia vị chế biến các món ăn hiện có giá bán lên tới 6 triệu đồng/kg.

{keywords}
Nhiều người ăn quýt thường ăn múi và vứt vỏ đi

Theo người bán quảng cáo, dù chỉ là vỏ quýt sạch, nhưng điều đặc biệt khiến giá đắt đỏ là vì chúng được người Đông Tạng (Trung Quốc) xử lý khéo léo khi chôn dưới đất 6 năm trời mới đào lên đem bán.

Trong khi đó, loại vỏ quýt được sử dụng làm trà uống hàng ngày đang có giá dao động từ 2,5-3 triệu đồng/kg. Hay như trên các trang mua sắm trực tuyến và mạng xã hội, giá vỏ quýt khô loại rẻ nhất cũng lên tới 150.000-300.000 đồng/kg tuỳ loại.

Chị Nguyễn Thanh Hương, chủ một cửa hàng chuyên về các loại trà ở Quận 1 (TP.HCM) cho biết, mua quýt tươi về ăn thì rẻ, nhưng để mua được vỏ quýt về dùng lại khá đắt đỏ và không phải lúc nào cũng có. Vì thế, mấy năm gần đây, vỏ quýt khô luôn là mặt hàng được nhiều người săn mua dù chúng có giá đắt gấp cả hàng chục lầm, thậm chí hàng trăm lần so với giá quýt.

{keywords}
Thế nhưng, trong đông y vỏ quýt lại là vị thuốc quý

“Trước kia, tôi hay nhập vỏ quýt của người Đông Tạng về bán làm gia vị chế biến các món ăn, nhưng 2 năm trở lại đây, ngoài loại vỏ quýt khô nhập, vào mùa quýt tôi tranh thủ tìm mua quýt sạch về lấy vỏ chế biến khô đi để bán làm trà uống”. Chị nói và cho biết, giá của vỏ quýt khô xanh hiện là 250.000 đồng/lạng, mua cả cân giá là 2 triệu đồng.

Theo chị Hương, khách mua vỏ quýt về có thể làm trà pha uống không hoặc kết hợp với các loại trà khác cũng sẽ tạo ra hương vị đặc biệt. Cũng có thể làm gia vị khi chế biến các món ăn.

{keywords}
Trên thị trường vỏ quýt hiện là mặt hàng vô cùng đắt đỏ, có giá tới vài triệu đồng mỗi cân

Lương y Bùi Hồng Minh (Hiệp hội Đông y Ba Đình) cho biết, vỏ quýt xanh gọi là thanh bì, vỏ quýt chín gọi là trần bì, đều có công dụng chữa bệnh. Do đó, có thể sử dụng vỏ quýt nghiền thành bột sử dụng để chữa bệnh liên quan đến tiêu hóa, viêm phế quản, cảm cúm, ho, điều hòa huyết áp, ổn định nhịp tim, hoặc dùng để xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ và chống nấm móng tay chân nhờ đặc tính sát khuẩn mạnh.

Trong nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong vỏ quýt có tinh dầu thơm gluccoxit orange, aldehit lemon, axít béo,... có tác dụng gây hưng phấn tim, ức chế vận động của dạ dày, ruột, tử cung, là vị thuốc tốt để điều trị cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, có công hiệu nhất với những chứng bệnh tỳ vị khí trệ như trướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Vó quýt chứa nhiều tinh dầu với thành phần chủ yếu là limonen (91%), protein, chất béo, các vitamin và khoáng chất như vitamin C, B1, canxi, sắt,...

Dù có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, song các chuyên gia Đông y cũng khuyến cáo, những người khí hư cần dùng thận trọng, người có khí trệ, nhiều mồ hôi không dùng được. Khi dùng cũng phải đúng liều lượng nhất định, không nên dùng quá nhiều. Ngoài ra, cần phải chọn được loại quýt sạch, không có thuốc bảo quản, không có thuốc trừ sâu để tránh gây hại cho sức khỏe.

Lưu Minh